Ông đã có công tìm tòi, chuyển đổi khiêu vũ Huế từ đường lối cổ điển qua bước nhảy khiêu vũ thể thao quốc tế (International Dancesport) mê hoặc lòng người. Ông là Hoàng Công Thức, một vũ sư già nổi tiếng với những bước nhảy dancesport uyển chuyển, đầy biểu cảm đến mê hồn. Ngôi nhà tuềnh toàng, cũng là “sàn nhảy” của vũ sư Thức nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ ở địa chỉ 96 Lê Thánh Tôn (TP Huế). Nơi đây mấy chục năm qua đã có hàng chục thế hệ học trò đam mê khiêu vũ lớn lên và cất cánh bay xa. Duyên nghề Ông kể hồi bé ông thường được cha dẫn đến chơi nhà một người bạn. Em trai người này - tên là Hồ Đình Chi - rất mê khiêu vũ. Lần nào đến nhà Thức cũng bắt gặp cảnh ông Chi mải mê nhảy theo điệu nhạc phát ra từ chiếc cassette cũ đặt ở góc phòng. Tận mắt trông thấy những động tác lạ lùng nhưng vui tươi ấy, cậu bé Thức cứ thế đứng ngẩn ngơ. Nhiều đêm, những bước nhảy tài hoa của ông Chi còn lạc vào giấc mơ rồi mãi ám ảnh cậu. Vì vậy hôm nghe ông Chi hỏi có muốn học không, cậu bé hồn nhiên gật đầu không chút tư lự. Căn phòng nhỏ trong ngôi nhà cổ kính những ngày sau đó vui hẳn lên. Thức thôi không còn đứng thập thò ngoài cửa nhìn trộm ông Chi nhảy nữa. Một già, một trẻ cầm tay nhau nhún theo điệu Cha cha cha, Valse... nhịp nhàng, quyến rũ. Khi ấy, Hoàng Công Thức mới 13 tuổi. Liên tục gần hai năm, nhờ sự chỉ bảo tận tình của người thầy tâm huyết, Thức đã kiên trì tập luyện và mau chóng nắm bắt được những bước nhảy cơ bản, dù vẫn chưa thật nhuần nhuyễn và còn có phần cứng nhắc. Để rồi sau này, chàng trai gầy gò gốc Huế ngày một đam mê, quyết tâm dấn mình vào nghiệp khiêu vũ và trở thành một trong những con chim đầu đàn của dancesport cố đô. Năm 1965, Hoàng Công Thức khi ấy đã 19 tuổi, bị chế độ cũ gọi nhập ngũ vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Sài Gòn khi ấy đang rầm rộ phong trào khiêu vũ, với sự bùng nổ mạnh mẽ của các loại nhạc có tiết tấu sôi động, sang trọng và quyến rũ như Rumba, Cha cha cha, Samba, Slow Waltz, Tango... đã thổi bùng lên niềm đam mê trong lòng chàng trai trẻ. Giải ngũ năm 1973, Hoàng Công Thức trở lại Huế. “Thời điểm ấy ở Huế khiêu vũ chỉ mới manh nha. Trong nhận thức của nhiều người, khiêu vũ hẵng còn xa lạ. Nó chỉ đơn thuần là phương tiện giải trí, là dịp để tầng lớp tư sản, quý tộc trong bộ máy cầm quyền cũ tụ tập quay cuồng dưới ánh đèn màu lấp loáng, ngập ngụa trong hơi men” - vũ sư Thức kể. Niềm đam mê sẵn có, thêm mong muốn thay đổi cách nhìn của người Huế về khiêu vũ khiến ông không ngừng tự nghiên cứu, bồi đắp vốn liếng nghề nghiệp cho mình. Vẻ thanh thoát, vững vàng đầy hồn điệu của những bước nhảy toát ra từ đôi chân, cánh tay và cả con người vũ sư Thức. Chúng là kết quả của cả quá trình dài miệt mài tập luyện, học hỏi từ những chuyên gia đi trước như Richazd Hunt (người Anh - Chủ tịch Hiệp hội Vũ sư Quốc tế), Balanca Turon Ribas (người Tây Ban Nha - bốn lần liên tiếp vô địch thế giới 10 điệu dancesport)… Những bước nhảy đam mê, điêu luyện của vũ sư Hoàng Công Thức. Ảnh: YÊN AN Lớp khiêu vũ đầu tiên của vũ sư Thức được mở ngay tại nhà ông. Gian phòng ọp ẹp chỉ rộng mấy mét vuông với chiếc cassette cũ rè rè phát những bản Valse, Tango sâu lắng hay những điệu Samba, Jive... rộn ràng. 22 học viên trong lớp học tuềnh toàng ấy đủ mọi lứa tuổi, làm đủ thứ việc. Ban ngày, họ quay cuồng với trăm nghề mưu sinh, đêm đến lại có mặt ở nhà thầy Thức tập luyện. 