Ngày Xuân đọc báo Tết
Kiêu hãnh cùng Dancesport
Đối với bộ môn Dancesport của Việt Nam, cái tên Khánh Thy không chỉ là tên gọi của một người nổi tiếng. Hơn thế, nó còn gắn liền và luôn được coi là “chất xúc tác” mạnh mẽ cho sự phát triển của Dancesport Việt Nam từ những ngày chập chững ra đời đến nay. Mới đây nhất, đánh dấu cho sự thành công của Khánh Thy nói riêng và của DanceSport Việt Nam nói chung chính là chiếc HCV tại Đại hội thể thao châu Á trong nhà - Asian Indoor Game lần 3 (AIG 3), được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2009 vừa qua… Trò chuyện cùng chúng tôi (phóng viên báo Tư vấn tiêu dùng – HN.),Khánh Thy đã thẳng thắn bộc bạch những tâm sự về bộ môn nghệ thuật này. Xin được chia sẻ cùng độc giả TVTD những lời tâm sự đó trên số báo Xuân đặc biệt này.
NHỮNG TÍN HIỆU MỪNG
Xin chúc mừng Khánh Thy với chiếc HCV tại Asian Indoor Game 3 vừa qua. Thành tích này có phải là cao nhất không Thy?
Xin cảm ơn chị! Đây chính là HCV đầu tiên của Thy, và cũng là của Liên đoàn KVTT Việt Nam ở cấp châu Á. Trước kia, Thy chỉ đứng ở vị trí thứ 6, nhưng là nội dung thi cả 5 điệu chứ không phải 1 điệu như vừa qua. Xung quanh thành công tại AIG 3, Thy cũng thấy mọi người bàn tán nhiều, song Thy vẫn cho rằng đây thực sự là một thành công. Bởi nói cho đúng, lợi thế sân nhà chỉ là một phần mà thôi. Nếu trình độ của mình quá chênh lệch, không được 9 – 10 phần so với người ta thì chắc chắn không thể có được kết quả như vậy.
Sau giải AIG lần này, Thy thấy nhìn nhận của mọi người về DanceSport như thế nào?
Trước đây, mọi người thường nói là DanceSport Việt Nam làm sao có thể sánh với quốc tế. Thậm chí, khi Thy bước ra sàn thi đấu vẫn còn nghe có những người bàn tán là “Đoàn Việt Nam đi thi thì chỉ bét thôi, nhìn đoàn Việt Nam là thấy thua rồi”… Vâng, ngay trên sàn đấu đấy, có rất nhiều lời bình phẩm, mà lại là từ những người chơi DanceSport từ lâu rồi đấy. Bản thân họ đã không biết nhìn nhận thế nào là trình độ, lại còn bị ác cảm rằng cứ VĐV Việt Nam là thua kém… chính vì thế, chiếc HCV này sẽ đem lại cái nhìn khác cho những người thiếu tự tin đó, để họ thấy rằng mình phải cố gắng hơn nữa, cố gắng là sẽ đạt được, đừng cho là mình kém. Ra sàn là cứ nhảy thôi, quan trọng là mình có tự tin không…
Đó là về thi đấu, vậy còn về phong trào DanceSport ở Việt Nam thì Thy thấy thế nào?
Phong trào trong toàn quốc hiện nay đã có sự phát triển về bề rộng. Nhưng để tiếp tục thì cần có chiều sâu, cần có nhiều người chuyên nghiệp hơn và người dạy DanceSport cũng nên tự nâng cao trình độ để có thể đào tạo chuyên sâu hơn. Bởi vì, bây giờ ai cũng biết đến DanceSport rồi, nói đến DanceSport là người ta không còn bỡ ngỡ nữa. Khi mọi người đã biết rồi thì mình phải có trình độ cao hơn để có thể chuyển tải cho người ta hiểu đúng về Dancesport chứ không còn là môn Quốc tế vũ như vẫn thường được biết đến trước đó nữa.
VĂN HÓA CỦA MÔN THỂ THAO NGHỆ THUẬT
Sau cuộc thi AIG3 đã có một bài viết đăng trên mục Thể thao Cuối tuần (ngày 15/11/2009) của trang tuoitre.com.vn cho rằng “Nuốt không trôi” với DanceSport vì trang phục hở hang và động tác quá khêu gợi… Thy nghĩ sao về ý kiến này?
