Phần 1
Vào cuối thập niên 60's, tôi chập chững làm "người lớn", nghĩa là tôi bắt đầu biết tụm năm, tụm bảy với bạn bè lê la các cours de danse và boîte de nuit được mọc lên như nấm ở thành phố Sài Gòn. Lúc nào có nhiều tiền thì cả đám kéo vào Au Baccara, Queen Bee, Majestic nhảy đầm, ít tiền thì vô các mini clubs, còn không tiền thì chạy xe Honda lòng vòng thành phố để kiếm bal mở tại tư gia để xin vào chơi ké. Lúc đó, đã đành là tôi phải đi học đàng hoàng nhưng cứ hở ra là ... nhảy đầm! Đó là một trò chơi rất hấp dẫn cho đám thanh thiếu niên mới lớn. 40 năm trôi qua, do sinh hoạt tự nhiên trong đời sống nên tôi giảm dần đi nhảy đầm nhưng lại tăng thêm phần tìm hiểu lý thuyết trong những lúc nhàn tản; nhất là quan sát cung cách nhảy của người Việt Nam.
Bài viết này điểm qua các nét chính về thuật nhảy đầm và đặc biệt khảo về Tango - bà chúa của vũ trường - vốn dĩ là một nhạc điệu réo rắt cực kỳ lôi cuốn và là một vũ điệu phổ biến khắp nơi trên thế giới - riêng Việt Nam, khối lượng nhạc Tango được sáng tác nhiều khủng khiếp, hầu như người Việt Nam nào cũng biết nhảy Tango và lẽ dĩ nhiên, phải biết đến giọng ca Tango của các ca sĩ lão luyện như Lệ Thu, Khánh Ly: tuyệt vời, bất khả nghị bàn!
1.Dẫn nhập:
Nhảy đầm, gọi kiểu cách bằng tiếng Hán Việt là khiêu vũ, được người Pháp du nhập vào Việt
Nam và do đó, in hẳn cái khuôn nhảy cho người Việt Nam mãi cho đến ngày nay, thể hiện qua
cách chơi nhạc tour (tức là chơi các điệu nhạc theo thứ tự: paso doblé, boléro (hay rumba), cha cha cha, slow, bebop, tango, boston, valse, hết một vòng thì lặp lại nên gọi là nhạc tour).
Giai đoạn Việt Nam bị Pháp thuộc (1884-1945) cũng là giai đoạn mà âm nhạc và khiêu vũ phát triển mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới. Đầu thế kỷ thứ 19, người ta hãy còn nhảy rời và đối diện với nhau; gọi là contradanza, thí dụ như vũ điệu Cha Cha Cha. Chỉ việc kép chạm tay vào lưng đào đã bị coi là đụng chạm quá đáng! Vì vậy, khi vũ điệu Waltz - một vũ điệu nhảy theo lối ôm sát (close hold) - được trình diễn lần đầu tiên đã khiến mọi người sửng sốt và bối rối (ambivalent feeling), phân vân không biết nên nghĩ thế nào về Waltz!1
Theo quan điểm đạo đức thời đó, Waltz bị chỉ trích vì đào kép ôm sát nhau và bước nhảy xoay
tròn trông khá khiêu dâm. Các nhà lãnh đạo tôn giáo hầu như đồng nhất kết luận rằng đó là một vũ điệu thô tục và tội lỗi. Tại Anh quốc, vốn là xứ nghiêm khắc về đạo đức, phải rất lâu Waltz mới được chấp nhận.
