PDA

View Full Version : Bài viết về Tango sưu tầm...!



TaTango
March 29th, 2010, 02:58 PM
Lang thang trên net tìm về Tango, chợt nhận thấy tình yêu Tango xung quanh ta thật mãnh liệt...



La Cumpasitar

Sưu tầm: ruby31

Quán cà phê La Giralda ở Montevideo, Uruguay đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của Tango. Tại nơi đó năm 1917 chàng thanh niên Gerado Matos Rordiguez đã đưa bản nhạc tango của mình đã viết, nhưng dấu tên, cho ban nhạc của Roberto Firpo trình diễn lần đầu tiên. Gerado lúc đó còn vị thành niên (17 tuổi) đang theo học tại phân khoa kiến trúc ở Montevideo. Sau đó, người thanh niên có học thức, đa cảm nhưng còn khờ khạo đã bán tước quyền cho nhà xuất bản Breyer với giá 20 pesos. Sau một vài thành công sáng tác đi vào quên lãng.

Bảy năm sau đó, năm 1924, lúc Gerado đang sống tại Paris và chàng gặp Francisco Canaro vừa mới tới với ban nhạc cuả ông. Chàng mới biết được là bài nhạc La Cumparsita đã trở thành bản Tango được ưa chuộng nhất. Cùng thời điểm đó, Enrique Maroni và Pascual Contursi đã đặt thêm lời cho bản tango và đã đổi tên bản nhạc là 'Si Supieras'. Từ Paris, La Cumparsita lan ra bốn phương của trái đất và từ đó trở đi La Cumparsita trở nên đồng nghĩa với Tango.


Gerardo Matos Rodriguez mất 20 năm sau đó để đấu tranh dành lại cho mình tác quyền của bài tango nổi tiếng nhất thế giới. Cuối cùng Gerardo thắng với lý do là đã bán bản quyền khi còn vị thành niên.


La Cumparsita ở Việt Nam được Phạm Duy đặt lời ca với tựa bài là “Vũ Nữ Thân Gầy”.


Lời Việt : Phạm Duy
Nhạc : Gerardo Matos Rodriguez
Lời : Enrique Maroni and Pascual Contursi

Đàn đã khơi rồi, trong lúc đêm tàn rơi
Đàn khóc ai hoài, cho héo hon lòng tôi
Đàn nhớ nhung người, như sắc hương tàn phai
Đàn cố nuôi lời, cho giấc mơ còn lơi
Ôi ! Nghe tiếng đàn réo mà thương người
Nghe tiếng cười reo xót xa đời
Nhớ nhung đau thương mà thôi
Người vũ nữ, người xưa mến thương ơi
Nhớ tới hương đêm kinh đô chưa qua đời
Nhớ tới đôi môi nụ cười
Nhớ tới xa xôi, nay đã xa rồi.
Người vũ nữ ngồi bên cốc lên men
Bát ngát hương môi cho anh say mềm
Nhịp nhàng gieo trên sàn êm
Rộn ràng nghe bao lời điên
Của khách giang hồ say triền miên.
Ta ghì cho tan vỡ trái tim này
Cho người ăn chơi nhíu đôi lông mày
Ta cười cho xanh ngát kiếp lưu đầy
Cho người vũ nữ khóc tấm thân gầy.
Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau
Chưa nói mê say mà tình đã bay
Chưa biết môi em mà hồn đã quên
Đã qua một đêm ./.

bản gốc:
http://www.argentinetango-club.com/Default.aspx?TabID=3&Oid=292&Nid=382

TaTango
March 29th, 2010, 02:59 PM
Tại sao lại là Tango???


Người viết: Ruby31
(Chú thích: một số đoạn dịch từ bài viết “Dancing in the moment” của Sharna Fabiano)

Khiêu vũ đem lại cho người ta nhiều niềm vui: thân thể được rèn luyện và tâm hồn được thăng hoa. Nếu như dancesport là vẻ đẹp chuẩn mực của khiêu vũ và được đưa lên hàng chuyên nghiệp thì salsa và tango argentina lại đặc biệt để dành cho những người chơi không chuyên.

Tại sao salsa và tango argentine lại đặc biệt để dành cho những người chơi không chuyên? Câu trả lời là vì nó có một đặc điểm chung: Người chơi không bị gò bó vào các kỹ thuật nhất định mà có thể sáng tạo và đưa phong cách cá nhân của mình vào điệu nhảy. Thể hiện “cái tôi cá nhân” chẳng phải chính là niềm ưa thích và là mong muốn của người chơi trong tất cả các “cuộc chơi” hay sao?

Nếu như salsa mang vẻ đẹp của “một cô gái xinh đẹp, gợi cảm và căng tràn sức sống” thì tango lại là “nội tâm sâu sắc, dịu dàng nhưng cũng không kém phần mãnh liệt”. Một người mà không thể trở thành “một cô gái xinh đẹp, gợi cảm và căng tràn sức sống” như mình có lẽ thích hợp lựa chọn tango làm niềm đam mê cho một quỹ thời gian hạn hẹp. Không hiểu tại sao, mỗi lần nghe nhạc tango, mỗi lần nhảy tango, mình lại như chìm vào một cảm giác rất lạ. Không gian đỏ đen với những ánh nến lẻ loi luôn làm cho mình ngạt thở, linh hồn dường như rời khỏi thể xác và phiêu du trong một thế giới khác.

Mình đã đọc rất nhiều bài viết của những người chơi tango khác với mong muốn lý giải được “cảm giác khác lạ mà mình có trong tango” và đã đúc rút được một số điểm hấp dẫn đặc trưng của tango như sau:

Nhạc của tango: Nếu bạn đã từng nhảy tango hoặc đã từng nhìn thấy người khác nhảy tango, bạn sẽ thấy được khoảnh khắc này: “Tựa vào nhau, nhắm mắt lại và thả cho tâm hồn chìm sâu vào những giai điệu đầy cảm xúc của tango”. Vào thời điểm đó, nhạc tango đang ngấm vào máu, chảy vào tim của những người chơi tango đấy. Mỗi một bản nhạc tango đều chứa đựng tất các cung bậc của cảm xúc “hỷ, nộ, ái, ố” – nó làm cho người nhảy có cảm giác được nếm trải tất cả các gia vị của cuộc sống. Và làm cho người ta liên tưởng đến một niềm mong ước mà hầu như người nào cũng có “được nắm tay một ai đó mà đi qua tất cả các thăng trầm của cuộc đời”.


Khả năng biến hoá sáng tạo: Trong tango chỉ có 3 yếu tố căn bản bất biến: đi bộ, dẫn và theo. Trong mỗi bài nhạc, tuỳ theo giai điệu, tâm trạng và bạn nhảy mà chân nam sẽ sáng tạo ra những bước nhảy của riêng mình để dẫn chân nữ cho tới khi bài hát kết thúc.Mỗi lần thay đổi bạn nhảy là mỗi lần người nhảy có một cảm nhận khác về điệu nhảy, điều đó tạo ra sự thú vị, ngạc nhiên và thách thức cho điệu nhảy. Liệu bạn nhảy mới sẽ bước đi những bước nhẹ nhàng hay mạnh mẽ. Những cái “ôm” sẽ là vòng tay dịu dàng hay siết chặt? Bởi vì sự sáng tạo trong từng khoảnh khắc giữa hai bạn nhảy, tango đòi hỏi người nhảy phải tập trung rất cao độ. Cũng giống như trong cuộc sống, không có người nhảy nào biết được chính xác bước tiếp theo sẽ như thế nào. Hai bước lùi không có nghĩa sẽ lùi tiếp bước thứ 3. Được ví như nhạc jar, đối với tango mỗi lần một cặp nhảy có thể nhảy khác nhau trên cùng một nền nhạc và cũng không có cặp nhảy tango nào nhìn ngoài giống nhau hay có chung một cảm giác giống với những cặp nhảy khác.

Khả năng thể hiện “một phong cách cá nhân độc đáo và duy nhất”: Chính vì những yếu tố chi phối một bài nhảy: khả năng sáng tạo, giai điệu, tâm trạng và bạn nhảy - đều là những yếu tố thuộc về con người - thuộc về bản thể của người nhảy nên một cách tự nhiên “cái tôi cá nhân” của người chơi tango được thể hiện rất rõ nét. Cộng đồng tango tại Hà nội hiện nay dù nhỏ nhưng cũng đã xuất hiện nhiều phong cách khác nhau: có người hoa mỹ quyến rũ, có người nồng nàn say đắm, có người chỉn chu mượt mà, có người nghịch ngợm vui vẻ.... mỗi người một cá tính riêng làm cho sân chơi tango thêm nhiều mầu sắc.

Ý nghia nhân sinh quan sâu sắc:

“Tango được ví như một ngôn ngữ không lời với tất cả các sắc thái, âm sắc địa phương, những ẩn ý thường đi kèm trong ngôn ngữ nói.Khi người nhảy trở nên nhạy cảm với các tín hiệu “dẫn” và “theo” của bạn nhảy, âm nhạc sẽ trở thành ngữ cảnh cho một cuộc chuyện trò riêng tư và thầm kín. Cuộc trò chuyện không lời bao hàm và thể hiện tất cả các sắc thái tình cảm mà con người đã từng trải nghiệm, từ hài hước đến giận dữ, từ hiếu kỳ đến châm biếm, từ đam mê đến sầu bi. Để nói được ngôn ngữ của tango, chúng ta cần phải tập trung cao độ vào các giác quan “nghe” và “cảm nhận” – chính điều này làm cho chúng ta có thể “hiểu” được bạn nhảy của mình qua từng “khoảnh khắc”. Ngôn ngữ đặc biệt này của tango khiến người ta phải ví chúng với nghệ thuật đàm phán, với yoga, với các quan hệ gia đình và thậm chí với nghệ thuật quản trị kinh doanh.

“Tango không dành cho những tâm hồn yếu đuối. Sự thống nhất giữa trí óc và cơ thể đóng một vai trò quan trọng trong tango, nhảy tango đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn, chấp nhận và hoà hợp cái tôi của bản thân mình và của người khác. Tango thể hiện cho chúng ta thấy cách mà chúng ta liên hệ với thế giới và với con người. Chúng ta càng hiểu nhiều về tango thì tango cũng chỉ cho chúng ta nhiều điều về bản thân chúng ta hơn.

Khi chúng ta học kỹ thuật “dẫn và theo” của tango, là cơ hội để chúng ta nhìn ra “sự lệch lạc trong giao tiếp” hơn là lỗi lầm, hiểu ra được ý nghĩa của ngôn ngữ không lời hơn là đổ lỗi cho bạn nhảy đi sai bước. Khi bản thân chúng ta thư giãn, tập trung hay tồn tại một cách song song và đồng điệu với bạn nhảy của mình, chúng ta tìm ra cách giữ hoà hợp và cân bằng thì cùng lúc đó tango lại dạy cho chúng ta cái nhìn về cuộc sống.

Tango hấp dẫn chúng ta bằng những vũ điệu đẹp, sau đó lại hướng chúng ta đến khao khát được thể hiện những cái tôi bản thể. Từ Tây Ban Nha tương ứng với từ “dẫn và theo” nếu dịch chính xác sẽ có ý nghĩa “thể hiện, khẳng định phong cách” và “tiếp nhận và phản xạ”. Đó là một quá trình mà chúng ta có được khi học tango, cũng là thứ mà chúng ta có thể sử dụng trong cuộc sống. Bản năng sáng tạo và dẫn dắt trong mỗi chúng ta luôn có khao khát được thể hiện và nó được tô vẽ đậm nét trong khi chúng ta thể hiện kỹ thuật dẫn trong tango. Nếu chúng ta là người “theo”, kỹ năng “theo” khi đó sẽ không tạo ra nhu cầu sáng tạo trong bản thể mà lại kích thích chúng ta phải tin tưởng, như khi người “theo” đặt niềm tin vào “người dẫn”, và điều đó nó thể hiện sự lựa chọn của một người trong cuộc sống, giống như khi ta đặt niềm tin vào một sự nghiệp, một chí hướng hay một tình yêu.”


http://www.argentinetango-club.com/Default.aspx?TabID=3&Oid=292&Nid=384

TaTango
March 29th, 2010, 03:20 PM
Milonga - Một không gian văn hoá

Người viết: ruby31

Người ta gọi một bữa tiệc Tango là một Milonga. Tango có thể nhảy mọi nơi: trên đường phố, trong vũ trường, quán café. Tuy nhiên một không gian Milonga đặc trưng thường trầm, lãng mạn, nhẹ nhàng chứ không ồn ào như các điệu nhảy khác. Những người tham gia Milonga sẽ nhảy theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Trước kia, các chân nam khi muốn mời chân nữ thường dùng ánh mắt để dò hỏi trước. Tuy nhiên, bây giờ có nhiều cách thể hiện khác nhau, miễn là lịch sự.

Màu sắc đặc trưng của Tango thường là màu đỏ và đen. Các chân nam vận trang phục màu đen và nhảy Tango với sắc mặt lạnh lùng nhưng say đắm là một hình ảnh rất đẹp và cuốn hút của Tango. Các chân nữ có thể sử dụng màu sắc đa dạng hơn nhưng đẹp nhất vẫn là màu đỏ. Tuy nhiên trang phục lịch sự là đủ với một Milonga.

Trong Milonga, người chơi thường sử dụng các vũ hình đơn giản và âm nhạc là nguồn cảm hứng chính của người nhảy. Nhạc Tango trong Milonga được soạn bao gồm nhiều tanda, mỗi tanda thường có 3 bài hát tango được lựa chọn cùng một thể loại nhạc. Xen giữa các tanda là một đoạn nhạc nghỉ được gọi là cortina. Kết thúc Milonga bao giờ cũng là bài Lacumparsita.

Chân nam lịch sự thông thường sẽ nhảy với một chân nữ hết một tanda. Bài đầu tiên của Tanda là để làm quen với phong cách nhảy của nhau, bài thứ 2 là cảm giác hưng phấn và bài thứ 3 là sự hoà quyện của đôi nhảy. Muốn dừng bài nhảy, chỉ cần nói “cám ơn” là bạn nhảy đủ hiểu.

http://www.argentinetango-club.com/Default.aspx?TabID=3&Oid=292&Nid=380

Red.
March 29th, 2010, 09:51 PM
Bài hát này Red nghe từ ngày xa xưa , lâu lắm rồi . Bẵng đi giờ nghe lại thấy vẫn còn nguyên cảm giác phấn khích , mê đắm thủa nào . Tình yêu Tango lại trỗi dậy mất rồi , híc .

Nghe La Cumparsita do Julio Igleasias hát mới tuyệt làm sao . Dịu dàng và mãnh liệt , nồng nàn và da diết làm say đắm lòng người . Chân như muốn nhún nhẩy , hồn như muốn phiêu diêu ...tuyệt.

TaTango
March 30th, 2010, 10:59 AM
Theo thông tin lượm lặt thì bản nhạc này có khoảng hơn 1000 bản hòa âm, phối khí khác nhau!

Đây là bài biểu diễn của vũ đoàn Tango Fire mà Ta.Tango cũng đã từng gặp gỡ và giao lưu.
http://www.youtube.com/watch?v=R7_rnucyZg8

TaTango
March 30th, 2010, 04:41 PM
Tư thế vào đôi trong Tango
Nguồn: Tango and chaos
Người dịch: Ruby31

Trong một Milonga, người chơi thường phải đối mặt với các thách thức sau: họ phải đứng gần nhau trong một khoảng không gian hạn chế, tất cả cộng đồng nhảy đều chuyển động và thay đổi vũ hình liên tục. Và thêm vào đó, họ còn phải sử dụng các bộ phận khác của cơ thể để thể hiện âm nhạc. Chân phải thể hiện nhịp nhạc (bước vào đúng beat nhạc) trong khi phần trên của cơ thể phải thể hiện giai điệu bằng cách di chuyển quanh sàn và xoay thân. Chân nam phải có nghĩa vụ nghe nhạc và dẫn, trong khi chân nữ phải theo một cách tuyệt đối. Chính vì vậy, thế vào đôi và kỹ năng “ôm” là rất quan trọng.

Ngày nay, trong Milonga, các đôi thường đứng đối diện, tiếp xúc bằng phần ngực (phần trên của cơ thể nói chung), và giữ khoảng cách giữa 02 chân để dành khoảng không gian cho việc di chuyển.

Bằng cách vào đôi như trên, chân nữ có thể ngay lập tức cảm nhận được chuyển động của người dẫn ở phần trên và biết được sự di chuyển của chân nam theo nhịp nhạc. Khi hai phần trên của cơ thể đã kết nối với nhau, phần dưới và chân của đôi nhảy được tự do thể hiện nhạc.
Social tango là cấu thành của các nhân tố sau: Chân của người dẫn nhảy trên một tổ hợp các nôt nhạc nhưng lại dẫn nữ nhảy theo một tổ hợp nốt nhạc khác. Thêm vào đó, người dẫn còn phải sử dụng phần thân trên để thể hiện giai điệu. Trong khi, chân của 02 người nhảy thể hiện các nốt nhạc khác nhau, phần thân trên của 02 người đều phải thể hiện giai điệu của nhạc. Đó thực là một nhiệm vụ khó khăn. Chưa kể đến việc phải di chuyển trong một không gian nhỏ và đông người cùng nhảy.
Tư thế chữ A trên có thể đáp ứng được các yêu cầu phức tạp của đôi nhảy: sự kết nối ở phần trên cho phép sự truyền lực nhanh và hiệu quả và thống nhất thể hiện giai điệu trong khi sự riêng rẽ và tách rời của chân cho phép hai người có thể thể hiện 02 tổ hợp nốt nhạc khác nhau và tạo không gian để bước.
Tuy nhiên để có một tư thế chữ A chuẩn trong toàn bộ bài nhảy , tư thế vào đôi và chuyển động cũng như sự kết nối của 02 người cùng đòi hỏi sự chuẩn xác cũng rất cao.

Nguồn: như trên

TaTango
April 3rd, 2010, 09:55 AM
Scent of Women

Người viết: Melodee

Tên phim: Scent of Women
Đạo diễn: Martin Brest
Diễn viên chính: Al Pacino

Frank Slade (Al Pacino thủ vai), một sĩ quan quân đội nghỉ hưu, chán đời vì bị mù đã quyết định đến New York hưởng những lạc thú mà ông chưa từng biết tới trước khi tự kết thúc cuộc đời mình.
Charlie Simms (Chris O’Donnell) - một học sinh trường dự bị đại học tư thục, muốn có tiền để về nhà ở Gresham, Oregon dịp Giáng Sinh nên đã nhận công việc là người chăm sóc ông già gắt gỏng Frank Slade trong Lễ Tạ ơn. Trước đó Charlie và bạn là George Willis, Jr. (Philip Seymour Hoffman) vô tình chứng kiến một hành động phá hoại ở trường do vài người cả hai đều biết. Cho dù hiệu trưởng ép buộc hay dụ dỗ sẽ viết thư giới thiệu anh vào đại học Havard, Charlie vẫn một mực không tố cáo kẻ gây chuyện.
Charlie đưa Frank đi NewYork theo yêu cầu của ông. Tại đây, khi ăn tối tại khách sạn Plaza, Frank tiết lộ mục đích chuyến đi của ông: “ăn tại một nhà hàng đắt tiền, ở trong một khách sạn sang trọng, thăm anh trai, làm tình với một phụ nữ sinh đẹp, và rồi sẽ tự sát” (“blow my brains out”). Lời nói đi đôi với việc làm, Frank đến thăm gia đình anh trai, thuê một chiêc Ferrari và tự lái, vào buổi tối tại một nhà hàng sang trọng, ông đã gặp cô gái Donna xinh đẹp (Gabrielle Anwar thủ vai).
Frank: Donna, cô có nhảy Tango chứ?
Donna: Không, tôi cũng muốn học lắm nhưng...
Frank: Nhưng sao?
Donna: Nhưng Michael không thích
Frank: A, Michael, người cô đang đợi?
Donna: Michael cho rằng Tango là điên rồ
Frank: Còn tôi thì cho rằng Michael mới là điên rồ

Frank: Cô có muốn học Tango không, Donna?
Donna: Ngay bây giờ ư? Nhưng tôi đang đợi Michael, chỉ vài phút nữa thôi….
Frank: Cô có biết có những giây phút đem lại ý nghĩa cho cả cuộc đời không…

Frank: Cô thấy sao?
Donna: Tôi thấy hơi sợ
Frank: Cô sợ điều gì?
Donna: Tôi sợ tôi sẽ làm sai
Frank: Không có sai lầm trong Tango, không giống như trong cuộc sống. Rất đơn giản, bởi vậy Tango rất tuyệt vời. Nếu cô làm sai, nếu cô cảm thấy bối rối, hãy cứ Tango.
Bản nhạc Por Una Cabeza cất lên du dương, ngọt ngào và mãnh liệt được ai đó ví như ngọn nến bùng lên vào phút cuối.Cùng với một phụ nữ quyến rũ nhảy một điệu Tango Argentina tình tứ trong môt không gian lãng mạn, đó chẳng phải là phút giây tuyệt vời nhất của cuộc sống sao.
Ngắm cảnh Tango lãng mạn và ngọt ngào của Frank, Charlie mỉm cười , cậu biết rằng mình sẽ thuyết phục được Frank từ bỏ ý định tự sát….
Trong phiên họp hội đồng xét xử, đúng lúc hiệu trưởng đọc quyết định đuổi học của Charlie thì Frank xuất hiện. Với những lý lẽ bênh vực Charlie, ông nói: “I don’t know if Charlie’s choice here today is right or wrong; I’m not a judge or jury. But I can tell you this: he won’t sell anybody out to buy his future!” (Tôi không biết sự im lặng của Charlie hôm nay là đúng hay sai, Tôi không phải quan toà hay thẩm phán. Nhưng tôi có thể nói với các bạn điều này: Cậu ấy không bán ai để mua tương lai của mình).
Vậy đó, có những điều chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc đã cứu cuộc đời của cả một con người.
Bộ phim đã giành giải kịch bản phim hay nhất, hình ảnh gây xúc động nhất và mang đến cho tài tử Mỹ Al Pacino giải thưởng cho vai diễn xuất sắc nhất tại lễ trao giải quả cầu vàng năm 1992. Al Pacino còn nổi tiếng với rất nhiều vai diễn khác, atrong đó phải kể đến là Michael Corleone (phim Bố Già - một tác phẩm kinh điển). Có lẽ bởi dòng máu lai Sicily, Italy cùng với một cuộc đời thăng trầm đã hình thành ở ông những tư cách và phẩm chất để ông có thể vào các vai diễn điệu nghệ như thế.



Super Movie Scenes - Scent of a Woman - Tango by Al Pacino
http://www.youtube.com/watch?v=n_O0O1PPXos&feature=player_embedded
Nguồn: như trên

TaTango
April 6th, 2010, 04:24 PM
Năm điều Nữ nên tránh trong Tango

Không lắc hông khi bước. Nam sẽ cảm thấy điều đó, và nó sẽ khiến nam bị trật nhịp nhạc. Lắc hông là một thứ mốt nhất thời phổ biến tại một vài nơi, nhưng ở Buenos Aires thì trông không hay lắm, và mọi người sẽ nhận ra điều đó.
Không uốn cong hay ỉu xìu phần eo. Nó gây ra những vấn đề tương tự như lắc hông, nhưng nó thậm chí không phải là một thứ mốt nhất thời. Nó đơn giản là một kỹ thuật tồi.
Không nhảy với chân cong. Trông không thanh nhã, và khi bị kết hợp với eo lưng cong và hông lắc lư, nam sẽ có cảm giác anh ta đang lái một chiếc ôtô già nua với bộ giảm sóc mòn vẹt. Hãy là một chiếc Ferrari, đừng là một chiếc Oldsmobile đời 81.
Các milonguero đôi khi tạm dừng một lúc để tạo cho nữ cơ hội thực hiện các bước trang điểm, nhưng đừng lạm dụng điều này. Những bước trang trí dư thừa đôi khi được gọi là “verduras”. Verdura có nghĩa là “rau”, và rất nhiều boleo, bước đá, và chuyển động mắt cá chân gây nhiễu âm nhạc. Chúng cũng llaman la atención, tức là gây sự chú ý, nhưng chắc chắn đó không phải là sự chú ý mà bạn mong muốn.
Sau cùng, không bao giờ bước ra ngoài compas của âm nhạc. Nam nên marcar (dẫn) nhịp chân của mình rõ ràng, nhưng tại nhiều thời điểm lại là tùy thuộc vào nữ tìm ra nhịp điệu. Không gì đáng bực mình hơn việc nữ bước ra ngoài compas trong một giro. Bước trật nhịp là lỗi không thể tha thứ được trong milonga.
Nguồn
http://www.tang-go.net/index.php?option=com_content&task=view&id=336&Itemid=102

TaTango
April 6th, 2010, 04:26 PM
Tangoandchaos: Nền tảng của tango (12) Người viết: DQ (dịch) 17/03/2008

Trong phần này chúng ta sẽ tiếp cận gần hơn tới những yếu tố tách biệt tănggô với các thể loại âm nhạc và khiêu vũ khác. Để thử nghiệm, chúng ta hãy nghe một vài bài tănggô, thư giãn, uống chút gì đó, và lắng nghe. Những bản nhạc như La Gran Muñeca của Di Sarli hay bản La Yumba của Pugliese sẽ khá thích hợp… nhưng hầu hết bất kì một bản nhạc tănggô nào được chơi trong Kỉ Nguyên Vàng (1935 - 1952) sẽ cho ta thấy sự khác biệt.


http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos12/image004.jpg
http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos12/image002.jpg
http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos12/image008.jpg
http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos12/image006.jpg

Nhạc Tango được chơi chủ yếu bằng đàn bandoneon. Đây là bốn ban nhạc trong Kỉ Nguyên Vàng

Trên: Tanturi, Biaggi. Dưới: Canaro, De Angelis


Chúng ta đang nghiên cứu về bản chất của tango. Nhìn lướt qua những tấm ảnh về các ban nhạc lớn đã chơi nhạc khiêu vũ tango kể từ những năm 80 cho thấy rằng nhạc tango được chơi chủ yếu bằng đàn bandoneon. Hoàn cảnh đông đúc đã được nói đến ở trên đã sớm ảnh hưởng đến cách nhảy tango trong mọi khía cạnh, từ cách ôm, các bước nhảy và sự thể hiện nhịp phách đến cả sự tự nhiên trong những chuyển động của tango. Nhưng tango còn hơn là sự chuyển động theo những qui tắc có tính kỉ luật. Tango là sự chuyển động theo một qui tắc kỉ luật mà nó thể hiện được âm nhạc… và âm nhạc đặc trưng của những ban nhạc chơi tango hay nhất, đặc biệt là âm nhạc từ cây đàn bandoneon, đã cấu thành nên yếu tố thứ 2 có phần quan trọng ngang bằng không kém: định nghĩa ra cách nhảy tango.


http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos12/image010.jpg

Anibal Troilo




Các dàn nhạc Tango cũng khá đặc biệt bởi vì họ có 4 hoặc 5 bè, hầu hết đều là những nhạc cụ có âm thanh sắc, cấu thành nên đến khoảng một nửa ban nhạc. Đó là một đặc điểm rất đáng quan tâm.


Hãy nghe thử bản La Gran Muñeca (http://www.tang-go.net/upload/carlos_di_sarli_a_la_gran_muneca.mp3). Bạn sẽ nhận thấy rằng những cây đàn bandoneon trong ban nhạc Di Sarli là không thể bỏ qua. Muñeca bắt đầu với một nhịp điệu dồn dập từ cây đàn bandoneon – cách tốt nhất mà tôi có thể diễn tả nhịp điệu ấy bằng lời là một âm thanh chắc mạnh cứng CHẠCH - CHẠCH - CHẠCH. Các nhạc công của Di Sarli đã đánh các nhịp mạnh như thế, và cũng không cần phải trải qua bất kì một sự đào tạo về âm nhạc nào để nói với bạn rằng đó là tín hiệu cho bạn. Nếu bạn muốn thể hiện loại âm nhạc này, bạn cần phải bước đi cùng với nhịp phách này. Bàn chân của bạn nên đập xuống sàn cùng với tiếng CHẠCH mạnh từ cây đàn bandoneon của Di Sarli.