6 giờ tối, nhạc nổi lên. Từng cặp, từng cặp lại dìu nhau nhún bước. Lớp học nhỏ bé vừa buông mình theo điệu nhạc du dương sâu lắng, thì lát sau đã lại rộn lên những vũ điệu sôi động, tươi vui. Phía trò là vậy, phía thầy cũng chẳng hơn. Để có tiền theo đuổi đam mê, ông từng làm đủ nghề để kiếm tiền trang trải. Người dân phường Thuận Thành (TP Huế) biết đến ông còn với tư cách một… bác sĩ thú y. “Không hiếm lần khi đang say sưa thả hồn theo điệu Valse uyển chuyển với học trò thì có người đến gọi nhờ đi… khám cho bầy heo. Thế là tôi tạm dừng khiêu vũ, tất tả đi “chữa bệnh” rồi sau đó trở lại lớp tiếp tục tập cho học trò” - ông Thức cười. Truyền lửa cho “khiêu vũ cộng đồng” Giảng dạy một thời gian, vũ sư Thức có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật các điệu và phương pháp đào tạo học viên khiêu vũ. Ông nhận định lối khiêu vũ ở nước ngoài khác hẳn Việt Nam, các bước nhảy của họ thực sự chuyên nghiệp và có tính thống nhất quốc tế. Nên dần dà ông tìm cách chọn lọc và vận dụng linh hoạt một số bước nhảy mới, lồng ghép vào đường lối khiêu vũ salon cũ trước đây, đưa khiêu vũ Huế sang một bước ngoặt mới. Đó chính là sự chuyển biến từ lối khiêu vũ salon cổ điển (vốn chỉ diễn ra trong một khoảng không gian hẹp và ít di chuyển) sang dancesport - là khiêu vũ thể thao, gồm các điệu nhảy mang tính nghệ thuật thể thao với các bước nhảy mềm dẻo hơn, đẹp mắt và sinh động hơn. Dancesport gồm 10 điệu nhảy tiêu biểu, trong đó có năm điệu cổ điển là: Vienese, Waltz, Tango, Poxtrot, Quicktep và năm điệu Mỹ Latin là: Samba, Rumba, Chachacha, Jive và Pasodoble. Ít ai biết rằng để có được bước chuyển đổi quan trọng ấy, nhiều lần ông Thức phải tập luyện đến quên thời gian, lắm lúc mệt mỏi tưởng chừng bỏ cuộc. Có một thời gian dài, người bạn duy nhất của ông là... thuốc lá. “Tôi từng rất cô độc. Mỗi khi dự sinh nhật của một ai đó, giữa khung cảnh vui vẻ đến tràn ngập hân hoan, giữa làn điệu âm nhạc du dương và người người dìu nhau trong những bước khiêu vũ tuyệt vời, không hiểu sao lòng tôi vẫn mang một nỗi buồn man mác. Quả thật, để đứng vững trên con đường này, tìm cho được tiếng nói chung trong cộng đồng khiêu vũ Huế thật sự không dễ dàng gì” - ông nói. Niềm vui lớn của ông là cả ba người con gái cũng rất say mê môn nghệ thuật này. Chị Như Nguyện, con gái lớn của ông, cũng là một vũ công nổi tiếng. Hơn 60 năm qua, vũ sư Hoàng Công Thức luôn dành phần lớn thời gian để truyền dạy niềm đam mê khiêu vũ cho các thế hệ học trò. Ông bảo bây giờ khiêu vũ Huế đã tiến một bước khá dài, trình độ khiêu vũ của người Huế cũng đã có những tiến bộ đáng khen ngợi. Song lòng ông vẫn không thôi ấp ủ một ước mơ, làm sao để dancesport Huế phát triển không thua kém bất cứ nơi nào trên đất nước này. “Lớp học dancesport ở Huế bây giờ nhan nhản. Nhưng số lớp dạy đúng nghĩa của nó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chất lượng và kỹ thuật còn kém và lạc hậu, trong khi khiêu vũ cần sự đầu tư. Nếu không, chỉ mãi mãi giậm chân tại chỗ với những bước nhảy cũ mà thôi” - ông Thức nói bằng giọng buồn hoang hoải. Trầm ngâm một lúc, ông tiếp: “Việc dạy dancesport cũng không nên nôn nóng, bởi lẽ có những điệu trong đó với nhiều động tác nhảy quả thực khó có thể được chấp nhận với những gia đình nền nếp, gia phong như Huế”. Với kinh nghiệm của mình, ông nhận định bình quân 5-10 năm thì khiêu vũ lại có sự thay đổi trong các bước nhảy. Vì thế, bản thân người dạy phải thật sự có tâm huyết và đam mê mới thực hiện tốt việc truyền đạt kiến thức cho học viên. Cùng với cả nước, người Huế đang dần thay đổi quan điểm của mình về dancesport. Từ già đến trẻ, ai cũng đều say theo điệu nhạc. Các câu lạc bộ như HIDC, Hoàng Gia, New Life, LOS... luôn nhộn nhịp bởi sự có mặt rất nhiều những đôi chân mê nhảy, không phân biệt già, trẻ hay trai, gái. “Điều đó thật đáng mừng, bởi khiêu vũ không đơn giản chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi giao lưu, tâm tình cuộc sống và chia sẻ kinh nghiệm tập luyện, cũng như bồi đắp tâm hồn qua những điệu nhạc sinh động”. Đôi mắt nâu của vũ sư ánh lên làm khuôn mặt bừng nở một nụ cười tươi rói. YÊN AN http://phapluattp.vn/201110151051306...cha-xu-hue.htm
Đánh dấu