1 Waltz (Valse, còn gọi là luân vũ): một vũ điệu xuất xứ từ vùng ngoại ô Vienna và miền núi cao của Austria. Vào đầu thế kỷ thứ 17, Waltz được chính thức trình diễn trong các phòng khiêu vũ (ballrooms) của triều đình. Trước đó, dân quê của Austria và Bavaria đã nhảy Waltz. Các bước căn bản và nhịp điệu 3/4 chát chát bùm của vũ điệu Waltz có thể học dễ dàng nhưng để nhảy thì khá khó bởi vì dáng điệu nhảy phải có thể nhấp nhô lên và xuống một cách tự nhiên, cũng như khó trong sự phối hợp nhịp nhàng giữa đào và kép trong khi xoay tròn theo nhịp nhạc. Tháng 7- 1816, Waltz được chơi trong một buổi dạ tiệc của Hoàng tử Anh quốc ở London. Vài ngày sau, báo The Times chỉ trích gay gắt như sau:
"Chúng tôi đau buồn ghi nhận rằng một vũ điệu ngoại quốc phi đạo đức có tên là Waltz đã được giới thiệu (chúng tôi tin đây là lần đầu tiên) ở triều đình Anh quốc vào ngày Thứ Sáu vừa qua. Nó đủ hấp dẫn để bắt mắt qua việc chân tay quấn tròng tréo rất khiêu dâm và thân thể ép sát với nhau khi nhảy2, để thấy rằng nó đã thực sự tách xa khỏi đặc điểm được xem là nết na của phụ nữ Anh quốc. Ngày nào sự trình diễn tục tĩu này còn dành riêng cho gái điếm và giới tà dâm, ngày đó chúng tôi nghĩ rằng nó không đáng để lưu ý; nhưng bây giờ nó đã được thượng cấp của tầng lớp đáng nể trọng trong xã hội cố gắng áp đặt vào họ nên chúng tôi cảm thấy có nhiệm vụ khuyến cáo các bậc cha mẹ nên chống lại việc phô bày con gái của mình trước vụ truyền nhiễm chết người này."
3.Có rất nhiều chống đối từ thế hệ già, nhưng ít ai nói đến sự kiện nữ hoàng Anh quốc Victoria rất hâm mộ Waltz và là người nhảy Waltz nhuần nhuyễn! Mặc cho chống đối, lịch sử tự nó lặp lại và lặp lại, sự phản kháng chỉ làm gia tăng tính chất đại chúng của Waltz. Giới giàu có nồng
nhiệt đón nhận Waltz ngay sau cuộc cách mạng Pháp (1789 -1799); chỉ riêng Paris đã có gần 700 khiêu vũ trường! Khoảng năm 1850 khi đoàn hát Opera ở Paris gặp khó khăn tài chánh, họ thử đưa Waltz xen vào vài màn trình diễn để thăm dò khán giả. Kết quả là đại chúng ưa chuộng, yêu cầu tái diễn, nhưng phải đến khoảng năm 1880, phong cách nhảy xoay tròn của Waltz mới được chấp nhận rộng rãi.
Waltz trình diễn lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1834 tại lâu đài Beacon Hill ở Boston, do vũ sư
Lorenzo Papanti biểu diễn. Và cũng tại Mỹ, hai biến thể Waltz thành hình. Thứ nhất là vũ điệu
Boston, tức là vũ điệu waltz nhưng có nhịp chậm hơn nhiều và bước dài hơn. Thứ hai là bước
ngập ngừng (hesitation, tức là bước lướt của hai nhịp chát chát), ngày nay vẫn còn phổ biến.
Giai đoạn tiếp theo, khi thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) chấm dứt, một cuộc cách mạng xã hội phát sinh. Phong tục và giá trị của các thế hệ trước bị đào thải. Đời sống phải hiện sinh và
hưởng thụ tối đa. Âm nhạc và vũ điệu mới mẻ bắt đầu nảy nở dựa theo nguyên tắc chính yếu là nghỉ ngơi và tiêu khiển bắt nguồn từ dân da đen. Ở các đồn điền miền Nam của Mỹ thời đó
thường có các cuộc tranh đua để tìm ra "ai là chủ của vũ công nhảy nhanh nhất" (who owned the fastest dancer). Về sau, dân da trắng bị hấp dẫn bởi phong cách tự do trong nhịp điệu của dân da đen nên "đóng bộ" với khuôn mặt đen đi trình diễn khắp nơi. Phụ nữ mặc váy ngắn và khêu gợi hơn.
2 Khi nhảy Waltz, vị trí từ thắt lưng trở xuống chân của đào và kép thì ép sát vào nhau, và từ thắt lưng trở lên đầu thì ngửa ra như chữ V; và khi xoay tròn thì chân phải của kép luôn luôn thọc vào giữa hai chân đào, đồng thời thân hình cả hai phải nhô lên, nhô xuống theo điệu nhạc. Nói "trông dâm đãng" cũng có phần đúng.
3 "We remarked with pain that the indecent foreign dance called the Waltz was introduced (we believe for the first time) at the English court on last Friday. It is quite sufficient to cast one's eyes on the voluptuous intertwining of the limbs and close compressure on the bodies in their dance, to see that it is indeed far removed from the modest reserve which has hitherto been considered distinctive of English females. So long as this obscene display was confined to prostitutes and adulteresses, we did not think it deserving of notice; but now that it is ttempted to be forced on the respectable classes of society by the civil examples of their superiors, we feel it a duty to warn every parent against exposing his daughter to so fatal a contagion."