Sau đây, một lẽ dĩ nhiên, là khởi đầu của việc nhảy tango. Và bây giờ đây là một phần thú vị: có rất nhiều cách khác nhau để bàn chân bạn được đặt xuống sàn (những milonguero thường dùng từ “pisar” để đề cập đến cách mà bàn chân đặt xuống sàn). Bạn có thể đi dạo hoặc đi bộ trên ngón chân hoặc kiểu như đi rón rén như một con mèo. Bạn có thể nảy chân lên, hay lê chân hoặc thậm chí nhảy lên. Tất cả những cách thức trên đều là cách thể hiện điệu nhạc và tôi cho rằng chúng có thể được sử dụng trong những điệu nhảy khác nhau. Nhưng với tango thì là một loại âm nhạc đặc biệt được chơi từ một loại nhạc cụ đặc biệt. Vì vậy, đi dạo một cách thông thường hoặc đi rón rén mềm mại như một con mèo, hay thả người trôi đi dường như không phải là cách thức đúng. Vậy Di Sarli muốn điều gì? Nhịp phách CHẠCH từ cây đàn bandoneon là dấu hiệu. Nó nói rằng phải bước mạnh, mạnh và dứt khoát lên sàn.

Bước đi mạnh lên sàn này là bước nhảy của các milonguero đã được miêu tả trong bài trước (http://www.tang-go.net/index.php?option=com_content&task=view&id=279&Itemid=102). Nó không phải là một bước đi nhẹ nhàng mềm mại như một con mèo với đầu gối cong, và nó cũng không phải bước đi dạo thông thường. Trọng lượng cơ thể ngay tức khắc được đổ dồn về phía trước lên bàn chân, và sự di chuyển về phía trước làm cho bàn chân bước mạnh theo nhịp CHẠCH lên sàn với một bước truợt nhẹ/bước di chân, giống như một milonguero di nát điếu thuốc lá mà anh ta vừa vứt đi trên vỉa hè ở Pompeya. Bây giờ nếu chúng ta tiếp tục lắng nghe Di Sarli, chúng ta sẽ nhận ra một đôi điều nữa. Nét đặc trưng của Di Sarli là sự thay đổi đột ngột, cho nên thỉnh thoảng violin hoặc piano phải đảm nhiệm giữ nhịp phách cho bandoneon, và thỉnh thoảng nhịp CHẠCH biến mất hoàn toàn. Điều này gây nên một vài phức tạp thú vị cho việc nhảy tango và chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề này nhiều hơn sau, nhưng bây giờ, hãy lắng nghe phách nhạc nhẹ hơn giữa những phách nhạc mạnh từ những cây đàn bandoneon.

Nhịp điệu nghe được sẽ giống như thế này: CHẠCH - chạch - CHẠCH - chạch -CHẠCH - chạch…

Bạn nên nghe phách mạnh ‘CHẠCH’ của cây đàn bandoneon với một phách ‘chạch’ nhẹ hơn ở giữa. (Cấu trúc MẠNH-yếu này chính là lý do tại sao những người ở các câu lạc bộ tango thỉnh thoảng vẫn sử dụng từ “dos por cuatro” thay cho “tango”. Khi đó họ đang đề cập tới nhịp 2/4 của nhạc tango). Cấu trúc này có mặt ở hầu hết các bản nhạc khiêu vũ tango cổ điển, và nó có thể được sử dụng cho một bài tập quan trọng:

Đầu tiên hãy thử tập để quen với việc cảm nhận phách nhạc yếu hơn trong nhịp phách “mạnh-yếu”. Khi lắng nghe nhạc tănggô, thử vỗ nhẹ hoặc bật ngón tay vào phách nhạc yếu, thay vì phách nhịp mạnh. Lúc đầu dường như hơi kì kì: CHẠCH 'tách' CHẠCH 'tách' CHẠCH ‘tách'. Cũng phải mất một lúc để quen với cách làm này, nhưng khi lắng nghe nhạc tănggô, thậm chí ở khi đang trên ô tô, bạn sẽ thấy dễ luyện tập. Điều này khá quan trọng để có thể nhận ra nhịp phách yếu, bởi vì khi nhận ra được nhịp yếu này, đó sẽ là một trong những bí quyết để thể hiện được điệu nhạc – và cũng để giúp thăng bằng hơn. Khi bạn đã quen với việc nhận biết phách nhạc yếu với việc vỗ tay hay bật ngón tay, bạn đã có thể sẵn sàng cho bài tập tiếp theo.

Hãy làm như mắt cá chân của bạn có thể tạo ra âm thanh như một máy đếm tiền kêu ‘tích’ một cách chính xác lúc chúng chạm nhẹ vào nhau khi bạn bước: XẸT 'tích' XẸT 'tích' XẸT 'tích'. Mỗi tiếng ‘tích’ kêu chính xác khi các mắt cá chân lướt qua nhau, và mỗi tiếng ‘XẸT’ kêu khi bàn chân của bạn đặt lên sàn. Đừng quá lo lắng về kĩ thuật, nhưng hãy cố gắng bước đi sao cho bàn chân của bạn hạ trên sàn vào phách nhạc mạnh ‘CHẠCH’ của cây đàn bandoneon một cách chính xác. Bạn nên làm bằng trực giác, nhưng cũng nên cố gắng để cho các mắt cá chân của bạn lướt qua nhau vào phách nhạc nhẹ ‘chạch’ ở giữa một cách chính xác. Bạn nên luyện tập theo cách này cho đến khi bạn có thể bước đi như thế một cách tự nhiên khi nhảy tănggô (bước đi như vậy trở thành một phần tự nhiên khi nhảy tănggô) (Nếu bạn đã luyện tập việc bật tách các ngón tay của mình vào phách nhạc yếu hơn, thì bây giờ hãy thử bật ngón tay hoặc vỗ nhẹ tay mỗi khi các mắt cá chân lướt qua nhau, vào phách nhạc yếu hơn một cách chính xác khi bạn bước: BƯỚC 'tách' BƯỚC 'tách' BƯỚC 'tách').

Luyện tập như vậy một cách chính xác với nhạc tănggô, đó là một trong những kĩ thuật chuẩn gọi là "en el compas”. Kĩ thuật chuẩn có nghĩa là một tư thế chuẩn, thư giãn, đững vững và thăng bằng khi hai mắt cá chân lướt qua nhau vào phách nhạc yếu một cách chính xác, và sau đó di chuyển trọng tâm về phía trước chân thẳng mà không chồm chồm ra hay lảo đảo. Thỉnh thoảng nhịp phách này biến mất, hoặc bị lẫn đi trong sự phức tạp của giai điệu, nhưng nó luôn luôn quay trở lại – và mọi người khiêu vũ đều luôn luôn phải giữ được sự liên hệ với nhịp điệu cơ bản này. Một người nhảy tănggô mà có thể đững vững (bien parado), bước chuẩn (pisa bien), và duy trì được kĩ thuật en el compas, sẽ nhảy đẹp hơn hầu hết những người nhảy khác trên sàn – thậm chí ở Buenos Aires.


http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos12/image013.jpg
http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos12/image015.jpg

Hai ban nhạc Tango nổi tiếng:
Osvaldo Pugliese, Juan D’Arienzo


Bài tập bước compas đề cập đến ở trên khá hữu hiệu khi tập với âm nhạc của D’Arienzo. Hãy thử luyện tập với bản “Nueve de Julio” hay “El Cencerro”. Tôi thường nghĩ rằng những bước compas như thôi miên và không ngừng nghỉ từ cây đàn bandoneon trong bản Cencerro là âm thanh từ đoàn tàu hỏa, nhưng sau khi nghiên cứu tiêu đề của bản nhạc, tôi nhận ra rằng nó thể hiện nhịp điệu của bước đi của những con bò. Rất nhiều bản tănggô viết về những chú ngựa, và trò cá cược. Bản “Por Una Cabeza” (một bài hát mà Gardel làm nổi tiếng khắp thế giới) có nghĩa là “Dẫn đầu”. Đó là bài hát trong đó nói về một người đàn ông liên tục gặp thất bại trong tình yêu, giống như một con ngựa đua mất đi vị trí dẫn đầu (thành ngữ Tiếng Anh là “by a nose”). Tôi cũng thường nghĩ rằng bản “El Flete” của D’Arienzo có viết một chút về việc phân phát hàng hóa, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng đó là một từ lóng nói đến một con ngựa đua chạy rất nhanh. Khi chúng tôi đến gần trại đua ngựa ở Palermo, và tôi nghĩ đến điều đó khi tôi nhìn thấy các con ngựa đua đang luyện tập. Bạn có thể nghe thấy nhịp điệu của các bước đi khác nhau của một chú ngựa trong bản nhạc. Thực tế, cũng có một bản nhạc tango rất hay viết về một cuộc đua ngựa tại Palermo được gọi là “El Yacare”. Bản nhạc tănggô của D’Agostino này rất phổ biến. Nó lúc nào cũng được chơi trong các buổi milonga và nó bắt đầu như thế này:

Es Domingo, Palermo resplandece de sol,
cada pingo en la arena, llevara una ilusion
en las cintas, los puros alineados estan.

Đó là một ngày chủ nhật ở Palermo, mặt trời chiếu sáng rực rỡ,
mỗi chú ngựa trên đường đua sẽ mang niềm hi vọng của vinh quang.
Đằng sau đích đến, những chú ngựa vẫn trên đường đua

Quả thật là một bức tranh tuyệt đẹp! (Tiếng Achentina có rất nhiều từ khác nhau nói về “con ngựa” bên cạnh từ “caballo”. Ở đây họ sử dụng từ “pingo” và “puro”.) Vargas tiếp tục miêu tả cuộc đua và cảnh mọi người cổ vũ như thế nào cho một người kị sĩ nổi tiếng được gọi là “Yacare” (một yacare giống như một người alligator nhỏ bé, và đó là một nickname thỉnh thoảng được đặt cho những người đến từ các vùng nhiệt đới phía bắc như vùng Missiones). Đó chính là âm nhạc tănggô tuyệt vời… tiếng lóng, những áng thơ và những chú ngựa. Đây là một lời gợi ý khiêm nhường: Hãy tập cho mình làm quen với ba câu đầu tiên này và những vần điệu thơ trong ba câu đó. Bạn sẽ học được một chút tiếng lóng trong tiếng Tây Ban Nha, và nếu bạn có nhiều dịp đến những buổi milonga, bạn lúc nào cũng sẽ nghe được bài hát này. Hãy nhẩm hát những lời đầu tiên khi bạn nhảy, và nghĩ về một ngày chủ nhật đầy nắng và những con ngựa đua Achentina ở Palermo. Và cũng như vậy, lắng nghe và nhảy theo những nhịp điệu mạnh/yếu từ cây đàn bandoneon trong những bản nhạc của D’Agostino.

Khi bạn tiếp cận gần hơn tới sự liên hệ bản năng của chúng ta với những âm thanh nhịp nhàng, bạn sẽ thấy đó là một điều bí ẩn. Vậy những chuyển động cơ thể phải phản ứng như thế nào đối với những rung động tạo ra âm thanh trong không khí? Trong hình thức cơ bản nhất của nó, sự xuất hiện của một rung động có âm thanh được chia ra bởi những khoảng thời gian bằng nhau có thể được biểu hiện bằng việc vỗ hai bàn tay với nhau, hoặc giậm chân. Bởi vậy, nó là một phần trong bản năng tự nhiên của chúng ta. Thậm chí những đứa trẻ mà không thể giao tiếp bằng lời nói lại có thể hát hay múa đúng nhịp theo âm nhạc. Có phải điều đó vì một lý do chưa xác định được liên hệ với nhịp đập của trái tim của người mẹ khi đứa trẻ còn ở trong bào thai? (Bản “Al Compas del Corazon” của Calo có nghĩa là “Nhịp đập của trái tim”, và nhịp điệu của nó dường như giống như nhịp đập của trái tim con người). Những bào thai có thể cảm nhận được nhịp điệu , nhưng liệu những loại động vật khác có thể cảm nhận được không? Đó là một câu hỏi thú vị. Có thể đó là một phần những gì tạo nên chúng ta là con người.



http://www.tang-go.net/index.php?option=com_content&task=view&id=312&Itemid=102

TaTango
April 6th, 2010, 04:37 PM
Người viết: mekimdung, ducbau (dịch)

Khi tôi bắt đầu tango, tôi muốn tìm cho mình một hình mẫu lí tưởng, một phong cách sẽ áp dụng cho bản thân mình từ các vũ công hàng đầu. Một trong những bộ phim về tango đầu tiên mà tôi xem là bộ phim tài liệu Tango, Baile Nuestro. Bộ phim có nhiều đoạn không được chỉn chu lắm, nhưng trong phim có rất nhiều cao thủ tango, tôi đã ngồi xem đi xem lại hàng chục lần. Vấn đề ở đây là các cao thủ lại thường nhảy lẫn lộn với nhiều cặp nhảy bình thường khác. Họ không được tách biệt ra và lại xuất hiện rất rải rác trong nhiều đoạn phim. Vì thế, bộ phim này không phải là tài liệu tốt cho việc học tập. Những vũ công giỏi thường không được quay rõ mặt, hay rõ các bước chân. Nhưng sau vài năm, thỉnh thoảng xem lại bộ phim, tôi bắt đầu chú ý một đôi nhảy. Càng để ý, tôi càng ấn tượng với họ, với cách họ chuyển động. Máy quay quay ở xa, chất lượng phim cũng không được tốt lắm, nhưng sau khi Miguel Zotto giúp đỡ, tôi chắc chắn được hai người đó là Fino và Maria Teresa. Từ đó tôi nhận ra họ còn xuất hiện trong vài bộ phim khác như Tango Bar hay Perfumes de Tango của Zotto.

Đối với tôi, Fino là một vũ công hoàn hảo nhất, tôi sẽ cố gắng giải thích tại sao. Những bức ảnh sau đây được cắt ra từ đoạn phim của Zotto (đoạn phim duy nhất sáng tỏ đó là Fino). Fino và bạn nhảy đạt tới mức hoàn hảo như thể họ sắp đặt trước cho ống kính máy quay, nhưng thực tế là họ đang biểu diễn giữa một buổi milonga bình thường. Mặc dù họ thêm vào vài động tác hoa mĩ để phục vụ khán giả, nhưng cách Fino đứng, chuyển động, nhảy cũng giống hệt như anh ta đang nhảy giữa đám đông trong phim Baile Nuestro.

Chúng ta hãy bắt đầu. Trước khi làm quen với những bước đầu tiên, chúng ta hãy xem tư thế đứng, Tango giỏi thì không thể bỏ qua dáng đứng chuẩn.



http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/Fino.jpg


Bài học trong sự hoàn hảo:
Bức ảnh trên đem lại cả một thế giới thông tin. Một tư thế gần như chính xác tuyệt đối, rất tự nhiên, cân bằng, thư giãn và lịch lãm



http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/Fino1.jpg
http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/Fino2.jpg

Các đường kẻ chỉ ra thân người anh ta là 1 đường thẳng, trọng tâm hơi ngả về phía trước, bàn chân đứng vững chắc ở vị trí 10h10’




http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/fino3.jpg
http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/Fino4.jpg


Trong 2 bức tranh trên chúng ta có thể thấy đầu của Fino ngẩng cao, cánh tay trái hạ, một tư thế thoải mái. Hai vai xuôi xuống, hơi đưa về đằng sau, làm ngực vươn lên và hướng ra phía trước. Tất cả điều đó cũng được áp dụng với Maria Teresa. Tư thế này của đôi nhảy cho phép cả hai cùng kết nối một cách tự nhiên ở phần thân trên, mở ra không gian phía dưới cho chuyển động của đôi chân




http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/Fino5.jpg


Cuối cùng, hãy nhìn phía chân của Teresa. Chúng ta sẽ nói đến kĩ thuật của nữ sau, nhưng đây là một bức ảnh kinh điển. Chân tự do của cô ấy “treo” thẳng từ thân người, 2 đầu gối thu lại với nhau tự nhiên. Bàn chân lướt mặt sàn, cổ chân thả lỏng và duỗi thẳng. Cô chuẩn bị cho một bước đi mượt mà mà chính xác
*****
Và tôi muốn gửi đến các bạn một lời khuyên chân thành:

Nếu bạn có ý định nghiêm túc học tango, bây giờ là lúc bạn ngồi lại và chú ý. Đây có thể là những bức ảnh quan trọng nhất bạn sẽ nhìn thấy. Nếu bạn sẵn sàng xuất sắc tango, bạn cần nghiên cứu cách đứng, cách vào đôi của Fino và Maria, và luôn giữ những hình ảnh ấy trong đầu mỗi khi bạn khiêu vũ.


http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/81.jpghttp://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/82.jpg

Fino bắt đầu bước tiến với việc ngả thân về phía trước và dẫn bằng ngực, đây là một đặc trưng của milonguero




http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/85.jpg


Anh ta bước thẳng người, dựng người lên bẳng đầu gối thẳng



http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/86.jpg


Anh luôn vươn ngực, lưng thả lỏng, vì thế anh ta có thể sải những bước dài khi có không gian



http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/image029.jpg
http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/87.jpg

Fino và Maria Teresa bước mượt mà trên 2 đường thẳng song song nhau



http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/image021.jpg
http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/image022.jpg

Họ vẫn luôn giữ được thăng bằng của mình dù nhảy ở tư thế gần, hay tách xa




http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos15/lean10.jpg
...thăng bằng từ đầu đến tận mũi giày


http://www.tang-go.net/index.php?option=com_content&task=view&id=328&Itemid=102

TaTango
April 6th, 2010, 04:54 PM
Những kiến thức trong những bài viết và bản dịch trên rất có giá trị đối với những bạn đang chơi Tango. Có những điều tưởng giản đơn nhưng Ta.Tango tin là phải mất hàng chục năm mới có thể đạt được những kiến thức trên. Tuy nhiên có duyên thì sẽ đạt sớm hơn.

TaTango
April 14th, 2010, 03:29 PM
Tango – Tiểu sử một đam mê

Người viết: Lê Cảnh Hoằng và Ruby31


Điệu vũ tango argentino có nguồn gốc từ các điệu nhảy Habanera, Milonga và Tango andaluz. Điệu Milonga xuất thân từ một làn điệu đồng áng dân gian, điệu vũ vui tươi này mang đủ sắc thái của cư dân da đen, da màu hòa lẫn với cá tính những nhóm dân nhập cư. Habanera là một điệu vũ Cuba du nhập vào Achentina] thời 1860, dân bản xứ nhảy điệu Habanera như muốn nói lên nỗi niềm của những kẻ bị thống trị. Mười năm trước đó điệu Tango andaluz cũng đã được nhập cảng và không bao giờ vắng mặt trên những sân khấu bình dân trong lòng thủ đô Buenos Aires.

Vào điểm giao thời giữa hai thế kỷ 19 và 20 đất nước non trẻ Achentina ở giữa một thời đại hoàng kim, Buenos Aires nở rộ trong phồn vinh và được xem như là một Paris của Nam Mỹ. Từ các vùng nghèo khổ khắp châu Âu một làn sóng di dân trổi dậy, dân chúng đổ xô về đây sinh sống khiến thành phố mới này tràn ngập và muốn nổ tung vì dân nhập cư. Cuộc sống khốn khổ không việc làm, không địa vị, không uy tín, thiếu bóng phụ nữ, đám tị nạn cơ cực chỉ còn có một lối thoát tinh thần trong những không gian của tận đáy xã hội, tìm quên trong quán nhậu, ổ điếm, sòng bài … và âm nhạc. Tango là nơi để họ thể hiện nỗi đau đớn và khát vọng về tình yêu, cuộc sống.

Tango là khiêu vũ những nỗi niềm sầu muộn“[[8] (http://www.khoahoc.net/baivo/lecanhhoang/180906-tango.htm#_ftn8#_ftn8)] câu nói đi vào lịch sử Tango của Enrique Santos Discépolo, nhà nhạc sĩ Tango nổi danh người Achentina. Thật vậy, tất cả hy vọng và nỗi niềm năm xưa của đám người di dân vẫn ấp ủ trong mỗi bước Tango. Dẫu phải mang chịu một ít tai tiếng dèm pha, Tango vẫn luôn luôn thanh lịch tự mãn: Trên sàn gỗ gã vũ khách ôm ghì lấy thân người kỹ nữ, dìu những bước vũ bão nhưng hình như vẫn chỉ muốn tự riêng mình thống thiết những tâm sự cô đơn. Tango không còn mang làn điệu sinh động vui tươi như những bước chân ngày đầu sơ khai nữa. Những lãng mạn u sầu, thậm chí những khổ đau hiện diện rõ ràng qua những bước nhảy cầu kỳ.

Và cuộc đời cũng khá khắc nghiệt với „Tango argentino“. Tango, những vòng tay say đắm siết cứng lấy nhau, những bước chân đa tình kéo lê chầm chậm giữa sàn, lập tức bị Vatican lên án là khiếm nhã và xúc phạm thuần phong. Trong qui chế khiêu vũ của thành phố Vienna (thủ đô nước Áo) cho tới năm 1913 Tango vẫn không được ghi vào danh sách những điệu vũ chọn lọc. Ngay tại xứ sở của mình, thành phần ưu tú và giới thượng lưu Achentina tẩy chay Tango vì nơi chốn xuất thân không được mấy tốt đẹp của điệu nhảy. Người ta hổ thẹn với cái sản phẩm bỗng đâu trỗi lên từ những ổ điếm, những cống rãnh của thành phố.

Nhưng sự việc bỗng thay đổi hẳn khi Tango minh chứng được thành công rực rỡ của mình … tại Paris, Được du nhập vào Âu châu khoảng 1910, Tango nhanh chóng cuốn hút linh hồn những giới khách ăn đêm và các vũ trường những thành phố hoa lệ để từ đó đồng loạt dấy lên một cao trào Tango trong các chốn ăn chơi sang trọng châu Âu và Paris nói riêng. Những lớp học nhảy, những nhóm người yêu thích Tango mọc lên trên mọi ngõ phố từ xóm bình dân cho đến khu thành sang trọng, Tango được mọi giới mở rộng bàn tay chào đón.Và từ đó, Tango đã quay trở lại Achentina với bộ mặt mới đầy kiêu hãnh.

Năm 1940, trong khi Âu châu nằm dưới thảm họa chiến tranh, nền kinh tế của Achentina phát triển rất rực rỡ. Vũ trường theo đó mọc lên như nấm, Buenos Aires thời gian này có tới 600 giàn nhạc nhảy và nhiều đại vũ trường có thể lên chứa đến 2000 người. Và ở đâu cũng mỗi một điệu nhảy - Tango. Tango trở thành điệu nhảy của đất nước, là một phần của văn hoá Achentina. Cũng từ thời điểm này bước Tango chuyển biến đa dạng và quyến rũ hơn, để từ từ trở thành nền tảng cho điệu Tango hiện nay. Tao nhã, tài tình, một hình thái Tango hoàn mỹ. Tango cũng không còn là “Khiêu vũ những nỗi niềm sầu muộn” mà đã là tấm gương phản ánh tất cả các cung bậc tình cảm của cuộc sống.

Ngày 30/9/2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Tango - loại hình văn hóa bao gồm cả nhạc, vũ đạo và ca từ của Argentina và Uruguay vào Danh mục Di sản phi vật thể của nhân loại.
Trong trang web chính thức, UNESCO tuyên bố: "Truyền thống Tango của Argentina và Uruguay, mà ngày nay đã được cả thế giới biết tới, ra đời tại hạ lưu dòng Sông Bạc (Río de la Plata) trong lòng các tầng lớp bình dân của hai thành phố Buenos Aires và Montevideo….Âm nhạc, điệu nhảy và chất thơ của Tango vừa là biểu trưng, vừa cổ vũ tính đa dạng và đối thoại văn hoá”.



Em có muốn hiểu về Tango, không em?


Hãy nhắm mắt lại và tựa vào ngực anh


Hoà mạch đập trái tim vào giai điệu


Vẽ bức tranh trên nền nhạc bằng đôi chân thanh mảnh


Và thở chung một hơi thở Tango…


Source
http://www.argentinetango-club.com/Default.aspx?TabID=3&Oid=292&Nid=373

TaTango
April 14th, 2010, 03:38 PM
Milonga triste
Người viết: Ruby31

Milonga triste mở đầu bằng tiếng bass trầm đục khiến mọi hơi thở dường như chùng xuống. Xen lẫn vài tiếng piano rời rạc đưa đẩy tâm hồn về với cõi xa vắng của quá khứ. Tiếng bass chìm sâu hơn nhường chỗ cho tiếng piano buồn lẻ loi, kỷ niệm như những thước phim quay chậm hiện về, những nỗi buồn mơ hồ ngày càng rõ nét. Những vết thương bắt đầu đứt chỉ khi tiếng harmonica cất lên đầy day dứt. Tiếng harmonica càng kéo dài da diết những vết thương lòng càng như vỡ oà. Không có chỗ dành cho nước mắt, chỉ có trái tim quằn quại trong nỗi đau đớn khôn nguôi. Người ta nói "“Milonga triste – khuấy đảo nỗi đau trong quá khứ, làm chảy máu những vết thương lòng tưởng chừng đã khép” quả thật không sai.


http://www.youtube.com/watch?v=F4gt1RM-nxc&feature=player_embedded

Nhạc: Sebastian Piana
Lời: Homero Manzi
Người dịch: Ruby31

“Những vì sao cứ cao vời vợi trong đêm trắng.
Nỗi cô đơn bật khóc trên mỗi dây đàn”

Ngày em đến
Đôi mắt long lanh ánh trăng dịu dàng
Ngày em đến
Mái tóc buông lơi bay bay nhẹ nhàng
Nụ hôn ấy, tưới mát hồn tôi với bao nồng nàn

Giờ xa vắng, bước chân lang thang cô đơn bụi đường
Buồn cay đắng,gọi mãi tên em trong cơn mơ màng
Người yêu dấu, mở mắt đi em, ánh trăng dịu dàng
Tàn đêm trắng, chỉ tiếng ngân xa chuông ai nguyện hồn
Tìm đâu thấy,. chìm khuất khơi xa vầng trăng vỡ oà.

Người yêu hỡi, tìm bước chân em trên con đường nhỏ
Gọi em mãi, gọi mãi tên em trong tiếng kinh cầu
Nghĩa trang vắng, lạnh toát hồn anh trong nỗi đau sầu
Thèm hơi ấm mái tóc buông lơi bay bay nhẹ nhàng

hoahong
April 15th, 2010, 05:28 AM
Cho em hỏi là khi ban nhạc chơi một bản Tango Argentino, họ thường dùng những nhạc cụ gì ạ?

hoctap
April 15th, 2010, 11:27 AM
Theo tôi biết thì họ thường dùng đàn guitar, bandoneon, violin, piano, contrabass

TaTango
April 15th, 2010, 04:42 PM
Xin bổ sung bài viết


Giới thiệu chung về nhạc Tango

Sưu tầm: Ruby31


"Tango vốn bắt nguồn từ nhiều điệu nhảy khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc nói chung và tango nói riêng thì năm 1999 người ta đã có thể kỷ niệm tròn một thế kỷ ngày sinh của nó (1). Tango ra đời tại châu Mỹ La Tinh, vùng Río de la Plata, nơi con sông Paraná đổ ra biển, giữa Uruguay và Achentina. Ngày nay tango đã trở nên một loại hình âm nhạc không thể tách rời với tên tuổi thủ đô của hai quốc gia ở trên là Montevideo và Buenos Aires. Tango ngày nay cũng mang đậm nét văn hóa của nhiều vùng khác thuộc châu Mỹ Latinh.

Đầu thế kỷ 20, từ những năm 1910, tango chuyển mình sang châu Âu, nó nhanh chóng trở thành một trong những loại hình âm nhạc được phổ biến và yêu thích nhất. Cho đến những năm giữa của thập niên 60, tango bước vào kì khủng hoảng. Và cuối thế kỷ 20 tango lại một lần nữa bùng dậy với nhiều thể hiện cách tân của nhà cách mạng tango Astor Piazzolla. Tango đã sải những bước dài vuợt qua mọi thăng trầm, vượt lên mọi điều tiếng, vượt mọi tầng lớp xã hội, đi vào lòng người yêu âm nhạc những bước đằm thắm. Tango không còn chỉ là riêng một điệu nhảy, tango đã trở thành riêng một loại hình âm nhạc, tango có mặt cả trong những dàn nhạc giao hưởng, đi vào các vùng âm nhạc cổ điển cho tới hiện đại, Tango không lời, không bước nhảy vẫn lên ngôi… Tango đã tạo nên cả một thế giới riêng cho chính bản thân nó. Theo Academia Nacional del tango tại Buenos Aires thì có tới trên dưới 15.000 bản tango khác nhau. Trong đó khoảng 1/3 là những bản nhạc tình.

