Người Argentina thua tango ngay trên quê nhà
SGTT.VN - Tại cuộc thi nhảy tango mang tên El Metropolitano tổ chức tại Buenos Aires (thủ đô Argentina) năm ngoái, vũ sư người Nhật Bản Rui Saito và bạn nhảy của cô người Hàn Quốc đã bị các khán giả la ó phản đối. Không phải do họ nhảy dở, mà bởi họ nhảy hay hơn cả những người bản địa. “Sau cuộc thi, một phụ nữ đến chỗ tôi với vẻ mặt tức giận nói rằng tôi không biết tango là gì”, Saito nói.
Mộng Lan trong căn hộ của cô ở Buenos Aires. Cô còn có một nghề khác là vẽ tranh sơn dầu. Ảnh: WSJ
Lan cùng bạn nhảy Martinucci vẫn tập tango đều đặn với hy vọng được tham gia các cuộc thi khiêu vũ.
El Metropolitano là cuộc thi tango uy tín nhất thế giới, vì nó tổ chức ngay trên quê hương của điệu nhảy tango nên có rất nhiều người giỏi tham gia. Những người nước ngoài đến dự cuộc thi này để kiểm chứng xem trình độ của mình đến đâu. Năm nay, mọi thứ ảm đạm hơn với những người nước ngoài, vì ban tổ chức quy định những người tham gia cuộc thi phải mang quốc tịch Argentina hoặc sống ở nước này 3 năm trở lên. Những người sống xa xứ ở đây cho rằng quy định này như cái tát vào mặt những người nước ngoài yêu thích bộ môn khiêu vũ nghệ thuật này, còn những người bản xứ cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch Argentina.
“Đó là một sự bài ngoại, hoặc là do họ sợ bị đánh bại ngay tại quê nhà”, Mộng Lan, một nghệ sĩ tango người Mỹ gốc Việt nói. Cô đã lọt vào bán kết ở giải Metropolitano năm 2008 và 2009. Hiện cô sống ở Argentina để trau dồi thêm kỹ năng tango và kiếm sống bằng nghề vẽ tranh sơn dầu.
Rebecca O’Laoire tham gia nhảy tango trên đường phố. Ảnh: WSJ
Để được tham dự cuộc thi, Lan và Rebecca O’Laoire, Delia Hou đã đệ đơn kiện ban tổ chức giải lên toà án Argentina. Rebecca là vũ sư tango đến từ Ireland, làm việc trong một nơi nổi tiếng về tango, quán café có 150 năm tuổi Gran Café Tortoni. Delia là người Mỹ gốc Đài Loan, cô đã bỏ công việc luật sư ở Silicon Valley để đến Buenos Aires trình diễn tango tại những nơi công cộng.
Elena Libertori, một nghệ sĩ tango bản địa, cho rằng quy định này là bất công và cần phải gỡ bỏ. Bà nói một vũ sư nước ngoài đến Argentina thi nhảy và làm việc không khác biệt gì với những nghệ sĩ Argentina đang làm việc ở nước ngoài, ví dụ như Paloma Herrera, một diễn viên trong Nhà hát vũ ballet Mỹ. “Người Mỹ có nói sự xuất hiện của Paloma trong nhà hát khiến nhà hát mất chất Mỹ đâu?”, Elena nhận xét.
“Sàn nhảy tango phải là nơi dân chủ nhất ở Argentina”, luật sư nguyên đơn là ông Christian Rubilar khẳng định. Bản thân ông Rubilar cũng là một người rất mê nhảy tango. Ông nói rằng việc không cho người nước ngoài dự Metropolitano của ban tổ chức là do người nước ngoài nhảy đẹp hơn người bản địa. Daniel Carreira, admin của website 2xtango.com, nói rằng người Argentina nên chấp nhận thực tế rằng họ không còn là độc quyền ở điệu nhảy này. Trong hai World Cup khiêu vũ gần đây, thắng ở thể loại tango là những người Nhật Bản và Colombia.
Rubilar nói nhẽ ra cặp nhảy của Saito đã giành chiến thắng tại cuộc thi năm 2010, nhưng họ không được phép dự vòng chung kết vì ban tổ chức đòi hỏi một trong hai người phải sống ở Argentina ít nhất 3 năm. Saito nói rằng cô có bằng chứng cho điều đó, nhưng ban tổ chức đã đòi quá nhiều giấy tờ phức tạp để chứng minh.
Nhiều nhà phân tích cho rằng vụ kiện mà Rubilar và Lan đang theo có khả năng thắng, vì toà án đang nằm dưới tay những người thuộc đảng cánh tả theo Peron (cựu tổng thống Argentina), đảng luôn chống đối chính quyền thành phố Buenos Aires bảo thủ.
Delia Hou bỏ công việc tốt ở Mỹ để đến Buenos Aires kiếm sống từ nhảy tango.
Thù lao cho các nghệ sĩ khiêu vũ đôi khi chỉ là những đồng bạc lẻ do những người mê tango ủng hộ.
Tango do những người châu Âu di cư đến Argentina và Uruguay hồi thế kỷ 19 nghĩ ra. Theo chuyên gia tango Christine Denniston thì “điệu nhảy này là hợp chất giữa tính dục và cờ vua”. Sau vài thập kỷ không thịnh hành, tango phục hưng vào những năm 1980 và rất được yêu thích trên toàn cầu. Năm ngoái, hơn 100.000 người đã đến Buenos Aires xem World Cup tango. Cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này lan rộng ra ngoài xã hội. Hernan Caballero, một người dẫn chương trình phát thanh nói rằng ban tổ chức Metropolitano đúng khi cấm người nước ngoài tham dự, vì “người nước ngoài có thể trả 100 USD cho một buổi học nhảy, trong khi người bản địa không thế làm được điều này”.
Trong khi đó, Osvaldo Cartery, 73 tuổi, đã từng thắng trong một cuộc thi khiêu vũ, cho rằng việc những người nước ngoài xuất hiện là một sự công nhận đối với sức mạnh của nền văn hoá Argentina. “Người Tây Ban Nha nhảy pasodoble, người Ý nhảy tarantella, nhưng tango thì được cả thế giới nhảy”. Ý kiến của Cartery xem ra đúng hơn trong thời đại “thế giới phẳng” này.
Đinh Hiệp (The Wall Street Journal)
http://sgtt.vn/Van-hoa/148107/Nguoi-...n-que-nha.html
Đánh dấu