Thy thấy cần phải nói rõ về điều này. Thy rất tự hào là người đã mang Dancesport về Việt Nam. Chỉ trong vòng 4, 5 năm mà DanceSport Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Năm 2005, trong cuộc thi Asian Indoor Games lần đầu tiên thì Việt Nam mới chỉ có một đôi nhảy DanceSport. Còn bây giờ, hầu như khắp các tỉnh thành trong cả nước đều có VĐV DanceSport, trong đó HN & TP. HCM là mạnh nhất. Mạnh ở đây là có đông số người nhảy từ nhỏ tuổi đến lớn tuổi. Còn về chất lượng thì đã so sánh được với quốc tế, mà tiêu biểu nhất là đã có huy chương khi thi đấu chứ không chỉ dừng lại ở mức học hỏi như trước. Đấy là cái đáng mừng.
Vì sao có đươc thành tích như thế? Đó là bởi DanceSport là một môn nghệ thuật rất cuốn hút và hấp dẫn. Người ta phải thấy đó là một môn nghệ thuật thì mới tham gia đông như thế, mà có cả trẻ con và người già. Vì sao? Vì nó rất phù hợp với tiêu chí của những người yêu thích nghệ thuật, yêu thích thể thao và giải trí. Bây giờ tìm được một môn giải trí cho trẻ con và người già rất khó, nói gì đến thanh niên…
Hơn nữa, DanceSport đáp ứng được rất nhiều thứ mà lại không tốn thời gian. Nếu như chỉ để tập cho vui thì buổi sáng có thể tập ở công viên, nếu có thời gian hơn một chút thì đến sàn tập, nếu nhiều thời gian hơn nữa thì đến sàn nhảy, được nghe nhạc và giao lưu khiêu vũ một cách lành mạnh, với các động tác có văn hóa và được chấp nhận. Nếu không có văn hóa thì chắc chắn khiêu vũ đã bị bài trừ và nghiêm cấm ở Việt Nam từ lâu rồi. Nhảy disco còn không bị cấm nữa là DanceSport…
DanceSport thực ra không hề sexy. Nó rất phù hợp thuần phong mỹ tục, vì vậy những nước như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…vẫn chấp nhận đấy thôi. Như ở Nhật Bản đấy, người Nhật có tính cách rất khép kín, nhưng bộ môn này vẫn rất phát triển và đang tiếp tục được nhân rộng ở đất nước họ đấy chứ.
Về trang phục thì phải nói là các nhà thiết kế thời trang có rất nhiều cơ hội để sống được nhờ DanceSport. Với DanceSport, họ có thể thỏa sức sáng tạo vì đây là môn nghệ thuật trình diễn hẳn hoi. Không có bộ môn nào có thể thu hút nhiều bộ sưu tập thời trang trong một buổi thi đấu biểu diễn đến như thế. Thời trang phải đợi ngày mới trình diễn được. Còn với DanceSport thì mọi lúc mọi nơi đều cần đến thời trang, từ lúc đi học, đi chơi cho đến lúc biểu diễn. Đấy là một môn tạo điều kiện cho rất nhiều ngành nghề thì tạo sao lại nói đó là một môn khó tiêu hóa?
Nói riêng về trang phục của thiếu nhi thì hiện tại ở Việt Nam cũng đã bắt đầu theo đúng các trào lưu quốc tế, đó là cho các cháu ăn mặc đúng tuổi, không để hở hang. Động tác thể hiện của các cháu cũng rất hồn nhiên, chưa thấy ai nói là các cháu nhảy thái quá cả. Và ở nhóm tuổi thiếu nhi bao giờ cũng có những quy định hạn chế về các động tác cơ bản, đã là cơ bản thì sao gọi là thái quá. Hơn nữa, để ra một bài biểu diễn thì phải qua rất nhiều cấp kiểm duyệt từ cấp CLB, cấp thành phố đến cấp quốc gia thì mới có thể đưa vào thi đấu tại đại hội cho toàn châu Á như thế. Thi đấu thê thao thì phải có luật, mà đã có luật thì VĐV sẽ phải tuân theo luật mà…
DanceSport thật ra rất là đẹp đấy chứ. Người xem vừa được xem nghệ thuật trình diễn cơ thể vừa được xem thời trang, được xem VĐV thể hiện bản thân mình trong từng loại âm nhạc khác nhau, chứ không chỉ là một bài biểu diễn đơn thuần… Đấy là một điều đáng hoan nghênh mới phải chứ sao lại khó nuốt hay nuốt không trôi. Thực ra phải nói là môn này “nuốt rất trôi” mới có lý…
Thy có thể giải thích rõ hơn là DanceSport khác gì với khiêu vũ giao tiếp?