Về nhạc lí, tango ban đầu vốn là nhạc không lời, cho đến những năm 1910, người ta bắt đầu đặt lời cho các bài hát tango và viết ra những bản nhạc tango với lời ca. Ban đầu, tango được sáng tác dựa theo nhịp 2/4, sau này tango trở nên buồn hơn và thường đổi qua với nhịp 4/4 hay 4/8. Người ta cũng đã thu âm nhiều tác phẩm được trình diễn với lối hòa âm khác nhau trong cùng một tác phẩm "

Nhạc Tango được phân biệt với các thể loại nhạc nhảy khác ở 2 điểm: không có trống và sử dụng bandoneon. Bandoneon là một nhạc cụ của Đức nhìn tương tự như đàn accordion hay organ. Đàn Bandoneon được thiết kế để thay thế organ chơi trong dàn nhạc của nhà thờ trước kia – nơi mà không đủ khả năng tài chính để dùng organ. Cũng như những yếu tố văn hoá du nhập vào Achentina khác, Bandoneon cũng nhanh chóng tìm được chỗ đứng của mình trong đời sống tinh thần tại Achentina.



http://farm5.static.flickr.com/4001/4394408726_0473d3bab7.jpg


Bạn có thể dễ dàng nhận thấy Tango không sử dụng trống để giữ nhịp (beat). Các nhịp nhạc được nhận biết nhờ âm bass và các quãng âm trầm của piano được hỗ trợ cùng với bandoneon, vionlin hoặc là quãng âm cao của piano đi kèm các giai điệu đầy lôi cuốn.

Nhạc Tango về cơ bản có 3 loại bao gồm:
- Tango – tango
- Tango – vals
- Milonga

Đặc trưng của nhạc Tango – tango là nhạc mạnh mẽ, da diết và đầy tâm trạng.
Đặc trưng của nhạc Tango –vals là mềm mại, mượt mà, du dương.
Đặc trưng của nhạc Milonga là tiết tấu nhanh, vui tươi.

Ngoài ra, hiện nay còn có một số thể loại nhạc tango khác như: tango neuvo, tango neo…

Khi bắt đầu chơi Tango, người nhảy thường thích các bản nhạc từ những năm 1940s đến 1950s - thời kỳ hoàng kim của Tango. Khi có nhiều kinh nghiệm chơi tango hơn, người chơi sẽ thích thú với các bản nhạc Tango hiện đại được phối đầy ngẫu hứng như nhạc jazz và tạo ra nhiều thách thức đối với người xử lý nhạc.

TaTango
April 15th, 2010, 04:44 PM
Lịch sử phát triển âm nhạc Tango


Người dịch: Ruby31

Các bằng chứng cho thấy nhạc Tango đã được hát và biểu diễn trên sân khấu tại Buenos Aires từ giữa thế kỷ 19 (mặc dầu nếu chúng ta nghe được thể loại nhạc này, có thể chúng ta không nghĩ đó là nhạc Tango vì nó khác rất xa nhạc Tango hiện nay). Thời điểm đó ban nhạc Tango thường bao gồm: vĩ cầm, ghi ta và sáo hoặc độc tấu piano. Các bản nhạc Tango khi đó được sáng tác tuỳ hứng trong các quán bar.

Bản nhạc Tango cổ nhất còn được lưu giữ được viết vào những năm 1890s bởi nghệ sỹ dương cầm Rosendo Mendizabal, có tên là El Entrerriano. Từ sau thời kỳ này, các bản nhạc Tango bắt đầu được sáng tác, ghi chép một cách chuyên nghiệp hơn.Các hình thức biểu diễn nhạc Tango cũng phát triển đa dạng hơn và thường bao gồm một ca sỹ hát cùng với cây đàn ghi ta hoặc là một ban nhạc hoặc là độc tấu với đàn dương cầm.Các bản nhạc Tango vào thời kỳ này mang nặng âm hưởng Tây Ban Nha và không có các nhạc cụ đặc trưng của nhạc Tango hiện thời.


Bản nhạc Tango nổi tiếng đầu tiên được viết vào năm 1905 do Angel Villoldo - một ca sỹ kiêm nghệ sỹ ghi ta. Đó là bản Elchoclo, một trong những bản nhạc Tango đặc trưng nhất và Tango nhất. Villoldo là một nhạc sỹ có ảnh hướng lớn tới dòng nhạc Tango, rất nhiều bản nhạc của ông vẫn được chơi cho tới ngày nay. Điều thú vị là ông viết El choclo để sử dụng cho một vở hài kịch do ông diễn (choclo có nghĩa là hạt ngô). Tuy nhiên, lời bài hát của ông nhanh chóng bị quên lãng và được thay thế bằng các lời hát hấp dẫn và trữ tình hơn vào những năm 1940 và El choclo theo đó trở thành một bản nhạc Tango bất hủ.


Khi những người Ý nhập cư vào Buenos Aires, họ đem đến cho Tango một âm hưởng mới, dưới ảnh hưởng của những bài hát Neapolitan cùng một phong cách chơi violion trữ tình hơn khiến cho các bản nhạc Tango trở nên ngọt ngào hơn.


Năm 1910, Bandoneon được nhập cảnh vào Buenos Aires. Bandoneon là một nhạc cụ của Đức nhìn tương tự như đàn accordion hay organ. Có thể nói Bandoneon là một trong những nhạc cụ khó học nhất với 2 bàn phím, mỗi phím đàn không đặc trưng cho bất kỳ nốt nhạc nào. Các nốt nhạc cất lên từ bàn phím như thế nào còn phụ thuộc sự chuyển động đẩy vào trong hay ra ngoài của chính hai bàn phím đó. Nhưng cũng chính vì sự phức tạp đó mà Bandoneon có thể cho phép các nhạc sỹ có thể tuỳ hứng biến tấu các nốt nhạc với các âm thanh đẹp tuyệt vời và biến đổi khôn lường.


Năm 1912, Tango ghi bản nhạc đầu tiên Juan Maglio, "Pacho", nhạc sỹ bandoneon. Bản nhạc chơi bằng bandoneon - nhạc cụ chính cùng với sáo, vĩ cầm và ghi ta. Sự thành công vang dội của bản nhạc đã biến Bandoneon trở thành một nhạc cụ quan trọng của Tango.

Sự thành công của nhạc Tango luôn đi cùng với điệu nhảy Tango và cũng chính điệu nhảy Tango đã giới thiệu dòng nhạc Tango với thế giới. Những người Argentina trẻ tuổi và giàu có khi sang Châu Âu đã đem điệu nhảy Tango đến với các quán bar, các vũ trường. Điệu nhảy thanh lịch và gợi tình đã nhanh chóng được yêu mến tại Paris và trở thành một điệu nhảy được ưa chuộng tại các nơi chốn sang trọng.

Quay trở lại Achentina bằng bộ cánh mới, Tango trở thành niềm kiêu hãnh của người dân Achentina. Các giai điệu Tango tràn ngập đường phố Buenos Aires. Năm 1915, Pascual Contursi viết lời cho bản Mi Noche Triste. Năm 1917, Carlos Gardel thu lời bài hát. Carlos Gardel là ca sỹ đồng quê nổi tiếng thời bấy giờ, thời mà nhạc đồng quê đang chiếm lĩnh sân khấu âm nhạc tại Buenos Aires. Thật ra lời bài hát có phải do Contursi viết hay không vẫn còn đang là đề tài gây tranh cãi nhưng Carlos Gardel thì đúng là người đã khiến bản nhạc Mi Noche Triste trở nên bất tử. Giọng hát trầm ấm đầy cảm xúc diễn tả nỗi đau thương mất mát của người đàn ông mất đi người yêu dấu đã khiến cả thế giới xúc động.


Carlos Gardeltrở thành biểu tượng âm nhạc của thế giới sử dụng tiếng Tây Ban Nha. Cuộc đời đầy đau khổ của ông - một đứa con không được thừa nhận của một nghệ sỹ Pháp nổi tiếng, tính cách nhân hậu, tài năng soạn nhạc, cái chết thảm khốc trong vụ tai nạn máy bay ở tuổi 44 khi tài năng đang nở rộ, và tất nhiên, cùng vơi giọng hát tuyệt vời của ông đã khiến ông trở thành một người hùng của thế giới Tango, một biểu tượng sống mãi trong lòng người dân Buenos Aires.


Năm 1916, Roberto Firpo, một nghệ sỹ dương cầm nổi tiếng, người đứng đầu trong các ban nhạc Tango thành công thời bấy giờ, người đã tạo ra một ban nhạc Tango chuẩn bao gồm 2 bandoneon, 2 vĩ cầm, một piano và double bass – sau khi nghe một hành khúc của một người Uruguay tên Gerardo Mattos Rodriguez đã quyết định sử dụng các nhạc cụ trên cho các bản nhạc Tango. Kết quả là bản nhạc Tango nổi tiếng nhất mọi thời đại đã ra đời, La Cumparsita. Sau này Pascual Contursi đã viết lời cho bản nhạc- một câu chuyện tình đau thương, sau đó được Gardel thu âm, đã khiến La Cumparsita trở thành bản nhạc được chơi bởi mọi ban nhạc Tango trên thế giới và trở thành Biểu tượng của Tango.


Hầu hết các nhạc sỹ Tango thời kỳ đầu đều là những người tự tìm tòi với nhạc Tango. Từ những năm 1920s, các nhạc sỹ được đào tạo chuyên cho Tango mới bắt đầu xuất hiện, một trong những nhạc sỹ nổi tiếng đó là nhạc sỹ dương cầm Julio De Caro. Ban nhạc nổi tiếng của ông vào những năm 1920 và tiếp theo là nhạc sỹ bandoneon Pedro Laurenz vào những năm 1930, giới thiệu những bản nhạc Tango với tiết tấu chậm hơn, phức tạp và thanh lịch hơn nhưng cũng xa rời hơn với nhạc nhảy.

Tiếp đó năm 1935, là thời của hai nhạc sỹ Tango nổi tiếng Juan: D'Arienzo và Rodolfo Biagi.D'Arienzo là một nghệ sỹ violon nhưng không nổi tiếng lắm, đến năm 1935 ông thành lập ban nhạc và tỏ rõ tài năng của mình với tư cách là một người đứng đầu ban nhạc và soạn nhạc. Cùng với Rodolfo Biagi, ông tạo ra một trường phái nhạc với tiết tấu nhanh hơn, pha các tiết tấu điện tử vào giai điệu Tango và ngay lập tức khiến cho những người chơi Tango say mê và ngưỡng mộ. Mặc dầu nhạc của D'Arienzo-Biagi không được lòng những người nghiên cứu âm nhạc Tango thời bấy giờ nhưng lại rất được ưa chuộng tại các sàn nhảy và tạo ra một trào lưu mới về Tango những năm 1930.


Năm 1935 được coi là thời kỳ bắt đầu của Thời kỳ vàng của Tango và thập kỷ tiếp theo được coi là thời hoàng kim của Tango với rất nhiều những sang tạo vượt bậc về mọi mặt. Thời điểm này, điệu nhảy Tango trở thành một trong những điệu nhảy đôi quyến rũ nhất, tinh tế nhất và gợi tình nhất thế giới. Người soạn nhạc, người tổ chức, người viết nhạc, ca sỹ đều đạt đến đỉnh cao nhất trong Tango. Nhiều ban nhạc đình đám nhất của Tango đều xuất hiện vào thời điểm này: Anibal Troilo , Carlos Di Sarli , Miguel Calo, Lucio Demare, Alfredo De Angelis or Osvaldo Pugliese … Sự toả sáng ở lĩnh vực này làm nền cho lĩnh vực kia, tất cả hoà vào với nhau cùng đưa Tango lên đỉnh cao để đạt được những thành công vang dội nhất.

Tại thời điểm này thế giới Tango luôn nhắc đến ‚Guardia Nueva’ – đội quân tiền phong gồm những tên tuổi như:
Carlos Gardel (giọng); Osvaldo Pugliese, Roberto Firpo, Francisco de Caro (dương cầm); Julio de Caro, Francisco Canaro (vĩ cầm); Anibal Troilo, Osvaldo Fresedo, Pedro Maffia, Pedro Laurenz, Astor Piazzolla, Eduardo Arola, Agustín Bardi và Juan Carlos Cobián (bandoneon)...
Với nhân sự mỗi ngày hùng hậu hơn, giàn nhạc cho phép cá nhân có thể triển khai sở trường của mình. Mỗi tay đàn qua đó có cơ hội tự khoe sắc màu, diễn tả những ý nhạc khác nhau theo xúc cảm. Dòng nhạc không còn đơn điệu nữa, trái lại với phối khí hài hoà, người nghe vẫn cảm nhận được những dũng mãnh của một Eduardo Arola sống động hoặc của Agustín Bardi vui đùa, quyện vào đó những làn điệu lãng mạn của Osvaldo Fresedo.


Vào cuối những năm 1940, khi dòng nhạc Tango đã phát triển quá mạnh mẽ thành một dòng nhạc riêng, nhạc Tango và điệu nhảy bắt đầu tách rời nhau. Đó là khi các nhạc sỹ bắt đầu quan tâm đến việc sáng tác cho các thính giả nghe nhạc, để ghi âm và phát sóng; các ca sỹ cũng mong muốn trở thành các ngôi sao ca nhạc hơn là hát cho những người chơi Tango. Trong một thời gian, nhạc Tango và điệu nhảy bắt đầu đi song song tách rời nhau.

Đến năm 1955, một thể chế mới đánh đổ thể chế của Peron và thành lập một thể chế chính trị mới đã đẩy Tango vào một giai đoạn vô cùng khó khăn. Nhạc Rock and Roll thay thế cho nhạc Tango tràn ngập vào Achentina, các vũ trường bị đóng cửa và Tango chỉ còn là các bóng dáng lẩn khuất chui lủi. Các nhạc sỹ Tango bị đưa vào danh sách đen hoặc bỏ tù vì dính líu đến thể chế của Peron.


Năm 1950, một nhạc sỹ bandoneon tài năng tên Astor Piazzolla đã rời Buenos Aires tới Paris để nghiên cứu về nhạc cổ điển với Nadia Boulanger. Mặc dù sinh ra tại Achentina, ông lại lớn lên tại Mỹ và quay trở lại Buenos Aires khi trưởng thành và chơi trong dàn nhạc của Anibal Troilo và đã đạt được một số thành tựu nhất định trước khi thành lập nhóm nhạc của mình vào năm 1946. Ôg nhanh chóng nhận ra rằng mình không thể thành công nếu tiếp tục chơi theo phong cách Tango truyền thống. Với những hiểu biết của mình về Tango, từng được làm quen với nhạc jazz tại Mỹ, và chút kiến thức về nhạc cổ điển, Piazzolla sáng tạo ra một thể loại nhạc Tango mới - Tango Nuevo. Với mục tiêu sáng tác nhạc Tango để nghe hơn là để chơi, Piazzolla đưa giai điệu của jazz vào Tango khiến nó khác xa với những gì mà người chơi mong đợi.

Khi nhạc Tango Nuevo của Piazzolla được chơi tại Buenos Aires, nó đã gây ra một làn sóng phản đối. Nhiều người cho rằng đó không còn là nhạc Tango nữa. Tuy nhiên, nhạc của ông lại được ủng hộ tại Châu Mỹ và Châu Âu và sự thành công của nhạc Tango Nuevo đã khiến sự phản đối tại Achentina dịu đi. Những nhạc sỹ và nghệ sỹ biểu diễn Tango đã tìm thấy ở nhạc củaPiazzolla sự tự do, hiện đại và thích hợp để biểu diễn hơn Tango truyền thống (vốn phù hợp với Tango giao lưu). Hầu hết nhạc Tango mới hiện nay đều đi theo trường phái của Piazzolla.


Sự đỗ vỡ của thể chế quân đội tại Achentina vào năm 1983, và sự thành công vang dội của loại hình Tango biểu diễn trên toàn thế giới đã đưa Tango trở lại thời kỳ vàng son. Sự quan tâm trở lại với Tango đã đưa nhạc Tango của thời kỳ vàng quay trở lại. Các đĩa CD về Tango tràn ngập đường phố, Achentina còn mở hẳn một kênh phát sóng trên radio và kênh FM chỉ dành riêng cho Tango. Thế hệ các nhạc sỹ và nghệ sỹ Tango mới phát triển loại hình Tango Nuevo và tìm tòi sáng tạo trên cả Tango truyền thống. Các nhạc sỹ Tango đi theo trường phái của Piazzolla nhưng không vì thế mà họ từ bỏ Tango truyền thống bởi vì họ cũng nhận thấy hầu hết mọi người đến với nhạc Tango đều thông qua điệu nhảy Tango.

Nhạc Tango bắt đầu một thời kỳ mới…

http://www.argentinetango-club.com/Default.aspx?TabID=3&Oid=292&Nid=378

TaTango
May 31st, 2010, 11:35 AM
TANGO ARGENTINO

Nguyễn Xuân Quang

Nói đến Argentina, giới một điệu bóng đá nghĩ ngay tới Agentina đã ba lần đoạt giải túc cầu thế giới, nghĩ ngay tới đội tuyển Boca Junior, nghĩ ngay tới cầu thủ lừng danh của Argentina là Diego Maradona. Nói đến Argentina, những người sành điệu ăn uống nghĩ ngay tới những món thịt nướng, nghĩ ngay tới beef steak bò đi bộ Argentina. Nói đến Argentina, về lịch sử, ta nghĩ tới Evita, một cô gái giang hồ trở thành một vị nữ tổng thống của dân nghèo, “Don’t Cry For Me, Argentina”…
Và còn rất nhiều nữa. Nhưng nói tới Argentina, giới nhẩy nhót ăn chơi không thể không nghĩ tới Tango Argentino. Đến Argentina không thể không nghe nói tới Tango. Đến Buenos Aires là đến với Tango, đến với Las Tanguerías de Buenos Aires.
Tango là cái Không Khí Trong Lành (Buenos Aires) mà người porteños (cư dân Buenos Aires) hít thở suốt đời. Tango diễn tả lời than van sầu não của kiếp người, cái khắc khoải của tình yêu. Tango thăng trầm, nổi trôi với đời người và vận nước Argentina. Đã có lần chính quyền cấm nhẩy Tango nhưng người dân Argentina vẫn nhẩy Tango trong trái tim mình, trong thớ thịt mình. Tango diễn đạt cái nền móng văn hóa Argentina. Tango là niềm kiêu hãnh quốc gia, dân tộc của Argentina.
Dĩ nhiên chúng tôi cũng không thể cầm… chân lại được, không thể không tìm đến với Tango Argentino. Chúng tôi tìm đến show Tango El viejo Almacén. Show này đã được liệt kê trong quyển sách Một Ngàn Nơi Phải Xem Trước Khi Chết (1.000 Places To See Before You Die) của Patrica Schultz. Bên cạnh những show biểu diển thật điệu nghệ mang tính chất nghệ thuật siêu tinh tế này, Tango tung bước khắp nơi. Nếu muốn thơ mộng, tình tứ, lãng mạn, riêng tư hơn để thưởng thứcTango với người thân thì có thể tìm tới những bar rượu với cảnh trí thiên nhiên, dưới ánh đèn mờ, vào lúc nửa khuya về sáng, một trong những bar rượu được ưa chuộng nhất là Bar Sur (299 calle Estados Unidos, San Telmo, ĐT 54/1-4362-6086). Muốn tìm thấy cái linh hồn đích thực chân chất của Tango thì tìm đến các hang cùng ngõ hẻm, đầu đường, xó phố, chợ trời… ở Buenos Aires gỗ đá cũng mang sắc mầu Tango. Hãy lấy một ví dụ, ngay ở bến cảng cũ Puerto Madero cũng có một cây cầu mang tên Tango do kiến trúc sư Santiago Calatrava họa kiểu, xây năm 2001. Chiếc cầu xoay mang hình bóng một cặp nam nữ đang nhẩy Tango.


http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/cau-tango.jpg?w=307&h=193 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/cau-tango.jpg)
Cầu Tango ở Puerto Madero, Buenos Aires.
Cầu có phần sàn cầu uốn cong mang hình ảnh của một vũ công nữ đang rướn cong người lên và phần nọc nhọn đâm nghiêng lên trời biểu tượng cho vũ công nam đang đứng nghiêng người nâng người nữ. Quí độc giả nhìn cầu có mường tượng ra được không? Để giúp cho dễ hình dung ra, xin đối chiếu cây cầu Tango này với hình một cặp vũ công đang nhẩy Tango dưới đây:


http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/cau-tango-2.jpg?w=312&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/cau-tango-2.jpg)

Cặp vũ công mang hình ảnh cây cầu Tango ở Puerto Madero (ảnh của tác giả).
Tango gợi tới hình ảnh một người nam một người nữ quấn chặt vào nhau trong một điệu nhẩy hết sức gợi cảm.

http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9383.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9383.jpg)

(ảnh của tác giả).

Người nữ mặc váy ngắn xẻ cao tới háng, đi giầy cao gót, áo ngắn, có hay không có khăn quàng cổ. Người nam trước đây thường là dân bản địa, nghèo, thích đội mũ bẻ cụp vành xuống, khăn quàng cổ buông lỏng, đong đưa, giầy cao gót, dao dắt tòng teng bên thắt lưng. Về sau người nam thường đóng bộ, mặc vét ngược đời không theo thời trang đương thời.

http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9379.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9379.jpg)

(ảnh của tác giả).

Lịch sử Tango có từ hơn một thế kỷ qua nhưng nguồn gốc thật sự của Tango không biết rõ, có nhiều giả thuyết. Có giả thuyết cho rằng giới trẻ thượng lưu ở Rio de la Plata (còn gọi là Dòng Sông Bạc, dòng sông rộng nhất thế giới, chẩy qua Buenos Aires) nhái lại điệu nhẩy của những nô lệ da đen đến từ châu Phi. Danh từ Tango có thể có gốc từ ngôn ngữ châu Phi có nghĩa là «chỗ thân cận» hay «nơi được dành riêng». Hoặc có gốc từ tiếng Bồ Đào Nha có nguồn cội từ Latin tanguere, có nghĩa là «tiếp xúc», được các nô lệ người Phi châu dùng. Dù cho là nguồn gốc thế nào đi nữa thì Tango cũng chỉ chỗ những người gốc châu Phi tụ tập lại với nhau để nhẩy nhót.
Vào cuối năm 1800 và đầu năm 1900, có những đợt di dân ồ ạt tới Argentina. Năm 1869 Buenos Aires chỉ có dân số khoảng 180.000 người. Đến năm 1914, dân số tăng lên một triệu rưỡi. Sự pha trộn văn hóa của người châu Phi, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Nga và dân sinh đẻ tại Argentina dẫn tới một thứ văn hóa «thập cẩm». Những điệu nhẩy truyền thống polkas, waltzes (valses) và mazurkas pha trộn với điệu nhẩy phổ thông habanera của Cuba và nhịp điệu candombe từ châu Phi (Susan August Brown, Argentine Tango: A Brief History http://www.tejastango.com/tango_history.html (http://www.tejastango.com/tango_history.html)).
Vì thế mà cũng có giả thuyết tin vào sự hòa hợp giữa điệu nhẩy Tây Ban Nha và Cuba như Tango andaluz và habanera.
Riêng về valse thì cặp khiêu vũ Tango ôm nhau trông giống như trong một điệu valse nhưng dù dẫu cho đó có đúng sự thật làTango đã tiếp thu những nét từ valse đi nữa thì Tango vẫn có nhiều điểm khác biệt với valse ví dụ như nhiều lúc cả hai người nhẩy ôm ghì sát nhau quay cuồng như những bước valse nhưng có lúc giữa dòng nhạc, một trong hai người ngừng bước đứng lại trong khi người kia vẫn tiếp tục nhẩy.

http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9401.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9401.jpg)

(ảnh của tác giả).

Dù gì thì thật sự Tango cũng thành hình ở những quán rượu, phòng nhẩy, ổ điếm và ở những khu giải trí bình dân tại những xóm nghèo, khu ổ chuột ở Buenos Aires, nhất là ở khu lò sát sinh Corrales Viejos, nơi các di dân mới tới làm việc và vùng La Boca (Miệng, Cửa Sông), vùng Cửa Sông Rio de la Plata, nơi tiếp nhận đầu tiên di dân từ khắp nơi đến Argentina (vì thế đội bóng đá nổi tiếng của Argentina mới lấy tên theo địa danh này là Boca Junior). Ngày nay khu La Boca này vẫn cố giữ lại những nét đặc thù của ngày xưa.

http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9315.jpg?w=256&h=384 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9315.jpg)

Một tú bà (madame) đang chào mời khách lên lầu… vàng (mầu Tango) «nhẩy Tango» ở khu Ngõ Hẹp Caminito, tại La Boca (ảnh do bà xã tác giả chụp).

Chính những nơi này nhịp điệu châu Phi đã gặp nhạc milonga (Polka với bước nhanh) rồi sau đó những bước mới được sáng tạo mang thêm gia vị cho Tango.
Và rồi Tango nở rộ trong các hang cùng ngõ hẹp ở Buenos Aires.
Điệu nhẩy mới này được gọi là Tango trước khi có điệu nhạc được gọi tên là Tango. Lúc đó giới thượng lưu kết án Tango là một điệu nhẩy của gái điếm, ca ve, ma cô và của bọn con cái nhà giầu bị sa ngã vào chốn ăn chơi hoang đàng.
Nhưng vào khoảng năm 1911, khi một số con cháu những gia đình người Argentina giầu có qua ở Paris và bắt đầu trình diễn Tango thì Tango sau đó nở rộ tại đây. Tới năm 1913, Tango trở thành một hiện tượng thế giới ở Paris, London và New York. Có cà trà Tango, du hành bằng xe lửa Tango, mầu Tango (mầu cam)…
Vì thế khi Tango trở về lại Argentina thì Tango đã chiến thắng vinh quang, đè bẹp những lời phê phán, công kích cho Tango là đồi trụy, vô luân và cuối cùng Tango được các giới đạo đức thừa nhận.
Vào những năm của thập niên 1920, ca sĩ Carlos Gardel đã làm cả nước Argentina cuồng loạn cho tới khi ông bị tử nạn máy bay vào năm 1935.
Tango thăng trầm với cuộc đời người dân và vận nước Argentina.
Khoảng thập niên 40- 50, không có một hộp đêm hay một câu lạc bộ thể thao nào, không có một phòng khiêu vũ ball room nào ở Buenos Aires mà không có mặt Tango, với những điệu nhạc cuồng nhiệt. Nhưng sau những năm tháng huy hoàng đó Tango bắtt đầu tàn lụi. Lác đác chỉ cỏn một vài milongueros nhẩy Tango ở vài hộp đêm hoang vắng. Giới trẻ Argentina ùa theo nhịp điệu Rock and Roll và Twist. Tango trong cơn hấp hối. Tango tưởng chừng như đã chìm dần vào quên lãng.
Nhưng gần sáu mươi năm sau Paris lại chính là nơi làm Tango sống dậy. Tháng 11 năm 1983, tại hí viện Châtelet, Paris, bên bờ sông Seine khai mạc một đêm âm nhạc mới Tango Argentino do hai nghệ sĩ Argentina là Claudio Segovia và Hectór Orezzoli tạo dựng và điều khiển đã thu hút quần chúng Paris và rồi Âu Châu, sau đó New York và cuối cùng cả thế giới. Tango lại cuồng nhiệt bừng sống dậy.
Tại New York, vũ sư Virulazo và người bạn nữ Elvira được tán thưởng, hoan nghênh nhiệt liệt.
Sau khi Tango Argentino thành công khắp thế giới, Tango trở về thành phố cũ quê nhà thì Tango bừng sống dậy hơn bao giờ hết. Tango trở thành một hiện tượng sống phi thường. Phẩm chất và tính chất của Tango đã được nâng cao thêm trong những thập niện qua. Bên cạnh không biết bao nhiêu những show biểu diển thật điệu nghệ mang tính chất nghệ thuật siêu tinh tế, Tango đi vào đời sống thường dân Buenos Aires. Bẩy ngày trong tuần, mỗi ngày từ xế trưa cho tới nửa khuya về sáng, khắp hang cùng ngõ hẻm Buenos Aires chuyển động theo nhịp bước Tango.
Có không biết bao nhiêu là thể loại Tango cho mọi tầng lớp xã hội: Tango cho người già, Tango cho giới trẻ bình dân, Tango êm dịu, Tango nóng cháy, Tango cho người cùng giới tính, Tango ngoài trời, Tango ở các câu lạc bộ tư vương giả…

http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9302.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9302.jpg)

Tango của người già trên vỉa hè tại khu phổ ổ chuột Caminito cũ ở La Boca, Buenos Aires, Argentina.
Vì thế Tango phản ánh mọi khía cạnh của tâm hồn của những người di cư, của dân nô lệ châu Phi và rồi của cả dân tộc Argentina. Tango là âm nhạc, là tiếng lòng, là ngôn từ thơ, một tập hợp của tất cả.
Thoạt khởi đầu những người di dân xa quê hương thường là phái nam độc thân bỏ xứ ra đi, tha phương cầu thực, mong kiếm được đủ tiền bạc rồi trở về Âu châu hay mang gia đình đến Argentina. Ở đất khách quê người thiếu đàn bà họ hay đến giải sầu nơi các quán rượu bình dân nên Tango lúc đầu thường là phái nam nhẩy với nhau.



http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9371.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9371.jpg)

(ảnh của tác giả).

