Tango – Tiểu sử một đam mê
Người viết: Lê Cảnh Hoằng và Ruby31
Điệu vũ tango argentino có nguồn gốc từ các điệu nhảy Habanera, Milonga và Tango andaluz. Điệu Milonga xuất thân từ một làn điệu đồng áng dân gian, điệu vũ vui tươi này mang đủ sắc thái của cư dân da đen, da màu hòa lẫn với cá tính những nhóm dân nhập cư. Habanera là một điệu vũ Cuba du nhập vào Achentina] thời 1860, dân bản xứ nhảy điệu Habanera như muốn nói lên nỗi niềm của những kẻ bị thống trị. Mười năm trước đó điệu Tango andaluz cũng đã được nhập cảng và không bao giờ vắng mặt trên những sân khấu bình dân trong lòng thủ đô Buenos Aires.
Vào điểm giao thời giữa hai thế kỷ 19 và 20 đất nước non trẻ Achentina ở giữa một thời đại hoàng kim, Buenos Aires nở rộ trong phồn vinh và được xem như là một Paris của Nam Mỹ. Từ các vùng nghèo khổ khắp châu Âu một làn sóng di dân trổi dậy, dân chúng đổ xô về đây sinh sống khiến thành phố mới này tràn ngập và muốn nổ tung vì dân nhập cư. Cuộc sống khốn khổ không việc làm, không địa vị, không uy tín, thiếu bóng phụ nữ, đám tị nạn cơ cực chỉ còn có một lối thoát tinh thần trong những không gian của tận đáy xã hội, tìm quên trong quán nhậu, ổ điếm, sòng bài … và âm nhạc. Tango là nơi để họ thể hiện nỗi đau đớn và khát vọng về tình yêu, cuộc sống.
Tango là khiêu vũ những nỗi niềm sầu muộn“[[8]] câu nói đi vào lịch sử Tango của Enrique Santos Discépolo, nhà nhạc sĩ Tango nổi danh người Achentina. Thật vậy, tất cả hy vọng và nỗi niềm năm xưa của đám người di dân vẫn ấp ủ trong mỗi bước Tango. Dẫu phải mang chịu một ít tai tiếng dèm pha, Tango vẫn luôn luôn thanh lịch tự mãn: Trên sàn gỗ gã vũ khách ôm ghì lấy thân người kỹ nữ, dìu những bước vũ bão nhưng hình như vẫn chỉ muốn tự riêng mình thống thiết những tâm sự cô đơn. Tango không còn mang làn điệu sinh động vui tươi như những bước chân ngày đầu sơ khai nữa. Những lãng mạn u sầu, thậm chí những khổ đau hiện diện rõ ràng qua những bước nhảy cầu kỳ.
Và cuộc đời cũng khá khắc nghiệt với „Tango argentino“. Tango, những vòng tay say đắm siết cứng lấy nhau, những bước chân đa tình kéo lê chầm chậm giữa sàn, lập tức bị Vatican lên án là khiếm nhã và xúc phạm thuần phong. Trong qui chế khiêu vũ của thành phố Vienna (thủ đô nước Áo) cho tới năm 1913 Tango vẫn không được ghi vào danh sách những điệu vũ chọn lọc. Ngay tại xứ sở của mình, thành phần ưu tú và giới thượng lưu Achentina tẩy chay Tango vì nơi chốn xuất thân không được mấy tốt đẹp của điệu nhảy. Người ta hổ thẹn với cái sản phẩm bỗng đâu trỗi lên từ những ổ điếm, những cống rãnh của thành phố.
Nhưng sự việc bỗng thay đổi hẳn khi Tango minh chứng được thành công rực rỡ của mình … tại Paris, Được du nhập vào Âu châu khoảng 1910, Tango nhanh chóng cuốn hút linh hồn những giới khách ăn đêm và các vũ trường những thành phố hoa lệ để từ đó đồng loạt dấy lên một cao trào Tango trong các chốn ăn chơi sang trọng châu Âu và Paris nói riêng. Những lớp học nhảy, những nhóm người yêu thích Tango mọc lên trên mọi ngõ phố từ xóm bình dân cho đến khu thành sang trọng, Tango được mọi giới mở rộng bàn tay chào đón.Và từ đó, Tango đã quay trở lại Achentina với bộ mặt mới đầy kiêu hãnh.
Năm 1940, trong khi Âu châu nằm dưới thảm họa chiến tranh, nền kinh tế của Achentina phát triển rất rực rỡ. Vũ trường theo đó mọc lên như nấm, Buenos Aires thời gian này có tới 600 giàn nhạc nhảy và nhiều đại vũ trường có thể lên chứa đến 2000 người. Và ở đâu cũng mỗi một điệu nhảy - Tango. Tango trở thành điệu nhảy của đất nước, là một phần của văn hoá Achentina. Cũng từ thời điểm này bước Tango chuyển biến đa dạng và quyến rũ hơn, để từ từ trở thành nền tảng cho điệu Tango hiện nay. Tao nhã, tài tình, một hình thái Tango hoàn mỹ. Tango cũng không còn là “Khiêu vũ những nỗi niềm sầu muộn” mà đã là tấm gương phản ánh tất cả các cung bậc tình cảm của cuộc sống.
Ngày 30/9/2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Tango - loại hình văn hóa bao gồm cả nhạc, vũ đạo và ca từ của Argentina và Uruguay vào Danh mục Di sản phi vật thể của nhân loại.
Trong trang web chính thức, UNESCO tuyên bố: "Truyền thống Tango của Argentina và Uruguay, mà ngày nay đã được cả thế giới biết tới, ra đời tại hạ lưu dòng Sông Bạc (Río de la Plata) trong lòng các tầng lớp bình dân của hai thành phố Buenos Aires và Montevideo….Âm nhạc, điệu nhảy và chất thơ của Tango vừa là biểu trưng, vừa cổ vũ tính đa dạng và đối thoại văn hoá”.
Em có muốn hiểu về Tango, không em?
Hãy nhắm mắt lại và tựa vào ngực anh
Hoà mạch đập trái tim vào giai điệu
Vẽ bức tranh trên nền nhạc bằng đôi chân thanh mảnh
Và thở chung một hơi thở Tango…
Source
http://www.argentinetango-club.com/D...id=292&Nid=373