Cách nhảy ôm sát nhau (close-hold), thay đổi đào kép một cách thường xuyên và tác phong phóng túng được xã hội chấp nhận - thể hiện rõ nhất qua nhạc Jazz.
Jazz phát sinh vào cuối thế kỷ thứ 19 từ các vũ trường dơ bẩn và các nhà thổ ở vùng Nam và
Trung Tây của Mỹ (South and Midwest), những nơi mà tiếng Jazz ám chỉ ý nghĩa giao cấu nam nữ. Nhạc jazz xuất phát từ: New Orleans, St. Louis, Memphis và Kansas City, nhưng New
Orleans vốn là và vẫn còn là một trung tâm nhạc jazz rất quan trọng nhờ vào dân da đen mà khởi thủy là dân nô lệ được mang đến.
Kiểu nhảy của dân da đen được gọi là "jazz" hay "kiểu nhảy khác thường" (eccentric dancing)
nhanh, xoay tròn, nhào lộn có tên như: Turkey Trot, Grizzly Bear, Kangaroo Dip và Chicken
Scratch. Các kiểu cách này quá mới lạ, đôi khi khôi hài; tuy nhiên, các bước rắc rối và động tác tay chân nhuyễn nhừ của họ đã dần dần đi sâu vào giới khiêu vũ Mỹ. Vào năm 1916, hai năm sau khi thế giới chiến tranh bùng nổ, nhạc jazz ở New Orleans đã vươn lên tới tột đỉnh. Một năm sau nữa, sử gia Bernard Grun tuyên bố Chicago là "trung tâm nhạc jazz của thế giới."
Từ jazz, phát sinh ra các vũ điệu fox-trot, shimmy, rag, Charleston, v.v. Trong cao trào ái mộ
jazz, Bob Wills thành lập một ban nhạc lớn và giúp sáng tạo một loại nhạc có tên là western
swing. Vũ điệu swing của dân quê (country swing dance) xuất phát trực tiếp từ loại nhạc mà
Wills chơi và mọi người theo đó mà nhảy.
Một nhịp điệu mới xuất hiện sau đệ nhị thế chiến (1939-1945), đó là Be-bop, một loại nhạc
swing kích động có nhiều động tác quay tròn, đổi tay và quăng ném đào. Từ đó, một loại nhạc
có tên là rock 'n roll nảy sinh. Nhảy với nhạc rock 'n roll là vũ điệu tương tự như Jitterbug và
Swing. Việc nhảy theo từng cặp trở nên đại chúng vào khoảng giữa thập niên 70's với sự nổi lên của Disco. Nhưng cuối thập niên 70's, khi Disco bị đào thải, country music tiếp tục phát triển nhanh chóng trong đại chúng và swing phục sinh, nhảy với nét mặt vui tươi và dáng dấp thân thiện.
Trải qua hơn hai thế kỷ, ngày nay âm nhạc và vũ điệu đã được nhào luyện và phát triển rộng rãi. Các buổi dạ tiệc mừng sinh nhật, tiệc cưới, v.v. hầu như bắt buộc phải có khiêu vũ để tăng thêm phần vui vẻ. Hòa vào niềm vui của thiên hạ trong chốc lát âu cũng là một niềm vui ở đời. Tuy nhiên, nghề chơi có lắm công phu và có một số quy ước mà người sành sỏi nên biết. Dưới đây là các nét chánh của thuật khiêu vũ.
2.Thuật khiêu vũ:
2.1.Phép lịch sự khiêu vũ (dance etiquette)
Nhiều người và nhiều phong cách nhảy có thể xảy ra cùng một lúc tại sàn nhảy, vì vậy, một số
quy ước xã giao khiêu vũ được đặt ra để mọi người có thể cùng nhau giải trí vui vẻ; và cũng nhờ vào quy ước mà sàn nhảy sẽ có thể nhận được nhiều người. Xin lưu ý các quy ước sau đây:
Khi sàn nhảy quá đông người, người ta nên "tự chế" để không nhảy biểu diễn (tức là không fantaisie tự do, phóng túng), ngay cả không nhảy để giúp tạo không khí chung thoải mái. Khi đông, nên nhảy bước ngắn. Khi nhảy, từng cặp cố gắng giữ một khoảng nhỏ chung quanh để không lấn qua chỗ nhảy của người khác.