Tango là nỗi nhớ quê hương vời vợi.Tango phản ánh cái tình cảm sâu đậm của sự chia ly và nhớ thương những người thân yêu và quê hương xứ sở đã lìa xa.

http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9400.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9400.jpg)

(ảnh của tác giả).
Tango là tuyệt vọng, khắc khoải, quằn quại.

http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9407.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9407.jpg)

(ảnh của tác giả).

Tango là đau khổ và khổ đau:

http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9402.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9402.jpg)

(ảnh của tác giả).

Tango là đam mê:


http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9387.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9387.jpg)
(ảnh của tác giả).
Tango là nhục tình cuồng loạn:

http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9410.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9410.jpg)

(ảnh của tác giả).

Tango là tình nồng đắm say:

http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9395.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_9395.jpg)

(ảnh của tác giả).

Tango là bay bổng thăng hoa:

http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_93881.jpg?w=384&h=288 (http://bacsinguyenxuanquang.files.wordpress.com/2010/04/img_93881.jpg)

(ảnh của tác giả).
……

Tất cả diễn tả trong điệu nhẩy và người nhẩy qua những bước lả lướt, những vòng quay cuồng loạn, những đường múa sắc bén chém gió ngọt như dao kiếm Nhật Bản, những cú đá móc như tia chớp xọet giữa hai chân làm giật thót… cả bụng dưới !…
Tango ngày nay khắp thế giới mê say, giới mộ điệu cuồng nhiệt ước mong được tới Buenos Aires như một tín đồ Hồi giáo mong ước được đặt chân tới Mecca.
Để chấm dứt xin nói tới một điều là Tango đã trở thành một ngạn ngữ:

IT TAKES 2 TO TANGO.
SE NECESITAN DOS PARA BAILAR TANGO.
“Cần phải có hai người mới nhẩy được Tango”.



Bài viết của BS Nguyễn Xuân Quang
http://bacsinguyenxuanquang.wordpress.com/category/du-l%e1%bb%8bch/tango-argentino/

TaTango
June 9th, 2010, 11:42 AM
Nicole và Derek tình tứ trong điệu Argentine Tango

http://www.vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/Van-hoa/2010/06/3BA1CB98/page_3.asp

Trong đêm 25/5 - đêm thứ nhì và cũng là đêm chót của mùa thứ 10, cả ba cặp thi cùng điệu nhảy Argentine Tango: cặp Erin - Maks được xếp hạng 3 với điểm 26/30 và bị loại ngay sau bài thi này, cặp Evan - Anna T hạng nhì với điểm 28/30 và cặp Nicole - Derek hạng nhất với điểm tuyệt đối 30/30 (xem clip (http://dancesport.vn/GL/Ban-doc-viet/Van-hoa/2010/06/3BA1CB98/page_3.asp)). Có một điều mới, được áp dụng lần đầu tiên kể từ mùa thứ nhất đến nay, là các giám khảo không được cho điểm đồng hạng.
http://www.vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/Van-hoa/2010/06/3BA1CB98/

Tuy Can
http://dancesport.vn/Files/Subject/3B/A1/CB/98/tango1.jpgNicole và Derek tình tứ trong điệu Argentine Tango. Ảnh: ABC.

TaTango
July 6th, 2010, 12:41 PM
Ly cafe Tango

Những gì chúng ta biết về Tango còn quá ít, Tango được đón nhận ở Việt Nam một cách nồng nhiệt bởi một nhóm nhỏ những người biết đến nó và họ vẫn là những người duy trì điệu nhẩy Tango được mấy năm nay, tuy nhiên có lẽ chúng ta mới chỉ chạm được tới bề mặt của Argentine Tango

Tôi là một người chơi Tango nhưng nếu mà nói là một người chơi Tango thực sự thì chưa, tôi chơi khá nhiều điệu nhẩy tôi tiếp cận với Tango đơn giản chỉ vì nó nằm trong mục tiêu mà “bộ sưu tập các điệu nhẩy” của tôi phải có. Ngay tại thời điểm đầu khi tôi bắt đầu học những bước nhẩy đầu tiên cảm giác của tôi là hơi thất vọng về kỹ thuật của Tango, nó quá đơn giản và sơ sài ngay cả kỹ thuật của những người nhẩy dậy Tango mà tôi từng thấy ở Việt Nam họ cũng không thể thuyết phục nổi tôi về kỹ thuật. Có lẽ đây không chỉ là cảm giác của riêng tôi mà còn là cảm giác của nhiều Dancers khác ở Việt Nam bao gồm Hà Nội và Sài Gòn đặc biệt những Dancers đã từng tập luyện Dancesport họ có xu hướng từ chối Tango ngay từ lúc đầu khi tiếp xúc với Tango.

Đối với âm nhạc của Tango thì lại càng là một thứ không dễ dàng gì, đối với tôi thì có lẽ tôi chỉ chấp nhận nghe vài bài của Piazzolla và Gotan Project còn lại đa phần không nằm trong list nghe nhạc thường xuyên của tôi. Nhiều người bạn trong cộng đồng Khiêu Vũ họ đón nhận âm nhạc Tango một cách hờ hững không khen, không chê, không ý kiến.. tôi hiểu họ đã không thích nhạc Tango ngay từ phút đầu.

Nhưng ly caffe đầu tiên trong cuộc đời tôi là thứ đồ uống tôi không muốn uống vậy mà giờ đây nó là thừ đồ uống tôi luôn muốn gọi khi đang ở một quán Cafe. Đơn giản là vì nó không phải là đồ uống ngon nhất mà tôi từng uống nhưng nó đậm và thấm vào trong con người đang uống nó.

Có lẽ tôi đã nhầm khi đánh giá về một điệu nhẩy, trong những thứ kỹ thuật đơn giản và “sơ sài” ấy con người ta dễ dàng bộc lộ sự tự do của cảm xúc hơn. Không có nhiều rằng buộc: tiêu chuẩn, luật lệ, Tango có những thứ đó nhưng người ta sẵn sàng phá bỏ nó bất kỳ lúc nào để cuối cùng giữa người nhẩy và âm nhạc không còn một dào cản nào nữa. Cuối cùng cái tôi cá nhân cái cảm xúc riêng sẽ phải xuất hiện trong điệu nhẩy, đối với bản thân tôi điều đó có nghĩa là tôi đã tìm thấy tôi, một thứ tôi rất thật và mộc mạc, một thứ tôi của chính tôi.

Argentine Tango xuất hiện khá nhiều trên Màn ảnh, đã số những lần xuất hiện Tango đều thể hiện thật tuyệt với và sâu sắc. Trong không khí của phim ảnh người ta mới thấy được sự thật về âm nhạc Tango, hóa ra âm nhạc Tango sâu lắng và quyến rũ hơn người ta tưởng nhưng điểu đó chỉ có thể cảm nhận được khi người ta đã ở trong một câu chuyện nào đó và cảm xúc hòa chung với cảm xúc của nhân vật. Tôi đã thấy những màn biểu diễn Tango trên sâu khấu, hình ảnh từ những kỹ thuật nhẩy của những vũ công chuyên nghiệp được thổi hồn Tango thật không thể mong gì hơn, nhưng nếu bạn đang xem một màn biểu diễn của một vũ công Argentine Tango thì bạn sẽ không phân biết nổi họ đang nhẩy cho khán giả hay nhẩy cho riêng họ, những gì họ thể hiện như đang kể một câu chuyện bằng vũ điệu, một câu chuyện rất riêng tư nhưng được kể một cách hồn nhiên và quấn hút không gian xung quanh. Họ diễn tả như thể chỉ có mình họ trên thế giới này.

Bài cảm nhận thật tuyệt vời của một người rất quen thuộc trong giới khiêu vũ tại Hà nội: Matadorvn
http://newdances.com.vn/story/argentine_tango/ly_cafe_tango/17/68/13/6/2010


Hãy để thời gian trả lời cho câu hỏi Tango là gì !!!
http://newdances.com.vn/story/argentine_tango/ly_cafe_tango/17/68/13/6/2010

TaTango
August 14th, 2010, 10:06 PM
Tại sao lại là tango???

Người viết: Ruby31
(Chú thích: một số đoạn dịch từ bài viết “Dancing in the moment” của Sharna Fabiano)

Khiêu vũ đem lại cho người ta nhiều niềm vui: thân thể được rèn luyện và tâm hồn được thăng hoa. Nếu như dancesport là vẻ đẹp chuẩn mực của khiêu vũ và được đưa lên hàng chuyên nghiệp thì salsa và tango argentina lại đặc biệt để dành cho những người chơi không chuyên.

Tại sao salsa và tango argentine lại đặc biệt để dành cho những người chơi không chuyên? Câu trả lời là vì nó có một đặc điểm chung: Người chơi không bị gò bó vào các kỹ thuật nhất định mà có thể sáng tạo và đưa phong cách cá nhân của mình vào điệu nhảy. Thể hiện “cái tôi cá nhân” chẳng phải chính là niềm ưa thích và là mong muốn của người chơi trong tất cả các “cuộc chơi” hay sao?

Nếu như salsa mang vẻ đẹp của “một cô gái xinh đẹp, gợi cảm và căng tràn sức sống” thì tango lại là “nội tâm sâu sắc, dịu dàng nhưng cũng không kém phần mãnh liệt”. Một người mà không thể trở thành “một cô gái xinh đẹp, gợi cảm và căng tràn sức sống” như mình có lẽ thích hợp lựa chọn tango làm niềm đam mê cho một quỹ thời gian hạn hẹp. Không hiểu tại sao, mỗi lần nghe nhạc tango, mỗi lần nhảy tango, mình lại như chìm vào một cảm giác rất lạ. Không gian đỏ đen với những ánh nến lẻ loi luôn làm cho mình ngạt thở, linh hồn dường như rời khỏi thể xác và phiêu du trong một thế giới khác.

Mình đã đọc rất nhiều bài viết của những người chơi tango khác với mong muốn lý giải được “cảm giác khác lạ mà mình có trong tango” và đã đúc rút được một số điểm hấp dẫn đặc trưng của tango như sau:

Nhạc của tango: Nếu bạn đã từng nhảy tango hoặc đã từng nhìn thấy người khác nhảy tango, bạn sẽ thấy được khoảnh khắc này: “Tựa vào nhau, nhắm mắt lại và thả cho tâm hồn chìm sâu vào những giai điệu đầy cảm xúc của tango”. Vào thời điểm đó, nhạc tango đang ngấm vào máu, chảy vào tim của những người chơi tango đấy. Mỗi một bản nhạc tango đều chứa đựng tất các cung bậc của cảm xúc “hỷ, nộ, ái, ố” – nó làm cho người nhảy có cảm giác được nếm trải tất cả các gia vị của cuộc sống. Và làm cho người ta liên tưởng đến một niềm mong ước mà hầu như người nào cũng có “được nắm tay một ai đó mà đi qua tất cả các thăng trầm của cuộc đời”.


Khả năng biến hoá sáng tạo: Trong tango chỉ có 3 yếu tố căn bản bất biến: đi bộ, dẫn và theo. Trong mỗi bài nhạc, tuỳ theo giai điệu, tâm trạng và bạn nhảy mà chân nam sẽ sáng tạo ra những bước nhảy của riêng mình để dẫn chân nữ cho tới khi bài hát kết thúc.Mỗi lần thay đổi bạn nhảy là mỗi lần người nhảy có một cảm nhận khác về điệu nhảy, điều đó tạo ra sự thú vị, ngạc nhiên và thách thức cho điệu nhảy. Liệu bạn nhảy mới sẽ bước đi những bước nhẹ nhàng hay mạnh mẽ. Những cái “ôm” sẽ là vòng tay dịu dàng hay siết chặt? Bởi vì sự sáng tạo trong từng khoảnh khắc giữa hai bạn nhảy, tango đòi hỏi người nhảy phải tập trung rất cao độ. Cũng giống như trong cuộc sống, không có người nhảy nào biết được chính xác bước tiếp theo sẽ như thế nào. Hai bước lùi không có nghĩa sẽ lùi tiếp bước thứ 3. Được ví như nhạc jar, đối với tango mỗi lần một cặp nhảy có thể nhảy khác nhau trên cùng một nền nhạc và cũng không có cặp nhảy tango nào nhìn ngoài giống nhau hay có chung một cảm giác giống với những cặp nhảy khác.
Khả năng thể hiện “một phong cách cá nhân độc đáo và duy nhất”: Chính vì những yếu tố chi phối một bài nhảy: khả năng sáng tạo, giai điệu, tâm trạng và bạn nhảy - đều là những yếu tố thuộc về con người - thuộc về bản thể của người nhảy nên một cách tự nhiên “cái tôi cá nhân” của người chơi tango được thể hiện rất rõ nét. Cộng đồng tango tại Hà nội hiện nay dù nhỏ nhưng cũng đã xuất hiện nhiều phong cách khác nhau: có người hoa mỹ quyến rũ, có người nồng nàn say đắm, có người chỉn chu mượt mà, có người nghịch ngợm vui vẻ.... mỗi người một cá tính riêng làm cho sân chơi tango thêm nhiều mầu sắc.

Ý nghia nhân sinh quan sâu sắc:

“Tango được ví như một ngôn ngữ không lời với tất cả các sắc thái, âm sắc địa phương, những ẩn ý thường đi kèm trong ngôn ngữ nói.Khi người nhảy trở nên nhạy cảm với các tín hiệu “dẫn” và “theo” của bạn nhảy, âm nhạc sẽ trở thành ngữ cảnh cho một cuộc chuyện trò riêng tư và thầm kín. Cuộc trò chuyện không lời bao hàm và thể hiện tất cả các sắc thái tình cảm mà con người đã từng trải nghiệm, từ hài hước đến giận dữ, từ hiếu kỳ đến châm biếm, từ đam mê đến sầu bi. Để nói được ngôn ngữ của tango, chúng ta cần phải tập trung cao độ vào các giác quan “nghe” và “cảm nhận” – chính điều này làm cho chúng ta có thể “hiểu” được bạn nhảy của mình qua từng “khoảnh khắc”. Ngôn ngữ đặc biệt này của tango khiến người ta phải ví chúng với nghệ thuật đàm phán, với yoga, với các quan hệ gia đình và thậm chí với nghệ thuật quản trị kinh doanh.

“Tango không dành cho những tâm hồn yếu đuối. Sự thống nhất giữa trí óc và cơ thể đóng một vai trò quan trọng trong tango, nhảy tango đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn, chấp nhận và hoà hợp cái tôi của bản thân mình và của người khác. Tango thể hiện cho chúng ta thấy cách mà chúng ta liên hệ với thế giới và với con người. Chúng ta càng hiểu nhiều về tango thì tango cũng chỉ cho chúng ta nhiều điều về bản thân chúng ta hơn.

Khi chúng ta học kỹ thuật “dẫn và theo” của tango, là cơ hội để chúng ta nhìn ra “sự lệch lạc trong giao tiếp” hơn là lỗi lầm, hiểu ra được ý nghĩa của ngôn ngữ không lời hơn là đổ lỗi cho bạn nhảy đi sai bước. Khi bản thân chúng ta thư giãn, tập trung hay tồn tại một cách song song và đồng điệu với bạn nhảy của mình, chúng ta tìm ra cách giữ hoà hợp và cân bằng thì cùng lúc đó tango lại dạy cho chúng ta cái nhìn về cuộc sống.

Tango hấp dẫn chúng ta bằng những vũ điệu đẹp, sau đó lại hướng chúng ta đến khao khát được thể hiện những cái tôi bản thể. Từ Tây Ban Nha tương ứng với từ “dẫn và theo” nếu dịch chính xác sẽ có ý nghĩa “thể hiện, khẳng định phong cách” và “tiếp nhận và phản xạ”. Đó là một quá trình mà chúng ta có được khi học tango, cũng là thứ mà chúng ta có thể sử dụng trong cuộc sống. Bản năng sáng tạo và dẫn dắt trong mỗi chúng ta luôn có khao khát được thể hiện và nó được tô vẽ đậm nét trong khi chúng ta thể hiện kỹ thuật dẫn trong tango. Nếu chúng ta là người “theo”, kỹ năng “theo” khi đó sẽ không tạo ra nhu cầu sáng tạo trong bản thể mà lại kích thích chúng ta phải tin tưởng, như khi người “theo” đặt niềm tin vào “người dẫn”, và điều đó nó thể hiện sự lựa chọn của một người trong cuộc sống, giống như khi ta đặt niềm tin vào một sự nghiệp, một chí hướng hay một tình yêu.”

http://www.argentinetango-club.com/Default.aspx?TabID=3&Oid=296&Nid=384

TaTango
August 14th, 2010, 10:22 PM
Một số hình ảnh của một buổi giảng dạy Tango.
Cực dễ thương

http://www.facebook.com/photo.php?pid=6146067&id=522369253#!/album.php?aid=237736&id=522369253&page=3

TaTango
August 31st, 2010, 01:37 PM
Ngôn ngữ cơ thể và những mật mã
http://www.tang-go.net/index.php?option=com_content&task=view&id=321&Itemid=102


Các milonguero và milonguera có một khả năng kỳ lạ đó là khả năng đọc ngôn ngữ cơ thể của những người khác. Khả năng này hình thành từ nhiều năm học tập và thực hành. Giao tiếp phi ngôn ngữ trong các milonga có rất nhiều hình thức. Bạn có thể tưởng tượng việc này giống như bạn đang ở trong một bữa tiệc nơi có một đội bóng đã chơi cùng nhau trong nhiều năm. Có vẻ như họ giao tiếp với nhau trong phòng chỉ bằng những ánh mắt, những cử chỉ tinh tế, hoặc những cử động khác mà bạn không thể hiểu được. Đây cũng là cách giao tiếp của các cặp vợ chồng. Một cái nhìn giữa người vợ và người chồng thường có thể thể hiện rằng một người muốn đi về, hoặc không thích cái gì đó.

Điều này cũng xảy ra ở các milonga. Những tín hiệu có thể được truyền tới hàng chục người hầu như là ngay lập tức, nhưng cần phải mất thời gian để nhận biết chúng. Ví dụ như có ai đó khiêu vũ không tốt lắm. Có thể họ dừng quá lâu, hoặc lùi mà không nhìn phía sau, hoặc dẫm vào chân của bạn nhảy. Người khiêu vũ phía sau thường là có thể xử lí được tình huống. Nhưng nếu anh ta không chịu nổi vấn đề, anh ta có thể liếc nhìn một người bạn ngồi cạnh đó và mở to mắt, hoặc ngước mắt lên. Những tín hiệu chỉ dùng bằng mắt, chỉ trong vài giây, nhưng thông điệp thì rất rõ ràng. Những tín hiệu này sẽ được nhiều người tiếp nhận, và nếu như vấn đề khó chịu này xảy ra chỉ vài lần, một thông điệp phản đối được truyền đi và phát huy tác dụng trong thời gian ngắn.

Hình thức rõ ràng nhất của giao tiếp phi ngôn ngữ là lời chào hỏi. Chào hỏi mọi người khi bạn mới đến là một nét văn hóa và lời chào phụ thuộc vào từng tình huống thực tế và mối quan hệ giữa mọi người. Lời chào phổ thông nhất đối với một người bạn là một cái ôm chặt và một nụ hôn vào má. Bạn rất thường gặp cảnh ai đó khi mới đến, họ đi qua bàn của mọi người và cúi xuống hôn chào những người bạn (tuy nhiên họ không làm điều này khi ra về). Nếu có quá đông người, bạn không thể ôm và hôn tất cả mọi người, vì vậy có cách khác để làm điều này. Những người khiêu vũ cũng thường giao tiếp bằng ánh mắt với những người bạn của mình, và cười, gật đầu, hoặc có thể là một nụ hôn gió… một hành động không hẳn là phải có hàm ý khêu gợi.

Ở các milonga, âm nhạc và sàn nhảy là bất khả xâm phạm. Nhưng tôi học được từ Alej và các milonguero rằng, tùy thuộc vào việc bạn là ai, và tình hình huống cụ thể, qui tắc có thể bị thay đổi. Một ngoại lệ dễ thấy là lời chào hỏi của những người bạn thân lâu ngày không gặp nhau. Đôi khi những milonguero cũng ùa lên sàn nhảy để chào hỏi bạn bè bằng những cái ôm và nụ hôn. Đôi khi điều này làm gián đoạn việc khiêu vũ của người khác. Chúng tôi không đến El Beso nhiều nữa vì ở đó quá nhiều khói thuốc, nhưng có lần khoảng một năm trước đây, chúng tôi đã đến đó chơi (tôi nhớ là mình đến đây để quay phim ai đó). Vì lí do nào đó, tôi đã ăn mặc rất bảnh bao và nhìn rất lịch lãm trong bộ vet mới. Chiche, một trong những milonguero, luôn luôn nhảy bổ lên sàn và vồ lấy chúng tôi khi chúng tôi đang khiêu vũ. Anh ta khoanh tay và chỉ về phía mình và nói gì đó… nhưng tôi không hiểu. Alej cố gắng đuổi anh ta về nhưng anh ta luôn quay lại. Tôi có thể thấy Raul Poli và Buglione, và các milonguero khác ngồi trong bàn đang cười. Sau điệu nhảy, tôi hỏi Alej xem chuyện gì đang xảy ra. Cô ấy nói: “Ô, em không để ý đến họ. Họ đã không nhìn thấy chúng ta ở đây vào buổi tối trước đây, và họ chưa bao giờ thấy anh mặc đồ vet – vì vậy họ nói trông anh giống như bác sĩ. Họ nghĩ nó giống như một câu chuyện hài hước khi Chiche cứ nhảy bổ ra sàn và giả như anh ta cần trợ giúp của bác sĩ”.


Ismael và Alej ở Consagrados

http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos14/image003.jpgThường thì tôi không nói về việc khiêu vũ của mình ở đây, nhưng đó quả là một câu chuyện thú vị. Người ta thường nói không có gì thực sự mới trong tango, nhưng hình như tôi đã làm điều khác biệt với bước giro phải. Điều này không đặc biệt tốt, nó chỉ là một cách bước. Chỉ có đôi chút lạ lẫm. Tôi không bao giờ để ý đến nó hoặc nói chuyện về nó và tôi chắc rằng Alej cũng không nhận ra nó. Nhưng một ngày nọ, Alej bỗng dưng hỏi: “Làm cách nào anh có thể thực hiện một động tác quay phải?”. Tôi nói: “Em đang nói về cái gì vậy?”. Cô nói: “À, Quique vừa nói với em là các milonguero phát hiện anh nhảy bước giro theo cách mới, và hàng tháng nay họ đang cố phân tích nó. Anh ta nói với em rằng anh ấy nghĩ có một điều rất tuyệt vời ở tango là đôi khi có người có khả năng làm được điều gì đó mà những người khác không làm được. Anh ấy nghĩ điều này đang xảy ra ở đây”. Tôi rất ngạc nhiên vì họ có thể nhận ra một việc nhỏ như vậy. Chuyện này xảy ra ở Celia’s và khoảng một tháng sau đó ở Region Leonesa. Đây là một milonga truyền thống với cái tên Los Consagrados, do El Gordo Enrique và Ismael El Jalil quản lý. Lúc đó chúng tôi đang khiêu vũ và tôi chợt nhận ra mọi người dường như đang nhìn ngắm chúng tôi nhảy và cười… điều có thể làm tôi buồn. Tôi thực hiện một động tác quay và tôi nhận ra có vài người chỉ theo chân tôi. Đó là Ismael, và anh ta cúi gập người như quì hẳn xuống cố tiếp cận thật gần chúng tôi để phân tích động tác quay của tôi. Chúng tôi đang ở giữa một milonga rất đông và tôi đã rất sốc đến nỗi phải dừng lại. Anh ta đứng lên, cười và vỗ vai tôi. Sau đó, tôi nói với Alej rằng có thể tôi nên nói với các milonguero nếu họ muốn học cách quay này của tôi, họ có thể phải trả tiền cho các bài học – nhưng cô gạt ngay ý kiến này.

Như vậy là tất cả mọi người ở các milonga đều nhìn thấy mọi việc. Cả những milonguero ở Celia’s và Los Consagrados đểu nhận thấy sự bất thường rất nhỏ trong bước giro của tôi. Và tôi còn được thấy một trong những milonguero được kính trọng tại Buenos Aires phải quì sát xuống sàn nhảy của milonga khi mọi người đang khiêu vũ chỉ để xem cho kĩ. Ở một cấp độ nào đó, milonga là một nơi rất nghiêm túc. Và ở một cấp độ khác, điều này lại không đúng. Rất nhiều những câu chuyện nực cười đã xảy ra ở những milonga nghiêm túc nhất – và tôi sẽ kể một câu chuyện như vậy. Nhưng trước tiên, tôi muốn tìm hiểu cách huyền thoại tango của thế kỷ trước đã khiêu vũ và chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu họ đã ảnh hưởng đến tinh thần của các milonguero ngày nay như thế nào.

TaTango
August 31st, 2010, 01:38 PM
Cháy hết mình

Người viết: Mai Siêu Phương
(dịch) 04/04/2008


“Trong milonga mọi người đều thấy mọi thứ”

Lần đầu tiên bước chân vào một milonga ở Buenos Aires, bạn sẽ không thấy gì đặc biệt cả. Bạn thấy vài cặp đang chơi Tango, một vài người ngồi bên bàn. Điều khác biệt duy nhất mà bạn có thể nhận thấy là nam và nữ ngồi tách biệt khi họ không nhảy, họ thường ngồi tại các góc đối diện nhau trong phòng. Các đôi thì thường ngồi tại một khu vực riêng biệt. Tất nhiên là ngoài những điều này thì còn có nhiều thứ khác đang diễn ra. Một hình thái xã hội phức tạp được trau chuốt gần 100 năm qua đang diễn ra. Trong đó mọi người đều tuân theo một số các qui tắc gọi là codigos (nghi thức tango). Mặc dù không được viết ra nhưng tất cả các milonguero và milonguera đều biết và tuân thủ. Thật mạo hiểm khi vi phạm.

Codigos giúp mọi việc trở nên nhịp nhàng hơn, nhất là trong một milonga đông đúc. Các milonguero và milonguera là những người đầy kiêu hãnh và tango là một thứ đầy quyến rũ. Luôn có một không gian đầy lãng mạn giữa nam và nữ và tất nhiên, một chút ganh đua giữa các cặp nhảy. Có tới 200, 300 người trong một căn phòng nên hiển nhiên là cần phải có các qui tắc để giảm thiểu việc va chạm.

Đó là cái thế giới mà 5 năm trước tôi đã lạc vào và bắt đầu say mê. Có rất nhiều điều để nói, mặc dù lúc đầu tôi còn vô cùng bỡ ngỡ và phạm phải các lỗi thông thường của người mới bắt đầu. Nhưng kể từ cái đêm đầu tiên ở El Beso, khi tôi vi phạm một nguyên tắc nổi tiếng trong tango, tôi đã bắt đầu học được nhiều hơn. Tôi đã tiến đến bàn dành cho các phụ nữ Achentina mà tôi không hề quen biết và mời một trong số họ ra nhảy. Đêm đó tôi đi cùng một người bạn là Malik và đến giờ tôi vẫn còn nhớ anh ấy đã cười và nói: “Denied, denied”, một thuật ngữ trong môn bóng rổ dành cho các cầu thủ có một cú ném bóng ngớ ngẩn. Kể từ sau lần xuất hiện đầu tiên đầy rủi ro ấy, tôi đã biết thêm nhiều. Tôi biết được rằng có những chuẩn mực bao phủ hầu như toàn bộ mọi thứ diễn ra trong một milonga và mặc dù tôi không biết tất cả các chuẩn mực đó, tôi cũng xin được bàn luận đôi chút ở đây để cho những người mới bắt đầu có thể dễ dàng tiếp cận tới các milonga ở Buenos Aires.