DanceSport - khiêu vũ thể thao là sự kết hợp của khiêu vũ giao tiếp (hay nói đúng hơn là khiêu vũ quốc tế) với tính nghệ thuật của nhiều bộ môn như múa balê, aerobic, trượt băng nghệ thuật… DanceSport có những yếu tố nhanh, mạnh, có tính thể lực đặc trưng cho một bộ môn thể thao. Một bài thi DanceSport cũng hao tổn năng lượng tương một VĐV điền kinh chạy 100m. Như thế không xứng đáng gọi là thể thao thì là gì? Đồng thời, đây cũng là một bộ môn biểu diễn nên nó mang tính nghệ thuật. Khiêu vũ giao tiếp thì không hề có kỹ thuật thể thao, nó chỉ là để làm cho người nhảy cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Còn DanceSport thì luôn phải tuân theo luật lệ, từ động tác kỹ thuật cho tới trang phục thi đấu…
MỘT NGHỀ THU NHẬP TỐT…
Hiện giờ Thy có thấy là mình sống được bằng nghề mình theo đuổi hay không?
Thy thấy mình đang sống tốt hơn người khác, tốt hơn những người theo đuổi DanceSport.
Thế nếu so với mặt bằng chung của người làm ăn kiếm sống thông thường?
Thy nghĩ là mình đang sống dư dả, có thể gọi là tiết kiệm để ổn định chứ không phải là chỉ kiếm cơm hàng ngày thôi đâu. Với vị trí như hiện tại thì Thy hoàn toàn có thể kiếm được nhiều tiền từ nghề, cũng giống như nghề ca sĩ, diễn viên vậy.
Xin lỗi vì câu hỏi mang tính riêng tư, việc kiếm tiền từ nghề DanceSport là như thế nào?
Thứ nhất là đi dạy học, gồm cả dạy đại trà và dạy cá nhân. Chỉ riêng dạy thôi cũng đã có thể giúp Thy sống tốt rồi. Ngoài ra, Thy còn đi diễn, làm người mẫu ảnh… nhờ danh tiếng tạo được. Tiền một sô diễn bằng cả tháng dạy học, như thế là Thy có thể sống rất tốt. Đấy cũng là nhờ DanceSport mà Thy có được lợi thế đó. Hiếm có một VĐV nào có thể dùng môn thể thao mình theo đuổi để kiếm được tiền lắm, trừ bóng đá nam. Cho nên, theo DanceSport là có lợi, một môn thể thao - nghệ thuật tốn kém nhưng cũng rất có lợi cho những ai theo đuổi sự chuyên nghiệp. Một số học sinh của Thy bây giờ cũng sống rất tốt bằng nghề. Họ cũng đi dạy hoặc đi diễn, tuy ở mức độ khác nhưng cũng rất tốt.
Vậy, DanceSport có đem đến khó khăn gì cho Thy không?
Thực sự là không có chút khó khăn nào. Chỉ có điều là để trở thành VĐV đỉnh cao thì rất tốn kém, phải đầu tư cả về hình ảnh lẫn thành tích. Ngoài việc Nhà nước đầu tư thì bản thân mình cũng phải có tiền. Nhưng đấy là dành cho đỉnh cao, vì khi càng lên cao thì sẽ càng phải cố hơn nữa, mọi thứ đều phải chỉn chu hơn cho đúng với tầm cỡ tên tuổi.
Vậy Thy định theo đuổi môn này đến khi nào?
Nó đã là cái nghiệp rồi thì không thể biết được, không thể nói trước được. Mà nhiều khi nếu có duyên, có tình cảm riêng thì nó là cái duyên thôi, làm sao mà biết bao giờ nó mới đến.
Còn tuổi thi đấu thì sao?
Tuổi thi đấu thì đến 35 tuổi cơ. Mà độ chín muồi của VĐV đỉnh cao thì khó nói trước được. Những người bắt đầu muộn thì độ chín muồi của họ cũng muộn hơn người bắt đầu lúc còn trẻ. Cho nên không thể nói là lứa tuổi nào là lứa tuổi chính xác để đạt đỉnh cao, nó tùy vào phong độ và trạng thái tâm lý của mỗi người ở từng mốc thời gian…
Cảm ơn Thy về buổi trò chuyện!
LAN HƯƠNG
(Thực hiện)
Anh như loài tằm nhỏ
Một đời dệt tơ quanh!
Đánh dấu