Tôn trọng đường nhảy (line of dance), không zig-zag ở giữa sàn nhảy. Trung tâm của sàn nhảy dành cho các vũ điệu nhảy tại chỗ (spot dances), thí dụ như: Jive, Swing, Be-bop, Rumba, Cha
Cha Cha. Không nhảy các vũ điệu này ở phía vòng ngoài trừ khi sàn nhảy quá chật. Đối với các vũ điệu di chuyển về phía trước (progressive) thì nhảy ở phía vòng ngoài và luôn luôn đi
theo chiều ngược kim đồng hồ, thí dụ như: Foxtrot, Tango, Waltz, và Two-Step. Khi một nhạc điệu cho phép nhảy theo nhiều vũ điệu khác nhau, thí dụ Foxtrot hay Be-bop thì các cặp nhảy Be-bop nên đi vào trung tâm của sàn nhảy để các cặp nhảy Foxtrot dễ dàng di chuyển ở phía vòng ngoài.
Nếu muốn đi sang phía đối diện thì đi ở mé ngoài của sàn nhảy, không cắt ngang qua trung tâm của sàn nhảy. Nếu lỡ đụng chạm vào các người cùng nhảy thì xin lỗi cho sự bất cẩn của mình.
Không ngưng nhảy để nói chuyện hoặc tranh cãi gây trở ngại chung.
2.2.Thuật dẫn dắt đào trong khiêu vũ:
Để có thể dẫn dắt đào, lẽ tất nhiên kép cần có khả năng dẫn dắt - tương tự như muốn lái xe thì
kép phải có khả năng lái.
Thứ nhất, kép phải phân biệt được nhịp nặng nhẹ. Hầu hết nhạc khiêu vũ có nhịp 2/4, 3/4, hay
4/4. Trong nhịp 2/4 và 3/4, nhịp đầu tiên được nhấn mạnh và có thể nghe rõ qua tiếng trống hay tiếng bass guitar. Đây là nhịp bắt đầu bản nhạc và bước nhảy thứ nhất luôn luôn bắt đầu ở nhịpđầu tiên. Trong nhịp 4/4, nhịp nhấn mạnh nhất là nhịp đầu tiên và giảm bớt ở nhịp thứ ba. Tóm lại, cần lắng nghe tiếng trống hay tiếng bass. Không có gì bối rối cho bằng nhảy trật nhịp.
Thứ hai, các ngón điều khiển đào như: cho đào xoay tròn, quăng ném đào, búng lưng cho đào
quay, bẻ tay đào kéo vào lòng, cho đào te, nuốt nhịp khi trật nhịp hoặc ghìm bước khi đào sắp
nhảy đụng cặp khác, v.v. là những ngón rất vui mà chỉ có đào và kép cảm nhận được, còn khán giả chỉ nhìn suông mà thôi. Do đó, kép phải thực tập cho nhuyễn.
Thực tập có thể là khía cạnh mà người ta hay lơ là nhất. Tâm lý con người chỉ ý thức được một việc trong từng lúc; vì vậy, khó có thể nghĩ đến cùng một lúc hai hay ba hoạt động của thể xác. Để có thể cùng một lúc nghe nhịp lẫn tiếng ca, dìu đào nhảy và thưởng thức thú vui nhảy đầm, người ta cần thực tập kỹ lưỡng để tạo ra thói quen (habit); mà thói quen thì chỉ tạo được qua lặp đi, lặp lại mà thôi.
Trong nhạc tour Việt Nam, chỉ có một vũ điệu nhảy rời Cha Cha Cha thì đào có thể tự do nhảy nhưng với tất cả các vũ điệu còn lại thì kép hoàn toàn điều khiển đào. Như vậy, câu hỏi đặt ra là: "Kép có phải là macho không ?"
Mặc cho các "phiền toái, tai bay, vạ gió" có thể xảy ra, tôi thành thực
khẳng định rằng dù muốn, dù không thì tính chất macho của kép là luật chơi trong nhảy đầm.
Chẳng có gì phải nghi ngờ. Theo tự điển The American Heritage Dictionary, macho là ý nghĩa phóng đại của nam tính qua các biểu hiện như: can đảm, hùng dũng và chế ngự phụ nữ. 4 Áp dụng vào nhảy đầm, quan điểm macho có nghĩa là kép làm chủ (in charge) để quyết định bước nhảy và điều khiển đào.
Khi dạo bước ngoài đường, kép đi mé ngoài, đào đi mé trong để kép bảo vệ. Kép bước vào vũ trường, vui vẻ nắm tay đào và để đào đi vào bàn và ngồi trước. Khi ngồi, đào ngồi phía sau bàn, kép ngồi ở mép bàn, dang tay ngang qua vai đào để mọi người biết rằng kép làm chủ, chăm sóc mọi thứ cho đào.