Mọi người đều thấy mọi thứ

Ở Buenos Aires có câu “Ở milonga, mọi người đều thấy mọi thứ”. Điều đó nghĩa là từ lúc bạn bước chân vào cửa đến lúc bạn đi ra, bạn đều bị để ý. Trang phục, bước đi, cử chỉ, nơi bạn ngồi - mọi thứ đều bị quan sát kĩ lưỡng. Tôi đã học được điều này với một giá tương đối. Một vài năm trước chúng tôi đến Afiche. Nó chỉ là một khách sạn nhỏ với một sàn nhảy bé con, nhưng rất nhiều các milonguero tầm cỡ trong Buenos Aires đã tới đây để ăn uống và nhảy. Có một đêm Alejandra, tôi và một phụ nữ Mỹ đến. Chúng tôi rất mệt mỏi nên chỉ muốn được ăn chút gì đó và nghe một người bạn hát một bài tango. Nhưng người phụ nữ Mỹ rất muốn được nhảy. Cô ấy có vẻ không có nhiều kinh nghiệm và tôi thực sự không muốn nhảy cùng cô ta. Nhưng rõ ràng là các milonguero không có ý định mời cô ấy và có vẻ như cô sẽ phải ngồi cả đêm. Vì vậy cuối cùng tôi cũng quyết định mời cô nhảy. Đó là bài cuối cùng của một tanda và sàn đã chật cứng. Chúng tôi bước ra giữa sàn và bắt đầu, nhưng tôi thực sự cảm thấy không thích. Vì thế chúng tôi lại ngồi xuống và tôi cảm thấy rất hài lòng vì đã thực hiện nhiệm vụ của mình. Một vài phút sau, một milonguero bước tới và đề nghị tôi ra ngoài. Tôi không biết anh ta muốn gì nhưng vẫn đi theo. Chúng tôi đứng một vài phút rồi anh ta bắt đầu: “Tôi đã thấy anh nhảy”. Tôi nghĩ có lẽ anh ta sẽ nói rằng tôi thật tử tế đã nhảy với một khách du lịch. Nhưng không. Anh ta nói: “Anh có thể làm tốt hơn thế. Anh không thể ra trước mặt mọi người và nhảy như vậy. Khi anh nhảy tango anh phải hết mình. Bắt đúng nhạc, và nhảy hết mình”. Anh ta như đấm vào mặt tôi khi nói ra những điều này. “Và nếu anh không thể làm được thế thì đừng nhảy”. Nói rồi anh ta đi vào.

Tôi đứng lặng và mặt nóng bừng. Tôi không biết tôi đã chờ đợi điều gì. Một lát sau, tôi quay vào và ngồi xuống nhưng không nói gì với Alej. Đến hôm sau tôi mới kể cho Alej nghe chuyện gì đã xảy ra. Cô ấy nghĩ một lát rồi nói: “Ông ta nói đúng đấy. Những người đó đã thấy những gì anh làm. Sàn rất đông người và anh đứng ở giữa nhưng họ vẫn thấy hết”. Alej nói thêm “Những milonguero không phải lúc nào cũng nhảy. Họ đợi, và họ chỉ nhảy khi họ cảm nhận được âm nhạc. Họ sẽ không bao giờ nhảy với người mà họ không muốn. Nhưng khi họ đã nhảy thì thực sự hết mình. Và họ sẽ không tôn trọng anh nếu anh không như vậy”.

http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos13/title_page1.jpg


Cháy hết mình. Đúng là một phong cách Achentina! Tôi nhớ một người bạn tôi đã kể về bước tiến bộ đột ngột của anh ta khi trượt tuyết. Anh kể một lần, trong khi đang trượt thì anh nổi giận với chính mình và quay trở về phòng, nhìn vào gương và nói: “Hoặc là phải tận dụng từng phút trong khi trượt, hoặc về nhà và vứt đồ nghề vào một xó”. Sau lần đó anh trở thành một tay trượt tuyết rất cừ. Tôi cũng nhìn vào gương và làm y hệt như vậy. Tôi quyết định sẽ quan sát tất cả các milonguero và tôi sẽ có thể học chơi tango thực sự. Tôi bắt đầu chuẩn bị cho các milonga như là một cuộc thi đấu thể thao. Tôi đạp xe để thư giãn, dành thời gian chuẩn bị trước khi ra khỏi nhà, ăn mặc chỉnh tề hơn, giầy được đánh bóng, tóc gọn gàng, mặc áo khoác và đeo cà vạt. Trong milonga, họ thực sự thấy được mọi thứ bạn làm.



Đừng quá phô diễn
Một trong những điều lăng mạ nhất khi nói với một người trong một milonga là họ đang muốn “khơi gợi sự chú ý”. Ngay cả những người giỏi nhất cũng thể hiện thái độ khiêm tốn trong milonga. Nhảy đẹp là một điều đáng ngưỡng mộ nhưng milonga không phải nơi để phô diễn. Bạn sẽ bị để ý nếu nói to hay chỉ đi lại một cách đáng chú ý. Thật không may là những người khách nước ngoài lại hay hành động như vậy và ngày càng nhiều lời phàn nàn về cách cư xử của khách du lịch tại các milonga. Cần nhớ rằng ở đấy mọi người đều di chuyển một cách hợp lí và họ đang nhảy tango theo cách mà hầu hết những người ngoại quốc đều phải mất nhiều năm kinh nghiệm ở Buenos Aires mới có thể thấy được.

Ở đây chúng ta có vẻ như đang vẽ một bức tranh ảm đạm: một căn phòng với những người đàn ông và những người phụ nữ nghiêm túc, họ phán xét về một điệu nhảy và các luật lệ mà chỉ có họ mới có thể chơi và hiểu nổi. Đó là một sự thật về tango. Nhưng đó chỉ là một trong số rất nhiều thứ phức tạp. Một sự thật khác là tango đem lại nhiều và rất nhiều thú vị. Nếu không thì hàng nghìn người đã không phải hàng đêm bó mình trong các milonga để thưởng thức nó. Ở trên tôi có nói về việc vi phạm các qui tắc. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra nếu bạn phá vỡ các qui tắc? Về cơ bản thì… chẳng có gì xảy ra, nhưng cái đó còn tùy.


Một trong những điều then chốt để hiểu hơn về tango là ngôn ngữ, và đây là một bất lợi đối với người ngoại quốc. Tại milonga, thật không đơn giản để hiểu người ta nói cái gì, cũng không thể hiểu được bản nhạc, mà cái này lại cực kỳ quan trọng. (Chúng ta sẽ nói tới vấn đề này sau, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất đối với một người nhảy tango là hiểu được lời của bản nhạc). Ngôn ngữ là một cửa sổ nhỏ qua đó người ta có thể hiểu nhau.

Một ví dụ khi ai đó nói: “llamar la atención”, họ đang nói về một điều gì đó rất đặc biệt. Họ không nói về các di chuyển vật lý, cũng không đánh giá về đặc điểm của một người. Họ đơn giản chỉ nói rằng ai đó đang ở trong một milonga mà lại không hiểu gì về tango. Đó là một vi phạm nhỏ và có thể sẽ có một trừng phạt nhỏ mà thôi.


Vậy việc trừng phạt sẽ thế nào? Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là bị yêu cầu rời khỏi milonga. Hoặc có thể họ sẽ thấy bị chặn lại khi họ muốn nhảy. Nhưng điều này hiếm khi xảy ra. Có một cụm từ mà bạn sẽ thường xuyên được nghe hơn: “El no existe”. Nó có nghĩa là ai đó không tồn tại, nó đề cập tới một một người vắng mặt. May mắn hay không, phụ thuộc vào việc người này là ai. Đối với những người mới hoặc khách du lịch, điều này là may mắn. Nó có nghĩa là bạn không hiện hữu nhưng bạn có thể làm tốt hơn. Các milonguero và milonguera sẽ lịch sự và thân thiện với bạn nhưng bạn sẽ không tồn tại trong thế giới của họ. Nếu câu này được dành cho một người quen thuộc trong các milonga thì điều này sẽ trở nên tồi tệ. Bạn sẽ không tồn tại theo nghĩa cabeceo. Đơn giản là nếu muốn nhảy, họ sẽ xem như không trông thấy bạn. Và tồi tệ hơn nữa là bạn sẽ không được đón chào. Bạn không tồn tại. Bạn không tồn tại trong cabeceo, không được đón chào tại các bàn khác và không bao giờ được mời đến đâu cả. Điều này thực sự tồi tệ. Tuy hiếm khi nhưng nó vẫn xảy ra.


Nhảy thật tốt


Cần rất nhiều yếu tố để có thể nhảy tốt, trong đó 3 yếu tố quan trọng nhất là: đứng vững, bước chuẩn và nhảy tốt nhạc. Còn một yếu tố thứ tư vẫn thường được gọi là: định hướng sàn. Đó là khả năng di chuyển một cách nhịp nhàng quanh sàn mà không làm ảnh hưởng tới các cặp nhảy khác. Thật khó chịu nếu cặp nào đó duỗi dài chân khi nhảy và chiếm lấy một phần diện tích không nhỏ trên sàn. Thứ hai là dừng lại để tô điểm các bước nhảy. Cả hai điều này đều làm cản trở dòng người di chuyển trên sàn. Các công cụ cần thiết định hướng tốt là bám sát các kĩ thuật cơ bản của nhảy tango tập thể. Tóm lại, nếu bạn nhảy tango đúng, bạn sẽ định hướng tốt và ngược lại.


Các cặp nhảy đẹp nhảy gần nhau, qua cách họ di chuyển quanh nhau cũng tạo được một cách biểu hiện âm nhạc. Đây là lí do khiến các milonguero giỏi thường tìm đến với nhau. Nhảy gần các cặp nhảy đẹp cũng giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm tương tự như khi có một bạn nhảy tốt vậy. Chính vì thế mà chúng ta nên tận dụng mọi cơ hội có thể để quan sát các cặp nhảy xung quanh những cặp nhảy đẹp trong một milonga. Điều này thực sự khác biệt so với việc nhảy trên một sân khấu hay một studio.

TaTango
September 21st, 2010, 01:22 PM
Người dịch: trungkien0324, (dành cho các tangueros sau khi đã dịch trước bản Đến với phong cách Milonguero cho tangueras, để họ thấy rằng chúng ta yêu họ bằng sự che chở chứ không phải là sự cung phụng, hehe :P
Bài viết này quả thực quá khó dịch, mong mọi người thông cảm nếu thấy văn phong lủng củng, và nếu có thể thì xin đọc bản gốc tại: http://www.totango.net/whytango.html (http://www.totango.net/whytango.html))



Họ đứng đấy, mặt đối mặt, cùng tìm hơi thở ẩn sâu trong làn điệu bandoneon vừa vang lên từ tĩnh lặng… Anh bắt đầu chuyển động. Cô cảm nhận phương hướng và nhịp điệu từ cơ thể của anh. Họ bắt đầu tìm nhau trong chính bản thân mình. Anh tìm đồng thuận để từ đấy đưa cả hai vào thăng bằng. Nếu không có đồng thuận và thăng bằng, ở đấy không có tango.

Anh dẫn cô vào bước walk. Họ đã cùng ở đây. Và như thế, giai điệu bắt đầu, giai điệu của bản-tình-ca-ba-phút. Anh hoàn toàn có thể không hề hay biết hay thậm chí không muốn biết cô là ai. Với mỗi một người là với những riêng khác. Anh tìm thấy bản thân mình thông qua sự đồng điệu vừa thiết lập. Thông qua tango.

Hoàn toàn tan biến..
Tan biến.. buông lơi..

Anh muốn biết về dáng thân, về cách di chuyển – chứ không chỉ là thực hiện các bước. Biết cách trở nên thanh lịch và chính chắn, sẵn sàng với bạn nhảy của mình.

Đấy chính là câu trả lời cho câu hỏi: Ta là ai? Ta muốn trở thành ai? Chiếc mặt nạ ta đang mang như thế nào? Có vẻ như trên khuôn mặt của anh chẳng có xúc cảm gì ngoài sự tập trung, thế nhưng, ẩn sâu trong từng hơi thở.. là trái tim anh đang đập.. từng nhịp.. từng nhịp..

Người dẫn luôn phải quyết định cách di chuyển của họ (đấy chính là lead – dẫn). Họ sử dụng dáng vẻ (của cả cơ thể và suy nghĩ), bàn tay, cùng cả phương hướng để nói với người theo cần phải làm gì, hay đúng hơn là đề nghị họ làm gì. Bước chân của người theo chính là câu chuyện mà cả hai cùng đang kể. Đừng nhìn vào khuôn mặt họ - chỉ-là-chiếc-mặt-nạ. Mọi thứ ẩn sâu dưới đấy.

Giai điệu bỗng chậm lại, anh dừng cô, đu đưa.. thời gian như ngừng lại… Cô chờ anh.. Giai điệu vẫn đâu đây…

Bỗng dưng giai điệu trỗi lên mạnh mẽ. Họ lại tiếp tục di chuyển với một sự phấn khích tưởng như chưa bao giờ thấy – cho dù đó vẫn chỉ là những bước chân giản đơn có thể gặp ở bất kỳ lớp học nào. Cái khoảnh khắc của chúng ta, tại đây, ngay bây giờ và không bao giờ lặp lại. Đấy giản đơn chính là khoảnh khắc của vũ trụ. Đầy năng lượng. Một chút mong manh và run rẩy. Tận đáy sâu tâm hồn…

Những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực... Những nỗi buồn chẳng bao giờ vượt qua… Những niềm vui chẳng thể nào tìm thấy… Chúng ta, những kẻ lạc bước không nhà.. Và chúng ta tìm thấy ở Tango, cùng Tango, một niềm an ủi…

Những buổi milonga – nơi mọi người cùng nhau đến để sẻ chia tango – luôn ngập tràn mê đắm. Mọi người từ khắp mọi nơi, mọi lứa tuổi cùng di chuyển ngược chiều kim đồng hồ quanh căn phòng như cùng hòa nên bản giao hưởng Tango vĩ đại với những âm thanh tuyệt mĩ. Những cơ thể kết nối và di chuyển bỏ lại phía những nghi ngờ, để luôn tin rằng ở đây, lúc này, vẫn vẹn nguyên là những tâm hồn chẳng bao giờ ngừng yêu thương và khát vọng. Những chuyển động của những giai điệu trong bản hòa ca để từ đó ta biết rằng tại sao ta lại yêu và say Tango đến thế…

Chan-chan! Bản nhạc vừa kết thúc, giai điệu vừa dừng lại với một sự đột ngột như chưa từng cất lên. Ba phút ấy tựa như một đời sống với những hân hoan, say đắm, niềm vui, tiếc nuối và cả những niềm an ủi. Chúng ta như vừa trở về từ một thế giới khác, thế giới của những-sẻ-chia-không-lời, của-cho-mà-không-đợi-nhận-lại, của-những-xúc-cảm-từ-đáy-sâu-ta mà không cần phải thể hiện hay chỉ tìm thấy trong cô độc…

Tango còn ẩn trong nó rất nhiều điều để khám phá và nói đến, nhưng chỉ với những ai sẵn lòng dành thời gian và công sức để tìm ra nó. Tango giao tiếp (là tango chơi trong những milonga, không phải để trình diễn – ND) thực ra không quá khó như ta tưởng, và bất cứ ai cũng có thể học được cho dù ở những mức độ khác nhau. Ta cũng sẽ chẳng bao giờ có thể biết được tất cả các bước, cũng như ta chẳng bao giờ có thể biết được mọi điều trong cuộc sống. Tango cũng là một trong những ẩn dụ tuyệt vời về một đời sống khác mà ở nơi đấy, ta chẳng bao giờ cô độc. Hơn thế nữa, cách bạn Tango cũng là cách bạn nói lên chính bản thân mình, và vì vậy, càng tango với nhiều người, bạn càng hiêu thêm được bản thân mình cũng như hiểu thêm về người khác. Và Tango còn tuyệt vời vì đó là cách sẻ chia mà chẳng cần đến ngôn từ.

Hiện nay Tango đang tìm lại đỉnh cao của mình. Ở mọi nơi trên toàn thế giới, mọi người vẫn đang say sưa khám phá những bí ẩn thẳm sâu, những nỗi buồn ngọt dịu, những hân hoan say đắm cùng như những niềm cảm thông chia sẻ. Họ vẫn đang tango, trong một thế giới đầy âu lo, …
… …
… bằng cả trái tim mình.

Keith Elshaw.

TaTango
September 24th, 2010, 01:58 PM
Ngả thân trong Tango Argentina
http://www.tang-go.net/index.php?option=com_content&task=view&id=307&Itemid=102




Ở bất cứ nơi đâu, cho dù bạn đang lái xe trên một con phố đông đúc ở Beunos Aires, hay trên một đại lộ cao tốc ở Los Angeles, đối mặt với giao thông đòi hỏi bạn phải có khả năng dừng, tiến, bẻ lái, rồi lại tiến. Nhảy tango, trong những môi trường chật chội, cũng yêu cầu bạn phải có những chiến thuật tương tự. Thực chất, tango còn phức tạp hơn thế bởi vốn dĩ nó được sinh ra và phát triển trong môi trường chật hẹp này. Đám đông chính là bản chất của tango. Các cách di chuyển, bước đi và vận động theo tiếng nhạc, sự liên kết giữa hai bạn nhảy đều được hình thành trực tiếp từ môi trường chật hẹp của các sàn nhảy tango. Chúng đã trở thành một phần của tango, hay nói một cách chính xác hơn, chúng chính là tango. Những môi trường này định hình nên cái mà chúng ta gọi là tango.

Ngày nay, tango có thể được định nghĩa bằng vài cách. Bạn có thể nói tango được tạo nên bởi một phần kĩ thuật, một phần cảm xúc. Hay bạn cũng có thể nói nhảy tango là cách biểu đạt sự trầm bổng của âm nhạc qua bước chân, và giai điệu âm nhạc qua vận động cơ thể. Hay tango đẹp cũng có thể được cho là sự kết hợp giữa “bien parado” và “en el compas” (hai thuật ngữ này sẽ được bàn đến ở phần sau). Cách định nghĩa nào cũng đúng. Tuy nhiên, hãy cùng nhau xem xét tango theo một cách khác. Giả sử bạn hoàn toàn không biết gì về tango, khi đó bạn có thể quan sát sàn nhảy tango một lúc rồi rút ra kết luận: Ồ, hóa ra tango thực chất chỉ gồm hai thứ. Người ta bước một chút, sau đó dừng lại, di chuyển xung quanh tại chỗ một chút, rồi lại bước tiếp. Thực chất, tất cả những gì đang diễn ra ở đó là nhảy tango. Để có thể nhảy tango, bạn phải có khả năng di chuyển tốt tại một điểm (xoay, chuyển trọng tâm, di chuyển chân), sau đó tiến dần đến chỗ khác một cách nhẹ nhàng, thanh lịch. Nếu bạn có thể lặp đi lặp lại chu trình này mà không va vào các cặp nhảy khác, và đương nhiên, vẫn theo đúng nhạc, bạn sẽ là một vũ công tango cừ khôi.


Cách “nhảy và di chuyển” của tango được hình thành trực tiếp từ thực tế đó là điệu nhảy theo tiếng nhạc của các dàn nhạc lớn ở những sàn nhảy chật chội. Điều này đã ảnh hưởng đến bản chất của tango – dáng đứng, cách ôm và bước chân. Điều này thật khó giải thích nếu không có video minh họa, nhưng chúng ta cũng vẫn thử xem sao. Đứng tại chỗ và xoay vòng quanh nhẹ nhàng một đến hai lần. Bạn sẽ cần đứng thẳng và rất cân bằng. Sau khi xoay một đến hai vòng thì bước một bước dài để di chuyển lên trước. Để làm được việc này đúng kỹ thuật, thì bạn phải di chuyển ngực trước, có nghĩa là đứng thẳng, sau đó nghiêng người về phía trước rồi bước dài. Trọng lượng cơ thể dồn ngay vào cái chân bước thẳng. Những bước tiến sau đó sẽ lại đưa cơ thể trở về tư thế đứng thẳng. Hãy quan sát những động tác trên qua một số bức tranh minh họa cặp nhảy Carlos Rodriguez, một vũ công tango tài ba mang phong cách cổ điển với Alej, trên sàn nhảy Lo de Celia.



http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image001.jpghttp://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image003.jpghttp://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image005.jpghttp://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image007.jpg


Carlos và Alejandra tại sàn nhảy Celia, đang minh họa các động tác nhảy, ngả thân và tiến. Trong mỗi bức tranh từ trái sang phải, bạn có thể thấy tư thế của Carlos đổ dần về phía trước khi ông tiến lên




Trong hai bức ảnh đầu, Carlos và Alej đang nhảy và xoay tại chỗ. Sau đó Carlos bắt đầu ngả người về phía trước, dẫn Alej di chuyển bằng ngực của mình, chuẩn bị tiến lên bằng một bước tiến dài (xem mũi tên). Những đường kẻ trong bức tranh cuối cùng cho ta thấy cặp nhảy dựa vào nhau nhiều hơn và khoảng cách giữa chân hai người cũng mở rộng hơn. Carlos nhảy với tư thế ngả về phía trước của các milonguero, nhưng tư thế này thay đổi tùy theo vũ công. Hầu hết đều duy trì sự kết nối với bạn nhảy ở phần ngực trong giai đoạn nhảy tại chỗ/hay là khâu xoay vòng tại chỗ. Duy trì một độ nghiêng vừa phải về phía trước giữa hai bạn nhảy sẽ mở một khoảng không gian cho chân di chuyển. Một vài người có tư thế thẳng khi nhảy tại chỗ, trong khi đó một vài người đôi lúc lại có tư thế tách biệt hoàn toàn với bạn nhảy (xem minh họa ở các bức tranh dưới đây). Tuy nhiên, tư thế ngả người về phía trước và dùng ngực để dẫn bạn nhảy bước đi là tư thế phổ biến ở hầu hết các vũ công tango cừ khôi.




http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image009.jpg
http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image011.jpg
http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image013.jpg
Trong loạt tranh này, bạn có thể ngắm nhìn những động tác mà Carlos và Alej đang thể hiện, không có sự minh họa của những đường kẻ hay mũi tên


Dưới đây là một số bức ảnh minh họa các cặp nhảy tango ở tư thế đứng thẳng hơn khi đang nhảy tại chỗ, sau đó ngả người về phía trước trong quá trình di chuyển.




http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image016.jpghttp://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image018.jpghttp://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image020.jpghttp://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image022.jpg

Osvaldo Buglione đứng tại chỗ, sau đó ngả người về phía trước và di chuyển





http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/23.jpghttp://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/24.jpg

Đôi khi sự nghiêng người được thể hiện tinh tế hơn. Hãy ngắm nhìn bức ảnh thứ hai, liệu bạn có thể nhận ra Alito đang ngả người về phía trước?





http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image028.jpg

http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image030.jpg




http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image032.jpg



Cuối cùng là loạt ảnh minh họa cặp nhảy Pinocho và Graciela. Họ là cặp nhảy rất sinh động và phá cách, thể hiện ở chỗ đôi khi hai người nhảy tách rời nhau ra khi thực hiện các động tác...






http://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image034.jpghttp://www.tang-go.net/images/stories/baiviet/tangoandchaos10/image036.jpg

...nhưng cuối cùng, Pinocho cũng nghiêng người về phía trước và dùng ngực đễ dẫn bạn nhảy di chuyển (loạt tranh này được chụp tại sàn nhảy Cacho, Avellaneda năm 2003. Hai năm sau đó, cặp nhảy này giành giải Concurso de tango tổ chức tại Buenos Aires)





Bước đầu tiên là bước rất quan trọng trong tango, trên sân khấu biểu diễn cũng như tại sàn nhảy. Những vũ công cao kều như Duplaa và El Chino là những bậc thầy tango. Họ thật sự nổi bật trước đám đông. Nhìn vào các bức ảnh, bạn có thể thấy họ lướt nhẹ về phía trước theo tiếng nhạc một cách thanh thoát như thế nào, cứ như thể khoảng trống trên sàn nhảy dần mở ra trước họ. Chính khiêu vũ tango trong những môi trường chật hẹp đã sáng tạo nên nét nghệ thuật cho bộ môn này.




Xin chia xẻ với các bạn (dáng thân) posture của Ta.tango tạo Petite note cafe

http://2.bp.blogspot.com/_I8Fjhu0i2MY/TDCNBIZHEeI/AAAAAAAAAI4/dZuq9kOk51E/s1600/Mil_May2010.jpg

TaTango
December 9th, 2010, 06:06 PM
Gotan Project khuynh đảo khuôn thước nhạc Tango

Trong tiếng Pháp, từ verlan có nghĩa là nói lái, đổi âm chữ l’envers. Một cách tương tự, Gotan là cách nói đảo ngược của chữ Tango. Dòng nhạc truyền thống Achentina đã tìm được một luồng sinh khí mới nhờ tài soạn nhạc của Astor Piazzola. Nối bước bậc thầy, ban nhạc Gotan Project khuynh đảo các khuôn thước, hầu đưa dòng nhạc tango vào một kỷ nguyên mới.






Ra đời cách đây 10 năm, nhóm Gotan Project khá nổi tiếng ở Pháp, gồm hai thành viên sáng lập là Philippe Cohen Solal (người Pháp, sinh năm 1962) và Christoph H.Müller (người Thụy Sĩ, sinh năm 1968). Cả hai quen biết nhau tại Paris và bắt đầu làm việc chung từ năm 1995. Xuất thân từ ngành điện ảnh, tác giả Solal chuyên viết nhạc phim, và từng hợp tác với các đạo diễn tên tuổi như Bertrand Tavernier và Lars Von Trier. Còn nhạc sĩ Müller thì thiên về hoà âm phối khí. Đôi bạn khá tâm đầu ý hợp trong lãnh vực thử nghiệm tìm tòi dòng nhạc điện tử, họ lập ra hãng đĩa Ya Basta, kết hợp âm thanh electro với nhịp điệu Brazil.
Vào năm 1999, cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ người Argentina Eduardo Makaroff (sinh năm 1955), cũng chuyên soạn nhạc phim, đánh dấu một sự chuyển hướng rõ rệt. Cả ba lao vào dự án Gotan Project, tận dụng nhạc khí điện tử để cách tân dòng nhạc tango. Không phải ngẫu nhiên mà bản ghi âm đầu tiên của nhóm này là bài Vuelvo al sur (Trở về miền Nam), một nhạc phẩm kinh điển để đời của tác giả Astor Piazzola (1921-1992), một cách để bày tỏ sự ngưỡng mộ của họ đối với bậc thầy, để tiếp tục con đường mà Piazzola đã khai phóng từ nửa thế kỷ về trước.

Bậc thầy Piazzola, cha đẻ dòng nhạc "Tango mới"
Sinh thời, Astor Piazzola được mệnh danh là cha đẻ của dòng nhạc Tango mới (Tango Nuevo). Ông sinh tại Buenos Aires, nhưng lại theo gia đình sang New York sinh sống từ thuở ấu thơ. Thời còn nhỏ, ông đã có nhiều năng khiếu về âm nhạc, học đàn phong cầm bandoneon từ năm lên 8. Đến khi trưởng thành, ông sang Paris tầm sư học đạo, tu nghiệp trong vòng 3 năm trong lãnh vực nhạc cổ điển. Vào thời đó, thầy của ông là nhạc sư Nadia Boulanger, người đã từng gầy dựng tên tuổi của nhiều nhạc sĩ đẳng cấp quốc tế như Quincy Jones, Leonard Bernstein hay Philip Glass. Trở về Achentina, Piazzolla sáng tạo ra thể loại Tango Nuevo, cộng hưởng lối biến tấu của jazz với cách phối hợp cung bậc của bộ đàn dây, giúp cho dòng nhạc Tango đạt đến một tầm vóc mới.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người mệnh danh Astor Piazzola là kẻ đập phá khuôn phép, khuấy đảo mực thước, vì ông cởi trói các ràng buộc của dòng nhạc truyền thống, lột bỏ hết tất cả những hình ảnh rập khuôn gắn liền với vũ điệu tango. Nhiều người cho rằng, cách sáng tác phóng khoáng, lối biến tấu tự do trong nhạc của Piazzola không còn là nhạc Tango nữa. Nhưng nói như vậy thì lại quên rằng, Piazzola tuy phá cách nhịp điệu nhưng vẫn giữ cái hồn của tango. Phải nghe Vuelvo al sur để hiểu được nỗi niềm của một kẻ tha hương, dạo khúc Balada para mi muerte là một lời trăng trối về thân phận con người, suốt đời thăng trầm, trọn kiếp nổi trôi.
Hầu hết các nghệ sĩ sau đó thuộc dòng nhạc Tango mới đều đi theo trường phái của Piazzolla. Từ nhạc sĩ Gerry Mulligan của Mỹ cho đến Richard Galliano của Pháp. Về phần mình, ban nhạc Gotan Project vay mượn rất nhiều từ bậc thầy, nhưng với ảnh hưởng của dòng nhạc điện tử. Nhóm này thành danh vào năm 2000 nhờ vào nguyên tác Santa Maria. Album đầu tay với tựa đề La Revancha del Tango, được cho ra mắt một năm sau đó và được bán hơn 2 triệu bản trên thế giới. Khi làng phim Hollywood chọn bài hát của nhóm làm nhạc nền cho bộ phim Shall We Dance, với cặp diễn viên Jennifer Lopez và Richard Gere trong vai chính, tên tuổi của Gotan Project thẳng đà chính phục các thị trường đĩa nhạc quốc tế.

Khuynh đảo tango bằng thử nghiệm tìm tòi
Tập nhạc La Revancha del Tango đã giúp cho Gotan Project đoạt hàng loạt giải thưởng các liên hoan quốc tế, chủ yếu là các festival chuyên về âm nhạc thế giới (world music), cho dù nhóm này gần hơn với thể loại nhạc điện tử của Pháp (French Touch). Tính đến nay, ban nhạc đã cho ra mắt ba album. Album thứ nhì là Lunático được phát hành vào tháng tư năm 2006. Còn album gần đây nhất, mang tựa đề Gotan 3.0 ra mắt đầu mùa hè năm nay.
Một mặt, ban nhạc mở rộng việc thử nghiệm âm thanh, ngoài tango còn kết hợp thêm milonga và chacarera với nhiều luồng nhạc như hip hop, blues jazz và pop rock. Mặt khác, mỗi thành viên trong nhóm đều có dự án solo, hợp tác với một số nghệ sĩ khác, khi thì đơn thuần sáng tác nhạc phim, lúc thì hoà âm lại cho các bài hát từng thành công trước đó, chẳng hạn như bài Libertango, sáng tác của Piazzola, nhưng ăn khách qua giọng ca của Grace Jones, hay nhạc phẩm Whatever Lola wants, một ca khúc nổi tiếng của Sarah Vaughan.
Tuy được khoác với nhiều lớp áo khác nhau, nhưng nhạc của Gotan Project trong nguyên cốt vẫn là nhạc Tango (mà nhóm này gọi là electrauthentica). Nhịp điệu có thể sôi động và nhanh hơn tango truyền thống, sử dụng nhiều âm thanh bộ gõ, như trống conga và bongo, thường ít được dùng trong tango cổ điển. Nhạc khí điện tử thường được dùng để lồng khớp, hoà quyện nhiều tầng lớp âm thanh để tạo ra một bầu không khí riêng biệt.
Ở đây, ta có thể nhận thấy là lối sáng tác của Gotan Project mang nhiều ảnh hưởng của nhạc phim, nhưng không phải là loại nhạc để minh họa một hình ảnh cụ thể, mà là nhạc để gợi lên một bối cảnh, rộng mở và trừu tượng hơn. Philippe Cohen Solal, một trong những thành viên sáng lập của nhóm công nhận là trước khi soạn ra một giai điệu, ban nhạc thoạt đầu liên tưởng đến một hình ảnh, chẳng hạn như một con ngựa hoang (trong album Lunático), và tiếng nhạc của họ sẽ tìm cách diễn đạt cái ý tưởng vó ngựa dồn dập phi bay giữa gió trời lồng lộng.

Gotan Project, khúc nhạc thôi miên
Ý tứ ban đầu là như vậy, nhưng liệu ban nhạc Gotan Project có thể nào diễn tả được hết để rồi truyền đạt đến đối tượng. Cho dù một số bài của nhóm này được đặt thêm lời hát, và như vậy người nghe dễ hiểu hơn nhờ ca từ, nhưng không phải bài nào của Gotan Project cũng thành công cả. Làm thế nào để đạt tới tầm diễn đạt của Richard Galliano trong bài Libertango, không một lời mà vẫn nói lên được nỗi ám ảnh của cái chết, bóng tối giữa đêm khuya không đáng sợ bằng những góc khuất của linh hồn. Làm thế nào để đạt tới tầm mức của bài Adios Nonino, mà Astor Piazzola đã viết ngay sau cái chết của thân phụ, tưởng nhớ người vừa khuất bằng cách gợi lại những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn giữa hai cha con.
Tựa như bàn tay phù thủy, tiếng đàn của Astor Piazzola trở nên thần sầu, từ điệu thứ trầm buồn da diết chia phôi, chuyển sang cung trưởng yêu đời đầm ấm yêu thương. Qua tiếng đàn, Astor Piazzola không khóc một người cha đã mất, mà lại mừng vì đã được sống gần gũi với một con người đáng quý. Làm thế nào để diễn đạt cho thấu bài Milonga triste của Sebastian Pina với những câu như :
Muôn vì sao vời vợi đêm trắng
Nỗi cô đơn bật khóc dây đàn
Tàn tiếng chuông nguyện hồn hoang vắng
Chìm khuất xa trăng khuyết vỡ tan
Với dòng nhạc tango mới, sỏi đá chai lỳ còn biết thổn thức rung động, huống chi là con tim người phàm. Astor Piazzola đã dẫn đường đi trước, nhưng chưa chắc gì đã để lại những viên đá làm dấu cho các thế hệ đi sau. Cũng từ đó mà nhiều người mãi mê nối bước bậc thầy, hầu tìm cho ra cái bí quyết sáng tác những điệu ru mê hồn, khúc nhạc thôi miên.

Matadorvn: Thời gian đầu khiêu vũ Argentine Tango nghe nhạc thì thật là sầu thảm và rối rắm, nghe giới thiệu đến Astor Piazzola thì phải nói là rất phê nhưng lại quá "nặng" đối với một trình độ âm nhạc còn hạn chế của thủa ban đầu , chưa kể trình độ nhẩy Tango lúc đầu còn thấp kém nên khi khiêu vũ với nhạc Piazzola không thể hiện được hết cảm xúc bài nhạc nên rất ức chế. Nhưng được tiếp xúc với Gotan Project thì không khí lại hoàn toàn khác, nhạc rất hợp thời và Art theo kiểu hiện đại: đơn giản nhưng sâu lắng và có nhiều lúc quận sóng bên trong, có thể nói Gotan Project là phần của Âm nhạc Argentine Tango đã đi khỏi phần "truyền thống" của và kết nối với "phần còn lại" của thế giới. Có lẽ tôi yêu Tango cũng một phần nhờ Gotan Project

Hơi buồn vì đã lâu không thấy Gotan Project không ra thêm album mới nào.

Nguồn: http://newdances.com.vn/story/argentine_tango/gotan_project_khuynh_dao_khuon_thuoc_nhac_tango/17/76/30/8/2010

Các bạn có thể download các album của Gotan Project tại đây
http://www.4shared.com/file/v-guPCfg/Gotan_-_La_Revancha_Del_Tango.html

TaTango
April 10th, 2011, 12:39 PM
Sự chủ động của chị em trong điệu nhảy


by Hanoi Milonga (http://www.facebook.com/pages/Hanoi-Milonga/141048199863) on Thursday, December 16, 2010 at 4:30pm



Lời người dịch: Tôi không thấy có vấn đề gì lắm khi tango với những nữ có phong cách rất khác nhau, bởi tôi luôn quan niệm rằng, tango – với đặc trưng tâm sự đối thoại thì sự thấu hiểu, quan tâm đóng vai trò quan trọng nhất để đi đến hòa hợp và thăng hoa trong bài nhảy. Tôi cũng luôn cố gắng hết mình trong việc hiểu phong cách người nhảy cùng, và, với vai trò truyền thống của người nam, tôi sẽ tìm cách để có thể theo họ một cách tốt nhất có thể (dẫn-bằng-theo). Và nhìn chung, tôi cũng thường đạt được những niềm vui trong tango với các nữ khác nhau…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng, tôi thực sự cảm thấy thoải mái và hứng thú hơn với những bạn nhảy chủ động, dù rằng đôi khi rất vất vả, nhất là với những nữ có phong cách quá khác biệt hoặc họ chưa có được sự điều chỉnh phù hợp (khi ấy, sự chủ động quá mức có thể dẫn đến phá vỡ kết nối, sự hòa hợp). Một cách rất thật lòng, tôi luôn đề cao sự chủ động, bình đẳng của cả nam và nữ trong bài nhảy, và tôi luôn chia sẻ điều ấy với các bạn tập cùng. Nam mở đầu câu chuyện, nữ sẽ là người kể câu chuyện ấy (và đôi khi dẫn dắt nó). Nam đưa ra tín hiệu, nữ lắng nghe, nhận tín hiệu ấy và chủ động thực hiện theo cách của mình. Nam lắng nghe, di chuyển theo nữ, và kết thúc. Cả hai cùng chủ động lắng nghe, chủ động thấu hiểu, và chủ động điều chỉnh và cùng nhau kể câu chuyện của hai người hòa quyện trong giai điệu…

Bài viết này viết về sự chủ động của chị em trong điệu nhảy, của một giáo viên tango, chị Melina Sedo. Các bạn có thể xem bản gốc tại blog của chị: http://melinas-two-cent.blogspot.com/ (http://melinas-two-cent.blogspot.com/)

--- ---

Chọn lựa – sự chủ động của chị em trong điệu nhảy

Đàn ông thì lead (dẫn), chị em thì follow (theo), định nghĩa này tồn tại trong Tango như một điều hiển nhiên trong suốt bao năm qua, và nó cũng có vẻ chẳng có gì phải phàn nàn ở đây cả. Ở Buenos Aires, các anh thì học với các Maestros hoặc sáng tạo ra các bước với các bạn nhảy của mình. Còn chị em thì chỉ đơn giản là đến milonga, và nhảy. Họ chẳng cần phải tham gia vào các lớp ngoài đôi chút luyện tập trên sàn. Ngay cả những chị em nổi tiếng nhất cũng vẫn công nhận rằng, họ không có một phong cách xác định, mà chỉ giản đơn là điều chỉnh theo phong cách của anh em. Vậy thôi.

Nhưng rồi, thập kỷ 70 “giải phóng phụ nữ” và thập kỷ 80 “đàn ông hiện đại” đến. Và tại những Tango shows, những người nhảy được đào tạo bài bản thay thế cho những người chỉ tìm hiểu đôi chút trên sàn. Kỷ nguyên của Tango Nuevo, với sự thay đổi vai trò, và phụ nữ trở thành những người sẽ “boleo khi người nam không dẫn thế”. Từ đây, người nữ đã trở nên chủ động trong điệu nhảy.

Tuy vậy, nếu bạn không muốn đi theo “bài” theo bạn nhảy mà muốn thể hiện cá tính của mình? Nếu bạn không muốn thay đổi vai trò trong điệu nhảy hay chuyển động khi không hề có tín hiệu/ gợi ý? Và điều gì sẽ xảy ra với sự chủ động trong sự đồng thuận truyền thống, nhất là khi nhảy close embrace?

Vẫn còn rất nhiều giáo viên Milonguero hoặc Salon hướng đến vai trò thụ động của người nữ: đợi người nam mời, đợi người nam lead, và đưa chị em trở về. Khi tôi “trưởng thành” hơn trong tango, tôi được dạy rằng luôn là lỗi của người dẫn nếu có trục trặc xảy ra. Sau đấy, tôi tự hỏi bản thân mình “tại sao mình lại cần phải đến lớp, phải quan tâm đến kỹ thuật follow khi các khóa học cũng như nội dung lại chỉ chú trọng đến nam?” Và tôi thấy rất nhiều giáo viên nữ cũng dành rất nhiều thời gian để nói về vai trò của người nam cũng như người nam sẽ là người chọn nhạc cho một bài trình diễn. “Anh ta mới là người phải quan tâm đến nhạc cảm, tôi thì chả cần đến nó”. “Nhưng, cô không muốn nhảy với nhạc sao?” – tôi hỏi. Đâu là những gì bạn vẫn nghe, đâu là sở thích, và đâu là nhu cầu của bạn? Bạn chỉ muốn “theo” thôi sao?

Với tôi, tất cả chỉ là những chọn lựa!

Chọn phong cách của mình.

Tôi biết, số lượng Tangueros luôn ít hơn Tangueras, và phụ nữ muốn đến các lớp học hay milongas với một phong cách định sẵn, chỉ bởi vì các bạn nhảy của họ muốn thế. Nhưng bạn hẳn sẽ biết rõ rằng đâu là kiểu Tango mà bạn muốn. Bạn muốn “boleo cao”, soltadas? Được thôi, hãy tìm một bạn nhảy có thể đồng ý với những chuyển động mạnh mẽ của bạn. Bạn muốn đắm chìm trong những bước walks cùng những embrace (vòng ôm) thanh lịch? Hãy tìm đến các milongas, hay các thầy giáo, đến những người quan tâm đến điều ấy.

Tuy vậy, hãy lưu ý: Điều đó hoàn toàn phụ thuộc ở bạn, thậm chí ở các milongas, để thể hiện bạn muốn nhảy như thế nào. Thể hiện nó bằng posture (dáng thân), embrace (kết nối), và cách di chuyển. Và bạn thậm chí có thể làm cho một anh chàng màu mè cùng nhảy với mình một cách đơn giản, với những liên kết tinh tế, nếu bạn có thể cho anh ta thấy embrace của bạn quyến rũ đến mức nào.

Trở thành một bạn nhảy chủ động

Rất nhiều chị em không bao giờ phản ứng về lợi ích của những tranh luận trong lớp học. Họ chỉ đứng đấy, và thực hiện những gì người nam chỉ ra. Rồi họ trở nên chán nản và mất hứng thú. Cũng có thể họ sẽ “giúp” người nam bằng cách thực hiện tất cả các chuyển động mà người nam muốn (chứ không phải lead đúng). Đó quả là điều tệ hại và thiếu tính xây dựng. Hãy nói cho bạn nhảy biết cảm giác của bạn về một chuyển động cũng như sự liên hệ của nó, để người nam có thể tìm ra những cách lead hợp lý hơn. Và nếu như bạn có ý tưởng về cách dẫn hợp lý, hãy chỉ cho anh ta. Hãy nói cho anh ta về mục đích của luyện tập khi anh ấy làm sai, chứ không phải cứ đợi thầy giáo. Đừng để mất thời gian.

Tôi không bao giờ ủng hộ sự phàn nàn, chỉ trích, nhất là theo kiểu ta-đây-biết-tất, nhưng một người nữ chủ động trong quá trình luyện tập là những người sẵn sàng và cởi mở để thông hiểu và tiến bộ. Tất nhiên sẵn sàng để đưa ra những đóng góp xây dựng cũng như sẵn sàng nhận điều ấy từ người khác. Cả hai đều phải chịu trách nhiệm cho những gì đang xảy ra, những sai lầm đang mắc phải.

Biết và chọn nhạc của mình

Người nhảy chủ động luôn cần phải biết âm nhạc cũng như những gì nó có thể mang đến. Các workshops về musicality không thể nào chỉ dành cho nam. Bởi vậy, hãy khám phá các khả năng, nhận biết âm nhạc, và hình thành một khẩu vị của riêng mình và – vì chúa – hãy chỉ nhảy với những bản nhạc mà mình yêu thích. Làm sao bạn có thể thể hiện khi bạn không thích bản nhạc? Và khi ấy, bạn chỉ thụ động theo nhạc. Nhận biết và yêu thích bản nhạc có thể làm nên những khoảnh khắc tuyệt vời, khi cả hai như là một, như thể không leader không follower. Chỉ là chuyển động cùng âm nhạc mà thôi.

Chọn bạn nhảy tại các milongas

Với phương pháp của Cabeceo/Mirada, cả nam và nữ đều chọn bạn nhảy của mình cho tanda kế tiếp, đừng ngại sử dụng nó. Bạn không cần phải nhảy với tất cả mọi người, chấp nhận mọi lời mời chỉ vì e rằng mình bất lịch sự. Một người nhảy chủ động sẽ chọn một bạn nhảy phù hợp cho một bản nhạc phù hợp. Nếu tôi muốn nhảy Di Salri, tôi sẽ chọn một người. Nếu muốn Rodriguez, tôi sẽ chọn người khác. Nếu người bạn nhảy Di Salri mời tôi một bản Rodriguez, tôi sẽ có thể từ chối (một cách lịch sự) vì tôi biết anh ấy không nhảy loại nhạc này theo cách mà tôi thích. Nếu một người nhảy với kiểu mà tôi không ưa, hay giao tiếp theo cách mà tôi không hiểu, hay không có kỹ thuật để có thể di chuyển cùng tôi, tôi thà ngồi nghe Di Salri hay Rodriguez chứ không thể nhảy với một người chỉ đẩy và kéo tôi quanh quanh.

Học những nguyên lý cơ bản của leading

Việc học cách dẫn một người khác có thể mở ra cho bạn một thế giới giao tiếp hoàn toàn mới. Với những kỹ thuật gợi ý đúng đắn, chờ đợi sự đồng thuận, và sau đấy là di chuyển theo người theo, một Tanguero hiện đại sẽ cởi mở để bạn tiếp nhận. Tôi không nói về việc làm quá, hay tự ý di chuyển khi người dẫn không gợi ý. Tôi nói về những khoảng không gian tự do, hay hạn chế nó, hay về việc thể hiện những ý kiến của bạn một cách tinh tế. Điều này có vẻ khó hiểu, nhưng với một vài gợi ý của các thầy giáo, bạn sẽ hiểu được nó.

Tôi không đề cập ở đây rằng cần phải làm chủ những kỹ năng cơ bản thì mới có thể trở nên chủ động hơn trong điệu nhảy. Quả là không nên tìm cách gợi ý cho bạn nhảy của mình khi mà mình không thể tự đứng vững, walks, hay pivot.

Chọn để làm dáng một cách thận trọng

Thật ngạc nhiên là, thể hiện sự chủ động trong điệu nhảy rất dễ dẫn đến mắc sai sót khi thực hiện quá nhiều việc tạo dáng (decoration). Và thật tiếc nó vẫn hay xảy ra. Tôi thường thấy một số chị em đứng còn chưa vững, phải níu vào bạn nhảy, mà di chuyển một cách hoành tráng chỉ vì muốn thể hiện. Điều này quả thật không ổn dù theo bất cứ cách nào. Không chỉ vì nó đã làm phiền và cản trở bạn nhảy của mình khi dẫn mà thật ra trông nó hài hước. Điều ấy không chỉ làm giảm chất lượng của bài nhảy, mà bạn còn bị mất đi những khoảnh khắc mà bạn có thể chủ động trò chuyện, tâm sự khi không tập trung vào mối liên kết giữa hai người.

Tôi không hề phải đối làm dáng. Đấy là một phần rất thú vị và duyên dáng làm nên bài nhảy hoàn hảo, khi làm dáng cùng âm nhạc. Chỉ xin nhớ là, đừng sa đà vào nó.

Chọn để trở thành bị động

Chúng ta vừa bàn nhiều về việc tham gia vào bài nhảy một cách chủ động và thận trọng, và tôi chỉ muốn nói thêm với các bạn rằng: Các bạn hoàn toàn không cần phải làm thế nếu các bạn chỉ đơn giản muốn theo người dẫn, điều đó hoàn toàn ổn. Phụ nữ đã phải quan tâm đến rất nhiều thứ trong đời sống, và họ không cần phải cứ như vậy trong tango. Xin nhớ rằng, khiêu vũ giao tiếp là để vui vẻ, thoải mái và hoàn toàn không cần thiết biến nó thành một sự tranh đấu cũng như mang về mình thêm stress.

Thậm chí bản thân tôi cũng nhiều khi chọn cách bị động, khi với một bản nhạc phù hợp, một người bạn nhảy thú vị cũng như khi tôi mệt mỏi, tôi chọn cách buông mình, và tận hưởng trong vòng ôm của bạn nhảy, của bản nhạc. Và đó là một lựa chọn trên cả tuyệt vời.

Cũng có những khi… ;-)

Melina Sedo
trungkien0324 dịch.



http://www.facebook.com/?ref=logo#!/notes/hanoi-milonga/womens-active-participation-s%E1%BB%B1-ch%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-ch%E1%BB%8B-em-trong-%C4%91i%E1%BB%87u-nh%E1%BA%A3y/10150104540133554

TaTango
April 10th, 2011, 12:40 PM
Sự chủ động của chị em trong điệu nhảy


by Hanoi Milonga (http://www.facebook.com/pages/Hanoi-Milonga/141048199863) on Thursday, December 16, 2010 at 4:30pm



Lời người dịch: Tôi không thấy có vấn đề gì lắm khi tango với những nữ có phong cách rất khác nhau, bởi tôi luôn quan niệm rằng, tango – với đặc trưng tâm sự đối thoại thì sự thấu hiểu, quan tâm đóng vai trò quan trọng nhất để đi đến hòa hợp và thăng hoa trong bài nhảy. Tôi cũng luôn cố gắng hết mình trong việc hiểu phong cách người nhảy cùng, và, với vai trò truyền thống của người nam, tôi sẽ tìm cách để có thể theo họ một cách tốt nhất có thể (dẫn-bằng-theo). Và nhìn chung, tôi cũng thường đạt được những niềm vui trong tango với các nữ khác nhau…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng, tôi thực sự cảm thấy thoải mái và hứng thú hơn với những bạn nhảy chủ động, dù rằng đôi khi rất vất vả, nhất là với những nữ có phong cách quá khác biệt hoặc họ chưa có được sự điều chỉnh phù hợp (khi ấy, sự chủ động quá mức có thể dẫn đến phá vỡ kết nối, sự hòa hợp). Một cách rất thật lòng, tôi luôn đề cao sự chủ động, bình đẳng của cả nam và nữ trong bài nhảy, và tôi luôn chia sẻ điều ấy với các bạn tập cùng. Nam mở đầu câu chuyện, nữ sẽ là người kể câu chuyện ấy (và đôi khi dẫn dắt nó). Nam đưa ra tín hiệu, nữ lắng nghe, nhận tín hiệu ấy và chủ động thực hiện theo cách của mình. Nam lắng nghe, di chuyển theo nữ, và kết thúc. Cả hai cùng chủ động lắng nghe, chủ động thấu hiểu, và chủ động điều chỉnh và cùng nhau kể câu chuyện của hai người hòa quyện trong giai điệu…

Bài viết này viết về sự chủ động của chị em trong điệu nhảy, của một giáo viên tango, chị Melina Sedo. Các bạn có thể xem bản gốc tại blog của chị: http://melinas-two-cent.blogspot.com/ (http://melinas-two-cent.blogspot.com/)

--- ---

Chọn lựa – sự chủ động của chị em trong điệu nhảy

Đàn ông thì lead (dẫn), chị em thì follow (theo), định nghĩa này tồn tại trong Tango như một điều hiển nhiên trong suốt bao năm qua, và nó cũng có vẻ chẳng có gì phải phàn nàn ở đây cả. Ở Buenos Aires, các anh thì học với các Maestros hoặc sáng tạo ra các bước với các bạn nhảy của mình. Còn chị em thì chỉ đơn giản là đến milonga, và nhảy. Họ chẳng cần phải tham gia vào các lớp ngoài đôi chút luyện tập trên sàn. Ngay cả những chị em nổi tiếng nhất cũng vẫn công nhận rằng, họ không có một phong cách xác định, mà chỉ giản đơn là điều chỉnh theo phong cách của anh em. Vậy thôi.

Nhưng rồi, thập kỷ 70 “giải phóng phụ nữ” và thập kỷ 80 “đàn ông hiện đại” đến. Và tại những Tango shows, những người nhảy được đào tạo bài bản thay thế cho những người chỉ tìm hiểu đôi chút trên sàn. Kỷ nguyên của Tango Nuevo, với sự thay đổi vai trò, và phụ nữ trở thành những người sẽ “boleo khi người nam không dẫn thế”. Từ đây, người nữ đã trở nên chủ động trong điệu nhảy.

Tuy vậy, nếu bạn không muốn đi theo “bài” theo bạn nhảy mà muốn thể hiện cá tính của mình? Nếu bạn không muốn thay đổi vai trò trong điệu nhảy hay chuyển động khi không hề có tín hiệu/ gợi ý? Và điều gì sẽ xảy ra với sự chủ động trong sự đồng thuận truyền thống, nhất là khi nhảy close embrace?

Vẫn còn rất nhiều giáo viên Milonguero hoặc Salon hướng đến vai trò thụ động của người nữ: đợi người nam mời, đợi người nam lead, và đưa chị em trở về. Khi tôi “trưởng thành” hơn trong tango, tôi được dạy rằng luôn là lỗi của người dẫn nếu có trục trặc xảy ra. Sau đấy, tôi tự hỏi bản thân mình “tại sao mình lại cần phải đến lớp, phải quan tâm đến kỹ thuật follow khi các khóa học cũng như nội dung lại chỉ chú trọng đến nam?” Và tôi thấy rất nhiều giáo viên nữ cũng dành rất nhiều thời gian để nói về vai trò của người nam cũng như người nam sẽ là người chọn nhạc cho một bài trình diễn. “Anh ta mới là người phải quan tâm đến nhạc cảm, tôi thì chả cần đến nó”. “Nhưng, cô không muốn nhảy với nhạc sao?” – tôi hỏi. Đâu là những gì bạn vẫn nghe, đâu là sở thích, và đâu là nhu cầu của bạn? Bạn chỉ muốn “theo” thôi sao?

Với tôi, tất cả chỉ là những chọn lựa!

Chọn phong cách của mình.

Tôi biết, số lượng Tangueros luôn ít hơn Tangueras, và phụ nữ muốn đến các lớp học hay milongas với một phong cách định sẵn, chỉ bởi vì các bạn nhảy của họ muốn thế. Nhưng bạn hẳn sẽ biết rõ rằng đâu là kiểu Tango mà bạn muốn. Bạn muốn “boleo cao”, soltadas? Được thôi, hãy tìm một bạn nhảy có thể đồng ý với những chuyển động mạnh mẽ của bạn. Bạn muốn đắm chìm trong những bước walks cùng những embrace (vòng ôm) thanh lịch? Hãy tìm đến các milongas, hay các thầy giáo, đến những người quan tâm đến điều ấy.

Tuy vậy, hãy lưu ý: Điều đó hoàn toàn phụ thuộc ở bạn, thậm chí ở các milongas, để thể hiện bạn muốn nhảy như thế nào. Thể hiện nó bằng posture (dáng thân), embrace (kết nối), và cách di chuyển. Và bạn thậm chí có thể làm cho một anh chàng màu mè cùng nhảy với mình một cách đơn giản, với những liên kết tinh tế, nếu bạn có thể cho anh ta thấy embrace của bạn quyến rũ đến mức nào.

Trở thành một bạn nhảy chủ động

Rất nhiều chị em không bao giờ phản ứng về lợi ích của những tranh luận trong lớp học. Họ chỉ đứng đấy, và thực hiện những gì người nam chỉ ra. Rồi họ trở nên chán nản và mất hứng thú. Cũng có thể họ sẽ “giúp” người nam bằng cách thực hiện tất cả các chuyển động mà người nam muốn (chứ không phải lead đúng). Đó quả là điều tệ hại và thiếu tính xây dựng. Hãy nói cho bạn nhảy biết cảm giác của bạn về một chuyển động cũng như sự liên hệ của nó, để người nam có thể tìm ra những cách lead hợp lý hơn. Và nếu như bạn có ý tưởng về cách dẫn hợp lý, hãy chỉ cho anh ta. Hãy nói cho anh ta về mục đích của luyện tập khi anh ấy làm sai, chứ không phải cứ đợi thầy giáo. Đừng để mất thời gian.

Tôi không bao giờ ủng hộ sự phàn nàn, chỉ trích, nhất là theo kiểu ta-đây-biết-tất, nhưng một người nữ chủ động trong quá trình luyện tập là những người sẵn sàng và cởi mở để thông hiểu và tiến bộ. Tất nhiên sẵn sàng để đưa ra những đóng góp xây dựng cũng như sẵn sàng nhận điều ấy từ người khác. Cả hai đều phải chịu trách nhiệm cho những gì đang xảy ra, những sai lầm đang mắc phải.

Biết và chọn nhạc của mình

Người nhảy chủ động luôn cần phải biết âm nhạc cũng như những gì nó có thể mang đến. Các workshops về musicality không thể nào chỉ dành cho nam. Bởi vậy, hãy khám phá các khả năng, nhận biết âm nhạc, và hình thành một khẩu vị của riêng mình và – vì chúa – hãy chỉ nhảy với những bản nhạc mà mình yêu thích. Làm sao bạn có thể thể hiện khi bạn không thích bản nhạc? Và khi ấy, bạn chỉ thụ động theo nhạc. Nhận biết và yêu thích bản nhạc có thể làm nên những khoảnh khắc tuyệt vời, khi cả hai như là một, như thể không leader không follower. Chỉ là chuyển động cùng âm nhạc mà thôi.