Khi ra sàn nhảy, kép đưa tay mặt đặt nhẹ nơi thắt lưng của đào để đào tự quyết định mức độ ôm kép sát đến mức nào và sau đó, kép mới nâng tay mặt lên ngay cánh tay trái của đào (bả vai) để làm điểm tựa mà điều khiển đào bước tới, lui, ngang, dọc và quay tròn. Kép phải có thể cảm nhận được dòng nhạc để truyền qua cho đào, nhảy nhẹ nhàng, và cùng với đào thưởng thức thú vui nhảy đầm, chơi vơi đâu đó để tạm quên thực tế dưới ánh đèn màu hiu hắt ...
Khi nhảy xong, kép nên giữ đào trong vòng tay một giây lát, tựa như không muốn chấm dứt.
Sau đó, kép đưa đào về bàn - để đào đi phía trước. Kép trả hết mọi phí tổn, không bao giờ cho phép đào trả bất cứ khoản chi nào cả.
Kép vui vẻ giữ vai trò macho và đào bằng lòng cho dẫn dắt. Cả hai bình đẳng trong mối quan hệ này. Họ không đấu tranh với nhau, thay vào đó là cộng tác. Họ đi tay trong tay, bổ túc cho nhau trong sự tương kính. Sức mạnh của đào là cần được kép thương yêu và giữ được tính chất nữ tính (feminity), vốn là một cái gì bí mật mà kép quý trọng. Sức mạnh của kép là tính chất nam tính (masculinity), một cái gì rất khác biệt mà đào không thể có được. Trong một cách nhìn khác, tương quan macho là mối tương quan đa cảm và thích chăm sóc phái yếu của một người đàn ông thực sự, một real man. Lẽ dĩ nhiên, vài giờ chung vui trong vũ trường rất khác với thế giới thực tế của đời sống bên ngoài; xin cả kép và đào luôn luôn nhớ như vậy.
4 The American Heritage Dictionary, trang 751: macho is characterized by machismo, which is an exaggerated sense of masculinity stressing such attributes as courage, virility, and domination of women.
2.3.Thuật mời khiêu vũ (Art of the cabeceo):
Có lẽ tập tục mời một người không quen biết trong vũ trường để nhảy xuất phát từ tình trạng trai thừa, gái thiếu. Tuy nhiên, không hẳn chỉ có kép mời đào nhảy mà ngược lại, rất thông thường là đào mời kép. Cử chỉ gật đầu đồng ý để người khác mời mình nhảy được gọi là thuật mời khiêu vũ (art of the cabeceo: gật đầu), trong đó "đá mắt" là điểm khởi sự then chốt.
Kép cần nằm trong tầm nhìn của đào để đo lường xem đào có nhìn đến kép hay không. Nếu đào nhìn kép rồi nhìn qua hướng khác thì có nghĩa là đào không muốn nhảy với kép; và ngược lại, nếu đào "đáp ứng" ánh mắt của kép thì kép cỏ thể đi đến bàn đào để mời. Dưới ánh đèn màu, không phải dễ dàng "đá mắt". Có lẽ người ta nên đi quanh, khi tới gần bàn của đào mà kép muốn mời nhảy thì kép nhìn đào, và nếu đào cũng nhìn lại thì kép gật đầu về hướng sàn nhảy. Đào cũng gật thì tiến đến mời; còn như đào không nhìn, không gật thì cứ ... tiếp tục bước qua luôn.
Tại Á Căn Đình, cabeceo chỉ để cùng vui trong giây lát nhưng người Việt Nam và ngay cả người Mỹ hãy còn xa lạ; họ không chấp thuận nét duyên dáng và đơn giản của cabeceo. Theo đúng luật chơi của cabeceo thì một khi bị từ chối, kép sẽ xấu hổ mà ra khỏi vũ trường hay buổi dạ tiệc và đào sẽ ngồi một mình suốt buổi nhảy đầm vì sẽ không có kép nào đến mời nữa. Tuy nhiên, người Việt Nam không hẳn áp dụng đúng như thế. Họ không mời đào của cặp khác nhảy quá hai lần. Khi mời đào, họ nhã nhặn. Nếu đào từ chối, họ vui vẻ chấp nhận. Ngược lại, đào không nên mời kép nhảy quá một lần. Nếu đào thực sự "bắt mắt", họ sẽ trở lại để mời.
(còn phần 2)
Đánh dấu