Chọn bạn nhảy tại các milongas

Với phương pháp của Cabeceo/Mirada, cả nam và nữ đều chọn bạn nhảy của mình cho tanda kế tiếp, đừng ngại sử dụng nó. Bạn không cần phải nhảy với tất cả mọi người, chấp nhận mọi lời mời chỉ vì e rằng mình bất lịch sự. Một người nhảy chủ động sẽ chọn một bạn nhảy phù hợp cho một bản nhạc phù hợp. Nếu tôi muốn nhảy Di Salri, tôi sẽ chọn một người. Nếu muốn Rodriguez, tôi sẽ chọn người khác. Nếu người bạn nhảy Di Salri mời tôi một bản Rodriguez, tôi sẽ có thể từ chối (một cách lịch sự) vì tôi biết anh ấy không nhảy loại nhạc này theo cách mà tôi thích. Nếu một người nhảy với kiểu mà tôi không ưa, hay giao tiếp theo cách mà tôi không hiểu, hay không có kỹ thuật để có thể di chuyển cùng tôi, tôi thà ngồi nghe Di Salri hay Rodriguez chứ không thể nhảy với một người chỉ đẩy và kéo tôi quanh quanh.

Học những nguyên lý cơ bản của leading

Việc học cách dẫn một người khác có thể mở ra cho bạn một thế giới giao tiếp hoàn toàn mới. Với những kỹ thuật gợi ý đúng đắn, chờ đợi sự đồng thuận, và sau đấy là di chuyển theo người theo, một Tanguero hiện đại sẽ cởi mở để bạn tiếp nhận. Tôi không nói về việc làm quá, hay tự ý di chuyển khi người dẫn không gợi ý. Tôi nói về những khoảng không gian tự do, hay hạn chế nó, hay về việc thể hiện những ý kiến của bạn một cách tinh tế. Điều này có vẻ khó hiểu, nhưng với một vài gợi ý của các thầy giáo, bạn sẽ hiểu được nó.

Tôi không đề cập ở đây rằng cần phải làm chủ những kỹ năng cơ bản thì mới có thể trở nên chủ động hơn trong điệu nhảy. Quả là không nên tìm cách gợi ý cho bạn nhảy của mình khi mà mình không thể tự đứng vững, walks, hay pivot.

Chọn để làm dáng một cách thận trọng

Thật ngạc nhiên là, thể hiện sự chủ động trong điệu nhảy rất dễ dẫn đến mắc sai sót khi thực hiện quá nhiều việc tạo dáng (decoration). Và thật tiếc nó vẫn hay xảy ra. Tôi thường thấy một số chị em đứng còn chưa vững, phải níu vào bạn nhảy, mà di chuyển một cách hoành tráng chỉ vì muốn thể hiện. Điều này quả thật không ổn dù theo bất cứ cách nào. Không chỉ vì nó đã làm phiền và cản trở bạn nhảy của mình khi dẫn mà thật ra trông nó hài hước. Điều ấy không chỉ làm giảm chất lượng của bài nhảy, mà bạn còn bị mất đi những khoảnh khắc mà bạn có thể chủ động trò chuyện, tâm sự khi không tập trung vào mối liên kết giữa hai người.

Tôi không hề phải đối làm dáng. Đấy là một phần rất thú vị và duyên dáng làm nên bài nhảy hoàn hảo, khi làm dáng cùng âm nhạc. Chỉ xin nhớ là, đừng sa đà vào nó.

Chọn để trở thành bị động

Chúng ta vừa bàn nhiều về việc tham gia vào bài nhảy một cách chủ động và thận trọng, và tôi chỉ muốn nói thêm với các bạn rằng: Các bạn hoàn toàn không cần phải làm thế nếu các bạn chỉ đơn giản muốn theo người dẫn, điều đó hoàn toàn ổn. Phụ nữ đã phải quan tâm đến rất nhiều thứ trong đời sống, và họ không cần phải cứ như vậy trong tango. Xin nhớ rằng, khiêu vũ giao tiếp là để vui vẻ, thoải mái và hoàn toàn không cần thiết biến nó thành một sự tranh đấu cũng như mang về mình thêm stress.

Thậm chí bản thân tôi cũng nhiều khi chọn cách bị động, khi với một bản nhạc phù hợp, một người bạn nhảy thú vị cũng như khi tôi mệt mỏi, tôi chọn cách buông mình, và tận hưởng trong vòng ôm của bạn nhảy, của bản nhạc. Và đó là một lựa chọn trên cả tuyệt vời.

Cũng có những khi… ;-)

Melina Sedo
trungkien0324 dịch.



http://www.facebook.com/?ref=logo#!/notes/hanoi-milonga/womens-active-participation-s%E1%BB%B1-ch%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-ch%E1%BB%8B-em-trong-%C4%91i%E1%BB%87u-nh%E1%BA%A3y/10150104540133554

huycuti
May 3rd, 2011, 04:13 PM
tango thì hay rùi

TaTango
August 8th, 2011, 08:14 AM
Phần 1


Vào cuối thập niên 60's, tôi chập chững làm "người lớn", nghĩa là tôi bắt đầu biết tụm năm, tụm bảy với bạn bè lê la các cours de danse và boîte de nuit được mọc lên như nấm ở thành phố Sài Gòn. Lúc nào có nhiều tiền thì cả đám kéo vào Au Baccara, Queen Bee, Majestic nhảy đầm, ít tiền thì vô các mini clubs, còn không tiền thì chạy xe Honda lòng vòng thành phố để kiếm bal mở tại tư gia để xin vào chơi ké. Lúc đó, đã đành là tôi phải đi học đàng hoàng nhưng cứ hở ra là ... nhảy đầm! Đó là một trò chơi rất hấp dẫn cho đám thanh thiếu niên mới lớn. 40 năm trôi qua, do sinh hoạt tự nhiên trong đời sống nên tôi giảm dần đi nhảy đầm nhưng lại tăng thêm phần tìm hiểu lý thuyết trong những lúc nhàn tản; nhất là quan sát cung cách nhảy của người Việt Nam.

Bài viết này điểm qua các nét chính về thuật nhảy đầm và đặc biệt khảo về Tango - bà chúa của vũ trường - vốn dĩ là một nhạc điệu réo rắt cực kỳ lôi cuốn và là một vũ điệu phổ biến khắp nơi trên thế giới - riêng Việt Nam, khối lượng nhạc Tango được sáng tác nhiều khủng khiếp, hầu như người Việt Nam nào cũng biết nhảy Tango và lẽ dĩ nhiên, phải biết đến giọng ca Tango của các ca sĩ lão luyện như Lệ Thu, Khánh Ly: tuyệt vời, bất khả nghị bàn!

1.Dẫn nhập:
Nhảy đầm, gọi kiểu cách bằng tiếng Hán Việt là khiêu vũ, được người Pháp du nhập vào Việt
Nam và do đó, in hẳn cái khuôn nhảy cho người Việt Nam mãi cho đến ngày nay, thể hiện qua
cách chơi nhạc tour (tức là chơi các điệu nhạc theo thứ tự: paso doblé, boléro (hay rumba), cha cha cha, slow, bebop, tango, boston, valse, hết một vòng thì lặp lại nên gọi là nhạc tour).

Giai đoạn Việt Nam bị Pháp thuộc (1884-1945) cũng là giai đoạn mà âm nhạc và khiêu vũ phát triển mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới. Đầu thế kỷ thứ 19, người ta hãy còn nhảy rời và đối diện với nhau; gọi là contradanza, thí dụ như vũ điệu Cha Cha Cha. Chỉ việc kép chạm tay vào lưng đào đã bị coi là đụng chạm quá đáng! Vì vậy, khi vũ điệu Waltz - một vũ điệu nhảy theo lối ôm sát (close hold) - được trình diễn lần đầu tiên đã khiến mọi người sửng sốt và bối rối (ambivalent feeling), phân vân không biết nên nghĩ thế nào về Waltz!1

Theo quan điểm đạo đức thời đó, Waltz bị chỉ trích vì đào kép ôm sát nhau và bước nhảy xoay
tròn trông khá khiêu dâm. Các nhà lãnh đạo tôn giáo hầu như đồng nhất kết luận rằng đó là một vũ điệu thô tục và tội lỗi. Tại Anh quốc, vốn là xứ nghiêm khắc về đạo đức, phải rất lâu Waltz mới được chấp nhận.

1 Waltz (Valse, còn gọi là luân vũ): một vũ điệu xuất xứ từ vùng ngoại ô Vienna và miền núi cao của Austria. Vào đầu thế kỷ thứ 17, Waltz được chính thức trình diễn trong các phòng khiêu vũ (ballrooms) của triều đình. Trước đó, dân quê của Austria và Bavaria đã nhảy Waltz. Các bước căn bản và nhịp điệu 3/4 chát chát bùm của vũ điệu Waltz có thể học dễ dàng nhưng để nhảy thì khá khó bởi vì dáng điệu nhảy phải có thể nhấp nhô lên và xuống một cách tự nhiên, cũng như khó trong sự phối hợp nhịp nhàng giữa đào và kép trong khi xoay tròn theo nhịp nhạc. Tháng 7- 1816, Waltz được chơi trong một buổi dạ tiệc của Hoàng tử Anh quốc ở London. Vài ngày sau, báo The Times chỉ trích gay gắt như sau:
"Chúng tôi đau buồn ghi nhận rằng một vũ điệu ngoại quốc phi đạo đức có tên là Waltz đã được giới thiệu (chúng tôi tin đây là lần đầu tiên) ở triều đình Anh quốc vào ngày Thứ Sáu vừa qua. Nó đủ hấp dẫn để bắt mắt qua việc chân tay quấn tròng tréo rất khiêu dâm và thân thể ép sát với nhau khi nhảy2, để thấy rằng nó đã thực sự tách xa khỏi đặc điểm được xem là nết na của phụ nữ Anh quốc. Ngày nào sự trình diễn tục tĩu này còn dành riêng cho gái điếm và giới tà dâm, ngày đó chúng tôi nghĩ rằng nó không đáng để lưu ý; nhưng bây giờ nó đã được thượng cấp của tầng lớp đáng nể trọng trong xã hội cố gắng áp đặt vào họ nên chúng tôi cảm thấy có nhiệm vụ khuyến cáo các bậc cha mẹ nên chống lại việc phô bày con gái của mình trước vụ truyền nhiễm chết người này."
3.Có rất nhiều chống đối từ thế hệ già, nhưng ít ai nói đến sự kiện nữ hoàng Anh quốc Victoria rất hâm mộ Waltz và là người nhảy Waltz nhuần nhuyễn! Mặc cho chống đối, lịch sử tự nó lặp lại và lặp lại, sự phản kháng chỉ làm gia tăng tính chất đại chúng của Waltz. Giới giàu có nồng
nhiệt đón nhận Waltz ngay sau cuộc cách mạng Pháp (1789 -1799); chỉ riêng Paris đã có gần 700 khiêu vũ trường! Khoảng năm 1850 khi đoàn hát Opera ở Paris gặp khó khăn tài chánh, họ thử đưa Waltz xen vào vài màn trình diễn để thăm dò khán giả. Kết quả là đại chúng ưa chuộng, yêu cầu tái diễn, nhưng phải đến khoảng năm 1880, phong cách nhảy xoay tròn của Waltz mới được chấp nhận rộng rãi.

Waltz trình diễn lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1834 tại lâu đài Beacon Hill ở Boston, do vũ sư
Lorenzo Papanti biểu diễn. Và cũng tại Mỹ, hai biến thể Waltz thành hình. Thứ nhất là vũ điệu
Boston, tức là vũ điệu waltz nhưng có nhịp chậm hơn nhiều và bước dài hơn. Thứ hai là bước
ngập ngừng (hesitation, tức là bước lướt của hai nhịp chát chát), ngày nay vẫn còn phổ biến.

Giai đoạn tiếp theo, khi thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) chấm dứt, một cuộc cách mạng xã hội phát sinh. Phong tục và giá trị của các thế hệ trước bị đào thải. Đời sống phải hiện sinh và
hưởng thụ tối đa. Âm nhạc và vũ điệu mới mẻ bắt đầu nảy nở dựa theo nguyên tắc chính yếu là nghỉ ngơi và tiêu khiển bắt nguồn từ dân da đen. Ở các đồn điền miền Nam của Mỹ thời đó
thường có các cuộc tranh đua để tìm ra "ai là chủ của vũ công nhảy nhanh nhất" (who owned the fastest dancer). Về sau, dân da trắng bị hấp dẫn bởi phong cách tự do trong nhịp điệu của dân da đen nên "đóng bộ" với khuôn mặt đen đi trình diễn khắp nơi. Phụ nữ mặc váy ngắn và khêu gợi hơn.
2 Khi nhảy Waltz, vị trí từ thắt lưng trở xuống chân của đào và kép thì ép sát vào nhau, và từ thắt lưng trở lên đầu thì ngửa ra như chữ V; và khi xoay tròn thì chân phải của kép luôn luôn thọc vào giữa hai chân đào, đồng thời thân hình cả hai phải nhô lên, nhô xuống theo điệu nhạc. Nói "trông dâm đãng" cũng có phần đúng.
3 "We remarked with pain that the indecent foreign dance called the Waltz was introduced (we believe for the first time) at the English court on last Friday. It is quite sufficient to cast one's eyes on the voluptuous intertwining of the limbs and close compressure on the bodies in their dance, to see that it is indeed far removed from the modest reserve which has hitherto been considered distinctive of English females. So long as this obscene display was confined to prostitutes and adulteresses, we did not think it deserving of notice; but now that it is ttempted to be forced on the respectable classes of society by the civil examples of their superiors, we feel it a duty to warn every parent against exposing his daughter to so fatal a contagion."

Cách nhảy ôm sát nhau (close-hold), thay đổi đào kép một cách thường xuyên và tác phong phóng túng được xã hội chấp nhận - thể hiện rõ nhất qua nhạc Jazz.

Jazz phát sinh vào cuối thế kỷ thứ 19 từ các vũ trường dơ bẩn và các nhà thổ ở vùng Nam và
Trung Tây của Mỹ (South and Midwest), những nơi mà tiếng Jazz ám chỉ ý nghĩa giao cấu nam nữ. Nhạc jazz xuất phát từ: New Orleans, St. Louis, Memphis và Kansas City, nhưng New
Orleans vốn là và vẫn còn là một trung tâm nhạc jazz rất quan trọng nhờ vào dân da đen mà khởi thủy là dân nô lệ được mang đến.

Kiểu nhảy của dân da đen được gọi là "jazz" hay "kiểu nhảy khác thường" (eccentric dancing)
nhanh, xoay tròn, nhào lộn có tên như: Turkey Trot, Grizzly Bear, Kangaroo Dip và Chicken
Scratch. Các kiểu cách này quá mới lạ, đôi khi khôi hài; tuy nhiên, các bước rắc rối và động tác tay chân nhuyễn nhừ của họ đã dần dần đi sâu vào giới khiêu vũ Mỹ. Vào năm 1916, hai năm sau khi thế giới chiến tranh bùng nổ, nhạc jazz ở New Orleans đã vươn lên tới tột đỉnh. Một năm sau nữa, sử gia Bernard Grun tuyên bố Chicago là "trung tâm nhạc jazz của thế giới."
Từ jazz, phát sinh ra các vũ điệu fox-trot, shimmy, rag, Charleston, v.v. Trong cao trào ái mộ
jazz, Bob Wills thành lập một ban nhạc lớn và giúp sáng tạo một loại nhạc có tên là western
swing. Vũ điệu swing của dân quê (country swing dance) xuất phát trực tiếp từ loại nhạc mà
Wills chơi và mọi người theo đó mà nhảy.

Một nhịp điệu mới xuất hiện sau đệ nhị thế chiến (1939-1945), đó là Be-bop, một loại nhạc
swing kích động có nhiều động tác quay tròn, đổi tay và quăng ném đào. Từ đó, một loại nhạc
có tên là rock 'n roll nảy sinh. Nhảy với nhạc rock 'n roll là vũ điệu tương tự như Jitterbug và
Swing. Việc nhảy theo từng cặp trở nên đại chúng vào khoảng giữa thập niên 70's với sự nổi lên của Disco. Nhưng cuối thập niên 70's, khi Disco bị đào thải, country music tiếp tục phát triển nhanh chóng trong đại chúng và swing phục sinh, nhảy với nét mặt vui tươi và dáng dấp thân thiện.

Trải qua hơn hai thế kỷ, ngày nay âm nhạc và vũ điệu đã được nhào luyện và phát triển rộng rãi. Các buổi dạ tiệc mừng sinh nhật, tiệc cưới, v.v. hầu như bắt buộc phải có khiêu vũ để tăng thêm phần vui vẻ. Hòa vào niềm vui của thiên hạ trong chốc lát âu cũng là một niềm vui ở đời. Tuy nhiên, nghề chơi có lắm công phu và có một số quy ước mà người sành sỏi nên biết. Dưới đây là các nét chánh của thuật khiêu vũ.

2.Thuật khiêu vũ:
2.1.Phép lịch sự khiêu vũ (dance etiquette)
Nhiều người và nhiều phong cách nhảy có thể xảy ra cùng một lúc tại sàn nhảy, vì vậy, một số
quy ước xã giao khiêu vũ được đặt ra để mọi người có thể cùng nhau giải trí vui vẻ; và cũng nhờ vào quy ước mà sàn nhảy sẽ có thể nhận được nhiều người. Xin lưu ý các quy ước sau đây:
Khi sàn nhảy quá đông người, người ta nên "tự chế" để không nhảy biểu diễn (tức là không fantaisie tự do, phóng túng), ngay cả không nhảy để giúp tạo không khí chung thoải mái. Khi đông, nên nhảy bước ngắn. Khi nhảy, từng cặp cố gắng giữ một khoảng nhỏ chung quanh để không lấn qua chỗ nhảy của người khác.
Tôn trọng đường nhảy (line of dance), không zig-zag ở giữa sàn nhảy. Trung tâm của sàn nhảy dành cho các vũ điệu nhảy tại chỗ (spot dances), thí dụ như: Jive, Swing, Be-bop, Rumba, Cha
Cha Cha. Không nhảy các vũ điệu này ở phía vòng ngoài trừ khi sàn nhảy quá chật. Đối với các vũ điệu di chuyển về phía trước (progressive) thì nhảy ở phía vòng ngoài và luôn luôn đi
theo chiều ngược kim đồng hồ, thí dụ như: Foxtrot, Tango, Waltz, và Two-Step. Khi một nhạc điệu cho phép nhảy theo nhiều vũ điệu khác nhau, thí dụ Foxtrot hay Be-bop thì các cặp nhảy Be-bop nên đi vào trung tâm của sàn nhảy để các cặp nhảy Foxtrot dễ dàng di chuyển ở phía vòng ngoài.
Nếu muốn đi sang phía đối diện thì đi ở mé ngoài của sàn nhảy, không cắt ngang qua trung tâm của sàn nhảy. Nếu lỡ đụng chạm vào các người cùng nhảy thì xin lỗi cho sự bất cẩn của mình.
Không ngưng nhảy để nói chuyện hoặc tranh cãi gây trở ngại chung.

2.2.Thuật dẫn dắt đào trong khiêu vũ:
Để có thể dẫn dắt đào, lẽ tất nhiên kép cần có khả năng dẫn dắt - tương tự như muốn lái xe thì
kép phải có khả năng lái.

Thứ nhất, kép phải phân biệt được nhịp nặng nhẹ. Hầu hết nhạc khiêu vũ có nhịp 2/4, 3/4, hay
4/4. Trong nhịp 2/4 và 3/4, nhịp đầu tiên được nhấn mạnh và có thể nghe rõ qua tiếng trống hay tiếng bass guitar. Đây là nhịp bắt đầu bản nhạc và bước nhảy thứ nhất luôn luôn bắt đầu ở nhịpđầu tiên. Trong nhịp 4/4, nhịp nhấn mạnh nhất là nhịp đầu tiên và giảm bớt ở nhịp thứ ba. Tóm lại, cần lắng nghe tiếng trống hay tiếng bass. Không có gì bối rối cho bằng nhảy trật nhịp.

Thứ hai, các ngón điều khiển đào như: cho đào xoay tròn, quăng ném đào, búng lưng cho đào
quay, bẻ tay đào kéo vào lòng, cho đào te, nuốt nhịp khi trật nhịp hoặc ghìm bước khi đào sắp
nhảy đụng cặp khác, v.v. là những ngón rất vui mà chỉ có đào và kép cảm nhận được, còn khán giả chỉ nhìn suông mà thôi. Do đó, kép phải thực tập cho nhuyễn.

Thực tập có thể là khía cạnh mà người ta hay lơ là nhất. Tâm lý con người chỉ ý thức được một việc trong từng lúc; vì vậy, khó có thể nghĩ đến cùng một lúc hai hay ba hoạt động của thể xác. Để có thể cùng một lúc nghe nhịp lẫn tiếng ca, dìu đào nhảy và thưởng thức thú vui nhảy đầm, người ta cần thực tập kỹ lưỡng để tạo ra thói quen (habit); mà thói quen thì chỉ tạo được qua lặp đi, lặp lại mà thôi.

Trong nhạc tour Việt Nam, chỉ có một vũ điệu nhảy rời Cha Cha Cha thì đào có thể tự do nhảy nhưng với tất cả các vũ điệu còn lại thì kép hoàn toàn điều khiển đào. Như vậy, câu hỏi đặt ra là: "Kép có phải là macho không ?"

Mặc cho các "phiền toái, tai bay, vạ gió" có thể xảy ra, tôi thành thực
khẳng định rằng dù muốn, dù không thì tính chất macho của kép là luật chơi trong nhảy đầm.
Chẳng có gì phải nghi ngờ. Theo tự điển The American Heritage Dictionary, macho là ý nghĩa phóng đại của nam tính qua các biểu hiện như: can đảm, hùng dũng và chế ngự phụ nữ. 4 Áp dụng vào nhảy đầm, quan điểm macho có nghĩa là kép làm chủ (in charge) để quyết định bước nhảy và điều khiển đào.
Khi dạo bước ngoài đường, kép đi mé ngoài, đào đi mé trong để kép bảo vệ. Kép bước vào vũ trường, vui vẻ nắm tay đào và để đào đi vào bàn và ngồi trước. Khi ngồi, đào ngồi phía sau bàn, kép ngồi ở mép bàn, dang tay ngang qua vai đào để mọi người biết rằng kép làm chủ, chăm sóc mọi thứ cho đào.

Khi ra sàn nhảy, kép đưa tay mặt đặt nhẹ nơi thắt lưng của đào để đào tự quyết định mức độ ôm kép sát đến mức nào và sau đó, kép mới nâng tay mặt lên ngay cánh tay trái của đào (bả vai) để làm điểm tựa mà điều khiển đào bước tới, lui, ngang, dọc và quay tròn. Kép phải có thể cảm nhận được dòng nhạc để truyền qua cho đào, nhảy nhẹ nhàng, và cùng với đào thưởng thức thú vui nhảy đầm, chơi vơi đâu đó để tạm quên thực tế dưới ánh đèn màu hiu hắt ...

Khi nhảy xong, kép nên giữ đào trong vòng tay một giây lát, tựa như không muốn chấm dứt.
Sau đó, kép đưa đào về bàn - để đào đi phía trước. Kép trả hết mọi phí tổn, không bao giờ cho phép đào trả bất cứ khoản chi nào cả.

Kép vui vẻ giữ vai trò macho và đào bằng lòng cho dẫn dắt. Cả hai bình đẳng trong mối quan hệ này. Họ không đấu tranh với nhau, thay vào đó là cộng tác. Họ đi tay trong tay, bổ túc cho nhau trong sự tương kính. Sức mạnh của đào là cần được kép thương yêu và giữ được tính chất nữ tính (feminity), vốn là một cái gì bí mật mà kép quý trọng. Sức mạnh của kép là tính chất nam tính (masculinity), một cái gì rất khác biệt mà đào không thể có được. Trong một cách nhìn khác, tương quan macho là mối tương quan đa cảm và thích chăm sóc phái yếu của một người đàn ông thực sự, một real man. Lẽ dĩ nhiên, vài giờ chung vui trong vũ trường rất khác với thế giới thực tế của đời sống bên ngoài; xin cả kép và đào luôn luôn nhớ như vậy.

4 The American Heritage Dictionary, trang 751: macho is characterized by machismo, which is an exaggerated sense of masculinity stressing such attributes as courage, virility, and domination of women.

2.3.Thuật mời khiêu vũ (Art of the cabeceo):

Có lẽ tập tục mời một người không quen biết trong vũ trường để nhảy xuất phát từ tình trạng trai thừa, gái thiếu. Tuy nhiên, không hẳn chỉ có kép mời đào nhảy mà ngược lại, rất thông thường là đào mời kép. Cử chỉ gật đầu đồng ý để người khác mời mình nhảy được gọi là thuật mời khiêu vũ (art of the cabeceo: gật đầu), trong đó "đá mắt" là điểm khởi sự then chốt.

Kép cần nằm trong tầm nhìn của đào để đo lường xem đào có nhìn đến kép hay không. Nếu đào nhìn kép rồi nhìn qua hướng khác thì có nghĩa là đào không muốn nhảy với kép; và ngược lại, nếu đào "đáp ứng" ánh mắt của kép thì kép cỏ thể đi đến bàn đào để mời. Dưới ánh đèn màu, không phải dễ dàng "đá mắt". Có lẽ người ta nên đi quanh, khi tới gần bàn của đào mà kép muốn mời nhảy thì kép nhìn đào, và nếu đào cũng nhìn lại thì kép gật đầu về hướng sàn nhảy. Đào cũng gật thì tiến đến mời; còn như đào không nhìn, không gật thì cứ ... tiếp tục bước qua luôn.

Tại Á Căn Đình, cabeceo chỉ để cùng vui trong giây lát nhưng người Việt Nam và ngay cả người Mỹ hãy còn xa lạ; họ không chấp thuận nét duyên dáng và đơn giản của cabeceo. Theo đúng luật chơi của cabeceo thì một khi bị từ chối, kép sẽ xấu hổ mà ra khỏi vũ trường hay buổi dạ tiệc và đào sẽ ngồi một mình suốt buổi nhảy đầm vì sẽ không có kép nào đến mời nữa. Tuy nhiên, người Việt Nam không hẳn áp dụng đúng như thế. Họ không mời đào của cặp khác nhảy quá hai lần. Khi mời đào, họ nhã nhặn. Nếu đào từ chối, họ vui vẻ chấp nhận. Ngược lại, đào không nên mời kép nhảy quá một lần. Nếu đào thực sự "bắt mắt", họ sẽ trở lại để mời.

(còn phần 2)

TaTango
August 8th, 2011, 08:14 AM
Thuật khiêu vũ và vũ điệu Tango- phần 2

Có nhiều tranh luận về nguồn gốc tango. Tuy nhiên, hầu hết các nhà khảo cứu đều đồng ý rằng
vũ điệu tango đã được nhảy ngoài đường, trong các quán rượu, cà-phê, sòng bạc và nhà thổ ở Buenos Aires vào khoảng thập niên 1800's. Tại đây, các di dân Tây Ban Nha (Spain) và người nô lệ da đen Phi châu sáng tạo nên vũ điệu tango để tìm quên trong giây lát nỗi buồn viễn xứ, thân phận bị bạc đãi, cũng như bộc lộ tâm trạng thất tình qua âm thanh ai oán của dòng nhạc tango. Âm thanh của đau khổ, lãng mạn, tuyệt vọng! Ca từ của bản nhạc và âm điệu phản ảnh rất rõ tinh thần này của tango.

Từ Buenos Aires, tango truyền qua Âu châu vào thập niên 1910's, đầu tiên được hoan nghênh nhiệt liệt ở Paris và sau đó lan ra rộng rãi. Các hội quán tango nảy sinh khắp nơi. Từ Paris, London, Berlin cho chí các tỉnh lẻ tại Holland, Finland, người ta có thể nhảy tango suốt đêm. Ở Nhật Bản và Trung quốc, tango biến thể theo một hình thức riêng. Riêng người Việt Nam, dù ở bản xứ hay hải ngoại, cứ nghe nhạc tango trổi lên là kéo nhau ra sàn nhảy đông nghẹt!

Tương tự như quá trình hình thành Waltz và Jazz, Tango được sàng lọc qua thời gian để trở nên đại chúng. Ngày nay, Tango là một vũ điệu xã giao (social dance).

3.1.Quá trình hình thành Tango:

Tiếng Tango đã xuất hiện trước vũ điệu rất lâu, có nghĩa là "sự tụ tập của dân da đen để nhảy
theo nhạc trống (gathering of blacks to dance to drum music). Tự điển của Học Viện Văn Học
Hoàng Gia Tây Ban Nha, ấn bản năm 1899, cũng định nghĩa Tango là "hội hè và nhảy nhót của
dân da đen Mỹ châu."

Theo khảo cứu của Lori Heikkila, tango bắt đầu với sinh hoạt của các tay chăn bò (gauchos) Á
Căn Đình. Họ ít tắm, trên người còn đẫm mồ hôi ngựa, bước vào các hộp đêm đông nghẹt và
mời các cô nhảy. Vì gaucho hôi hám, các cô chỉ móc tay trái vào khuỷa tay phải của gaucho để nhảy và đầu ngửa về phía sau; còn tay phải thì thả xuống phía dưới hông của gaucho, gần túi quần như để lấy tiền công nhảy.

5 Lori Heikkila, Tango history, http://www.centralhome.com/Ballroomcountry/tango.htm:
"The story of Tango as told is that it started with the gauchos of Argentina. They wore chaps that had hardened from the foam and sweat of the horses body. Hence to gauchos walked with knees flexed. They would go to the crowded night clubs and ask the local girls to dance. Since the gaucho hadn't showered, the lady would dance in the crook of the man's right arm, holding her head back. Her right hand was held low on his left hip, close to his pocket, looking for a payment for dancing with him."

Chi tiết về quá trình hình thành Tango có thể tóm tắt từ phần trình bày của Javier García Méndes trong cuốn The Bandonion: A Tango History như dưới đây:
6 "Lúc bấy giờ Buenos Aires là một điểm định cư rộng lớn, đặt dưới sự kiểm soát của đế quốc Tây Ban Nha đang suy sụp. Dân di trú ban đầu là Tây Ban Nha và người nô lệ đến từ Phi châu. Tuy nhiên, họ bị dân bản xứ khước từ và tấn công trong nhiều năm. Năm 1541, việc định cư bị bãi bỏ nhưng tái thiết lập trên căn bản vĩnh viễn vào năm 1580. Hậu quả là tạo ra xung đột rộng lớn hơn, tạo ra giới gaucho, những "cao-bồi" cưỡi ngựa của Nam Mỹ. Trong thực tế, họ chiến đấu như là lực lượng riêng của các địa chủ (caudillos) và lãnh chúa địa phương. Ngày 25-5-1810, dân chúng Buenos Aires lật đổ ách thống trị của Tây Ban Nha và thành lập chính quyền. Ngày 9-7-1816, tuyên bố độc lập nhưng mãi đến năm 1862 mới được thừa nhận. Ít lâu sau, do quyền lợi thương mại, chính quyền ra lịnh tảo thanh các đồng cỏ hoang của dân Araucanian Indians bản xứ và gauchos. Năm sư đoàn võ trang "tận răng", do Tướng Julio Argentino Roca cầm đầu, đã quét sạch các căn cứ kháng chiến khiến họ bỏ chạy về thành phố Buenos Aires và định cư ở đây.

Di dân mưu cầu một đời sống khá hơn trong ước mơ "đường phố Buenos Aires dát bằng vàng" nhưng chỉ tìm thấy nỗi buồn cô đơn tại một nơi dơ bẩn, đường phố đầy bùn và điều kiện sinh sống tồi tàn. Họ thường bị kẹt ở vùng ngoại ô thành phố và phải đấu tranh từng ngày để sinh tồn!

Từ khoảng năm 1880, dân số của Buenos Aires gia tăng với một số lượng di dân lớn, trong đó đại đa số là đàn ông. Người ta ước đoán tỷ lệ có thể cao đến mức cứ 50 đàn ông mới có 1 đàn bà. Một dịch vụ nở rộ hơn tất cả là dịch vụ bán dâm. Điều này phản ảnh các khó khăn mà di dân phải gánh chịu, và là một phương tiện tuyệt vọng để kiếm sống đối với một số người. Tuy nhiên, không hẳn các gái điếm đã kiếm được nhiều tiền. Ma cô dự phần chia chác tiền kiếm được qua việc "bảo kê và sở hữu" họ. Chính trong bối cảnh sinh hoạt tại các nhà
thổ và quán rượu của các đường hẻm Buenos Aires, các nhạc sĩ du ca của giới gaucho (payadores) bắt đầu chơi một nốt nhạc đơn giản trên dây đàn thứ tư của cây tây ban cầm. Họ hát những lời ca mộc mạc nhưng thường là tục tĩu. Người nô lệ Phi châu được mang tới
Buenos Aires cũng có nhạc điệu riêng, chắc chắn gặp gỡ với các payadores và trao đổi ngón đàn với nhau.
Tất cả là giới sống bên lề đường, xó chợ, phối hợp vớigiới nghèo khổ bản xứ7đã thực sự sáng tạo và phát triển vũ điệu tango.
6 Javier García Méndes and Arturo Penón, translated by Timothy Barnard, The Bandonion: A Tango History, 9th. Edition, London, 1988.
7 compadritos: sống ở lề đường, đôi khi là kẻ ăn cắp vặt, ma cô hoặc phạm tội tiểu hình
compadres: chỉ giới nghèo khổ bản xứ, tương đối khá hơn giới compadritos một chút.
Trong giai đoạn 1880 - 1930, tango phát triển mạnh mẽ, ngày càng lan rộng. Lúc đó, các nhà
giàu Buenos Aires rất thích đi Âu châu du lịch, ít nhất là mỗi năm một lần. Họ có nhà lớn ở
Paris hoặc London. Dạ tiệc của họ thường quy tụ các giới quý tộc nổi tiếng và rất giàu. Người
Pháp thường nói "nó giàu giống như một người Á Căn Đình" (he is as rich as an Argentinean) để chỉ sự cực kỳ giàu có. Con cái của họ đến Âu châu du học, mang theo tango Á Căn Đình vào giới thượng lưu Paris, rồi từ đó tạo nên một làn sóng điên cuồng với tango. Mọi người mở dạ tiệc khiêu vũ với dàn nhạc Á Căn Đình và nhảy tango. Y phục phụ nữ thay đổi, những váy thụng và xòe được thay bằng váy gọn gàng, buông thả hơn."
Trong những năm 1900, phần thô tục của lời ca được thay thế bằng những tình cảm trong sạch. Lời ca ghi lại quá khứ với âm điệu ai oán, xót thương ra riết của nhạc điệu tango đối với những kiếp người sống "trôi sông, lạc chợ", các mối tình đã mất, yêu trong cay đắng, nỗi buồn viễn xứ, những đam mê lãng mạn, v.v.
Sự thay đổi trong lời ca tango được đánh dấu bởi buổi trình diễn của một tay chơi Á Căn Đình, tên là Ricardo Guiraldes, trong hai năm 1910 và 1911 ở Paris. Vũ điệu tango lúc bấy giờ trông thãy còn khá tục tĩu và dâm đãng (obscene) nhưng với sự ủng hộ nhanh chóng của dân Âu châu, tango tái "nhập cảng" ngược về Buenos Aires và lần này, được giới thượng lưu Á Căn Đình hoan nghênh.
Hình thức Tango Á Căn Đình mà chúng ta thấy ngày nay xuất xứ từ ca sĩ Carlos Gardel vào
những năm 1938 - 1940. Có ba hình thức: Salón, Fantasía, và nhảy biểu diễn. Hình thức nhảy
biểu diễn, đôi khi còn gọi là "để xuất cảng", nhắm vào các dân tộc nói tiếng Anh. Bên ngoài Á
Căn Đình, dân vùng Bắc Mỹ tán thưởng hình thức tango nhảy biểu diễn do các công ty và các
shows của Buenos Aires trình diễn. Cuối show, người ta yêu cầu mở lớp dạy cho họ. Vài vũ
công có thể dạy nhưng về sau, các vũ sư từ Buenos Aires cảm thấy rất khó khăn để giải thích sự khác biệt giữa nhảy biểu diễn trên sân khấu và nhảy Tango Á Căn Đình. Thời vàng son của
tango xảy ra vào các thập niên 1940's và đầu 1950's.
Tango của Mỹ tổng hợp các nét hay của nhiều kiểu cách: Á Căn Đình, Pháp, Cao bồi (Gaucho) và Quốc tế, và dựa theo ba nguyên tắc chính: vũ điệu phải phù hợp với nhạc điệu, phải có các bước nhảy căn bản của tango, và phải thoải mái, hào hứng khi nhảy.

3.2.Đàn bandonion, biểu tượng tango
Cách nay hàng ngàn năm, nhạc cụ thổi bằng miệng (khèn, sáo, tiêu, v.v.) được phương Đông sử dụng dựa trên các lỗ khoét từ ống tre, trúc nhưng mãi tới thế kỷ thứ 20, Âu châu mới biết khai thác nguyên tắc này. Một số nhạc cụ khác nhau về hình dáng được phát minh như: reed organs. accordions, harmonicas, v.v.

8 Javier García Méndes and Arturo Penón, translated by Timothy Barnard, The Bandonion: A Tango History, 9th. Edition, London, 1988. Bandonion Khoảng năm 1845, Đức quốc phát minh một nhóm nhạc cụ hình vuông, có 14 lỗ ở mỗi bên, gọi là koncertinas. Năm 1856, một phó sản trong nhóm nhạc cụ koncertinas do một chủ tiệm đàn tên là Einrich Band chế tạo: cây bandonion. Tên của đàn xuất phát từ chính họ của ông. Sau đó, bandonion phát triển thành nhiều hệ thống và hình dáng khác nhau, trong đó kiểu Reinlander (từ quận Rein) được xuất cảng qua Á Căn Đình và nhanh chóng được hoan nghênh ở Buenos Aires. Á Căn Đình không bao giờ chế bandonion nhưng sử dụng loại bandonion nhập cảng có 71 nút, chơi được cả hai notes nhạc bởi một nút, tùy thuộc nút mở hay đóng (còn gọi là diatonic hay bi sonic). Nhà sản xuất Đức quốc Alfred Arnold nổi tiếng nhất về đàn bandonion.
Giá mỗi cây đàn bandonion vào khoảng $US 2,000 đến 4,000 là tối đa. Bandonion là một nhạc cụ khó sử dụng nhưng âm thanh bi thảm của nó hết sức hòa hợp với xúc cảm tango, vì vậy nó dính liền với nhạc điệu tango, "không thể gỡ ra được" (inextricable), và được xem là biểu tượng cho tango.
3.3.Cốt lõi của vũ điệu tango:
Mỗi vũ điệu đều có tinh thần riêng mà người ta cần cảm nhận để có thể hòa nó vào vũ điệu qua nét mặt và bước nhảy. Cái hồn (soul) hay cốt lõi của Paso Doblé là nhịp điệu dồn dập, hào hùng của người đấu bò, Rumba là thiết tha tỏ tình, Be-bop là vui tươi, trẻ trung, v.v. Tango thì nên lưu ý hai trường hợp:
*Nếu nhảy tango xã giao trong vòng thân hữu thì phải giữ khoảng cách lịch sự và chỉ nên đi
bước tango căn bản và đơn giản là quá đẹp rồi. Không nên thử nhảy biểu diễn fantansie vì không có dợt trước.
*Ngoài ra là nhảy tango giữa các cặp tình nhân. Trong trường hợp này, cả hai hòa hợp thành
một, gắn bó chặt chẽ trong vòng tay thân ái của hai người với nhau, đôi khi dù chỉ vài phút tango ngắn ngủi nhưng cũng đủ để ghi nhớ suốt đời ...
Phải có hai người mới xảy ra một mối tình. Tango cũng thế: phải có hai người mới tango được (it takes two to tango). Do đó, nếu một trong hai người không cảm thấy thực sự rung động thì không nên nhảy tango để tránh cảm giác "ôm một người mà lòng như tro nguội." Khổ lắm!
9Triết lý nhà Phật nói có tám cái khổ, trong đó có: khổ vì không đạt được điều mong muốn(cầu bất đắc khổ), khổ vì thương nhau nhưng bị chia lìa (ái biệt ly khổ), khổ vì oán ghét nhau mà cứ phải gặp nhau (oán tắng hội khổ).
Tổng hợp bước lướt và đá chân (giống như bước chân trong khiêu vũ của dân da đen Phi châu) với cách ôm sát nhau xuất xứ từ nhà thổ, với hai chân nhảy nhanh, và với nét mặt đượm vẻ đam mê, ưu tư, lả lơi gợi dục thì đó chính là bước nhảy tango, tiếng vọng của đường phố Buenos Aires.
Bước nhảy Tango đúng ra là đơn giản, chỉ có phần bộc lộ cảm xúc là quan trọng. Đó là một cái gì rất riêng tư mà hai người chia sẻ với nhau, không phải để trình diễn trước công chúng. Người Âu châu và Bắc Mỹ không quan tâm đến ý nghĩa này nên tiếp nhận vũ điệu Tango trong quan điểm "bước nhảy của họ phải trông sao cho hoa mỹ" (how flashy can I be with the steps),
và do đó, họ chỉ chú trọng đến bước nhảy để phô trương mà thôi. Điều này có phần phản lại quan điểm căn bản của Tango.
Bản chất của tango là một vũ điệu đi tới (progressive), nhảy ở phía vòng ngoài của sàn nhảy
nhưng đối với người Việt Nam thì tango trở thành nhảy tại chỗ (spot dance); có lẽ vì sàn nhảy
thường rất đông nên không có chỗ để nhảy theo vòng ngoài.
Tango là vũ điệu dễ nhảy nhất, nghĩa là có thể khởi sự nhảy với bất cứ nhịp nào, vào bất cứ bước nào. Ngoài các bước chậm, người ta có thể nhảy rất chậm, ngay cả ngừng hẳn. Nhịp tango là 4/4, nhịp 1 mạnh nhất và nhịp 3 mạnh vừa, trong khi nhịp 2 và 4 nhẹ và chậm. Nếu lỡ trật nhịp, cứ làm lại và tiếp tục nhảy10 Chính vì vậy, người ta rất ưa chuộng nhảy điệu slow bằng bước tango để có thể biểu diễn các fantasies độc đáo.
Với vũ điệu tango, người ta có khá nhiều fantasies đẹp mắt. Cần lưu ý ba điều khi biểu diễn:
1)Đào kép buộc phải tập luyện thật kỹ để tránh "không ăn khớp"; bối rối nhất là khi te mà đào té luôn xuống sàn nhảy. Fantasie "bước chặt" (corte)
2)Fantasies cần được làm một cách tự nhiên, dễ dàng nhưng trên hết là phải phù hợp với lứa tuổi. Thí dụ, một cặp năm bó mà biểu diễn fantasie "tung hoa, bắt bướm" thì trông hơi kỳ. Đó là chưa nói đến trang phục.
3)Khi biểu diễn xong, luôn luôn trở về bước căn bản. Fantasie "dấu chân kỷ niệm"
10 Al Pacino trong phim "The Scent of a Woman": "The Tango is the easiest dance. If you make a mistake and get tangled up, you just Tango on."
(còn phần 3)

TaTango
August 8th, 2011, 08:16 AM
Phần 3 - Kết thúc

Vào lúc ban đầu, vũ điệu tango chỉ có phần nhạc điệu, không có lời, và có lẽ chỉ có các động tác
tỏ tình giữa gái điếm và ma cô. Về sau, lời ca được đặt ra, viết theo ngôn ngữ giang hồ của
đường phố Buenos Aires, gọi là Lunfardo, tức là một hỗn hợp các tiếng Tây Ban Nha, Ý Đại
Lợi, thổ ngữ và kể cả các tiếng lóng. Đặc điểm này có thể nhận ra qua các tựa đề cũng như nội
dung của các bản nhạc tango. Cũng nên ghi nhận một đặc điểm khác, khi lời ca bắt đầu xuất
hiện, đàn bà thường được mô tả như những ma quỷ cám dỗ đàn ông sa vào tội lỗi và bê tha.
Ricardo García Blaya viết: "Tango rõ ràng đã lan truyền rộng rãi khắp nơi, một vũ điệu độc đáo
mà theo nhà khảo cứu Juan Carlos Legido trong cuốn La orilla oriental del tango thì đây là "một
hiện tượng có thật mà có lẽ rằng chúng ta không cần phải dùng nhiều chữ để giải thích bởi vì nó
đến từ trái tim của đại chúng, gây xúc động bởi cấu tạo đơn giản và rõ nét của âm điệu tango.11
Nhạc điệu tango đầu tiên La Cumparsita được viết cách nay khoảng
100 năm, đã và sẽ mãi mãi là một nhạc điệu bất tử!
La Cumparsita là một khúc diễn hành nhỏ, do một sinh viên trẻ theo
học ngành Kiến Trúc, Gerardo Hernán Matos Rodríguez, sáng tác mà
ngày tháng có thể nằm trong khoảng cuối năm
1915 và đầu năm 1916. Đây là một hành khúc
soạn cho ban nhạc diễn hành do Tổng Hội Sinh
Viên Uruguay tổ chức.
Theo Legido và chắt gái của Matos Rodríguez là
Rosario Infantozzi Durán thì năm sáng tác là 1917
và dàn nhạc Alonso-Minotto thu âm đầu tiên.
Nhưng theo khảo cứu gia Boris Puga thì dàn nhạc
Firpo trình diễn đầu tiên vào năm 1916 ở Montevideo. Điều chưa rõ ràng là
Firpo có thu âm vào năm 1916 hay không.
Ngày nay, dường như không ai thắc mắc về các điểm nêu trên để chỉ kết luận
tổng quát là sự kiện đã xảy ra vào năm 1916.
Tháng 4, 1916, qua một người bạn, chàng thanh niên Matos Rodríguez giới
thiệu bản nhạc của mình cho tay chơi dương cầm và cũng là nhạc trưởng
Roberto Firpo, lúc đó đang điều khiển ban nhạc ở quán cà-phê "La Giralda",
vốn là một trung tâm tango tại thành phố Montevideo, thủ đô của Uruguay.
11 http://www.todotango.com/english/creadores/gmrodriguez.asp, Ricardo García Blaya: " ... a real phenomenon,
that maybe we do not need many words to explain it because it comes from the crowds' hearts, that felt touched by
the simple and clear texture of its melody.
Bản nhạc gốc viết rất sơ sài. Theo Roberto Firpo, La Cumparsita chỉ có phần đầu là giữ nguyên,
và ông trích một đoạn trong bài tango "La gaucha Manuela" của ông và thêm vào để cho ra bài
hành khúc, cũng như thêm vào một phần bản opera "Miserere" của Giuseppe Verdi. Do đó, La
Cumparsita là một tổng hợp nhạc sáng tác bởi Matos Rodríguez, Firpo và Verdi.
Năm 1924, La Cumparsita đã bị lãng quên, nhưng khi Pascual Contursi và Enrique Pedro
Maroni thêm ca từ và đặt một tên mới, "Si supieras", vào bản La Cumparsita mà không có sự
đồng ý của tác giả thì sự việc bùng nổ. Matos Rodríguez rất giận, nộp đơn thưa và mãi đến năm
1948 mới ngã ngũ. Dưới đây là phần dịch bài viết của một người ẩn danh, lấy bút hiệu C.F., viết
về La Cumparsita 12
"Quán cà-phê La Giralda ở Montevideo, Uruguay, chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử Tango.
Tại đó, vào năm 1917, chàng thanh niên Gerardo Matos Rodriguez giao (ẩn danh) nguyên văn
bản nhạc tango do anh viết cho dàn nhạc của Roberto Firpo để trình diễn lần đầu tiên. Lúc đó
Gerardo chỉ mới 17 tuổi, có nhiều khó khăn để là một sinh viên của ngành kiến trúc tại
Montevideo. Ẩn danh vì khiêm nhường? Vì mắc cỡ? Vì sợ bị chế diễu? Không ai biết vì sao
12 C.F., http://www.tango-rio.com/cumparsa.htm: "The cafe 'La Giralda' in Montevideo, Uruguay, occupies a
special place in Tango history. It was there in the year 1917 that a young Gerardo Matos Rodriguez gave
(anonymously) the music score of a tango he had written to the orchestra of Roberto Firpo to play for the first time.
Gerardo was then an adolescent (17 years old) who was barely making it as a student in the faculty of Architecture
in Montevideo. Was it modesty? shyness? fear of ridicule? who knows why he wanted to remain anonymous? Firpo
only knew that the name of the young composer was Gerardo. It was only later that the full identity of the author
was known. He was young, educated, well mannered and sensible. He was also a bit naive. He sold for 20 pesos his
rights of authorship to the Breyer publishing house. After some moderate success the composition was forgotten.
Seven years later, in 1924, Gerardo was living in Paris and he met Francisco Canaro who had just arrived with his
orchestra. That's when he found out that La Cumparsita was a major hit. The tango lyricists Enrique Maroni and
Pascual Contursi had added words to the tango and renamed it 'Si Supieras'--If you knew. All of Buenos Aires was
hearing, dancing, and demanding to buy the score for the tango that was seemingly everywhere in shows,
recordings, and broadcasts. Shortly after, La Cumparsita arrived to Paris where, in the full grip of the roaring 20's,
people danced charlestons, shimmys, one-steps, bostons, and when the crowd asked for a tango, they danced La
Cumparsita. From Paris La Cumparsita spread to the four corners of the world and has since and forever after
become a synonym for Tango.
Gerardo Matos Rodriguez spent the next 20 years in and out of court trying to regain his rights as author of the most
famous tango in the world. The first trial was between the composer and the Breyer and Ricordi publishing houses --
Breyer had sold the piece to Ricordi. After a long battle, Ricordi agreed to pay royalties to the author. The second
lawsuit was against Maroni and Contursi. They had added lyrics to the tune without permission. Gerardo won on the
basis that he had surrendered his right to the music while being a minor. A legal loophole, but the law is the law. In
1942, a third lawsuit was established to discontinue from sale the recording made by Carlos Gardel. This of course
engendered a fourth lawsuit, this time by Maroni and Contursi's widow, for damages and seeking their rights as
authors of the lyrics.
There are quite a few tangos that have different lyrics set to the same music. In some instances it was due to the
ribald nature of the original lyrics that necessitated a change once the tango left the bordello. In the case of La
Cumparsita, it was its popularity. The original lyrics written by Gerardo, have nothing to do with the lyrics of
Maroni and Contursi. And there are French versions, American versions, and several other languages. Needless to
say, to hear "Tantalizing/your mask is only/half disquising/I have no trouble recognizing/your features which I'm
idolizing" --The Masked One, lyrics by Olga Paul-- is rather amusing if not down right hilarious. Given that the
author of La Cumparsita (at the time) was just an amateur pianist, the technical merits of the melody have always
being questioned. Gerardo had only composed the first two parts. Moreover, the first part lacks a clear beat. Firpo
himself had to add a third part and the harmony to the first."
anh muốn ẩn danh. Firpo chỉ biết rằng tên của người sáng tác trẻ là Gerardo. Chỉ sau đó mới
biết đầy đủ họ tên của tác giả. Anh ta trẻ, có học thức, xử sự đúng đắn, và nhạy cảm. Anh cũng
có phần nào ngây thơ. Anh bán bản quyền với giá 20 pesos cho nhà xuất bản Breyer. Sau vài
thành công vừa phải, sáng tác chìm vào quên lãng.
Bảy năm sau, năm 1924, Gerrdo đang sống ở Paris và gặp Francisco Canaro vừa mới tới cùng
với dàn nhạc của ông. Đó là lúc mà Gerardo biết La Cumparsita đã là bản nhạc nổi tiếng. Nhạc
sĩ Enrique Maroni và Pascual Contursi đã bỏ
thêm lời vào bản nhạc và đặt lại tên thành Si
Supieras. Tất cả mọi người ở Buenos Aires
nghe, nhảy, và yêu cầu được mua nguyên
văn bản nhạc hầu như có mặt khắp nơi:
shows, dĩa và truyền thanh. Ít lâu sau, La
Cumparsita lan đến Paris là nơi mà mọi
người nhảy charlestons, shimmys, one-steps,
bostons, và là khi mà mọi người muốn nhảy
tango thì họ nhảy với bản La Cumparsita.
Từ Paris, La Cumparsita lan rộng tứ phương
trên thế giới và kể từ đó, vĩnh viễn trở thành
biểu tượng cho Tango.

Kế đó Gerardo Matos Rodriguez mất 20 năm vào ra tòa án để phục hồi bản quyền tác giả của bản
tango nổi tiếng trên thế giới. Vụ xử đầu tiên là giữa tác giả và nhà xuất bản Breyer and Ricordi -
Breyer đã bán bản nhạc cho Ricordi. Sau một trận đấu tranh lâu dài, Ricordi đồng ý trả tiền bản
quyền cho tác giả. Vụ thưa kiện thứ hai nhắm vào Maroni và Contursi. Hai người này đã bỏ
thêm lời ca mà không được phép của tác giả. Gerardo thắng kiện dựa trên căn bản là anh hủy bỏ
tác quyền trong khi hãy còn là vị thành niên. Năm 1942, vụ kiện thứ ba nhằm chấm dứt việc
bán bản nhạc do Carlos Gardel thu âm. Dĩ nhiên việc này dẫn đến vụ kiện thứ tư, lần này do vợ
góa của Maroni và Contursi thưa vì bị thiệt hại và thỉnh cầu bản quyền của họ đối với ca từ của
bản nhạc.
Có vài bài tango có ca từ khác nhau đối với âm điệu của cùng một bản nhac. Đó là vì bản chất
tục tĩu của ca từ gốc mà người ta cần phải thay đổi để bản tango có thể ra khỏi nhà thổ. Trường
hợp La Cumparsita là vì tính chất đại chúng của nó. Ca từ nguyên thủy viết bởi Gerardo, không
liên quan gì đến ca từ của Maroni and Contursi. Rồi còn có bản có lời tiếng Pháp, tiếng Anh, và
vài ngôn ngữ khác. Lẽ dĩ nhiên, nghe các ca từ khác nhau chỉ là một điều vui mà thôi. Gerardo
chỉ sáng tác hai phần đầu mà thôi. Hơn nữa, phần đầu thiếu một nhịp trong. Chính Firpo đã phải
thêm vào phần ba và hòa với phần một."
Dựa trên điệu nhạc La Cumparsita, nhạc sĩ Phạm Duy vận dụng một cách tuyệt hảo ưu thế của
tiếng Việt Nam để sáng tác ca từ Vũ nữ thân gầy - tiếng Việt có sáu giọng chính và hai giọng
phụ, so với La Cumparsita chỉ có bốn giọng. Đã đành với tám giọng, tiếng Việt có thể bao trùm
tất cả giọng của các ngôn ngữ khác nhưng điều đáng khâm phục là nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời
có ý nghĩa và lột được cốt lõi của âm điệu tango! (theo quan điểm riêng, tôi xin bỏ qua các khía
cạnh khác của nhạc sĩ Phạm Duy vì tôi chỉ nhìn ông trong tư cách một nhạc sĩ - không hơn,
không kém).
La Cumparsita
Nhạc: Gerado Matos Rodriguez
Lời: Vũ Nữ Thân Gầy-Nhạc sĩ Phạm Duy
Ca sĩ: Lệ Thu

Đàn đã khơi rồi
trong lúc đêm tàn rơi
đàn khóc ai hoài
cho héo hon lòng tôi
đàn nhớ nhung người
như sắc hương tàn phai
đàn cố nuôi lời
cho giấc mơ còn lơi.

Ôi! nghe tiếng đàn réo mà thương người
nghe tiếng cười reo xót xa đời
nhớ nhung đau thương mà thôi.
*
* *
Người vũ nữ người xưa mến thương ôi
nhớ tới hương đêm kinh đô chưa qua đời
nhớ tới đôi môi nụ cười
nhớ tới xa xôi
nay đã xa rồi.

Người vũ nữ ngồi bên cốc lên men
bát ngát hương môi cho anh say mềm
nhịp nhàng gieo trên sàn êm
rộn ràng nghe bao lời điên
của khách giang hồ say triền miên
*
* *
Ta ghì cho tan vỡ trái tim này
cho người ăn chơi nhíu đôi lông mày
ta cười cho xanh ngắt kiếp lưu đày
cho người vũ nữ khóc tấm thân gầy

Chưa nói yêu nhau
mà lòng đã đau
chưa nói mê say
mà tình đã bay
chưa biết môi em
mà hồn đã quên
đã qua một đêm.
4.Kết luận
Phim ảnh khai thác tác dụng đối với thị giác, trong khi khiêu vũ là một bộ môn dựa trên nhạc mà
khai thác ảnh hưởng của động tác và âm thanh. Dù ở đâu, bên trời Đông hay trời Tây, và dù ở
thời điểm nào thì các sinh hoạt giải trí như ca, vũ, nhạc, kịch, v.v. đều đóng một vai trò rất quan
trọng trong đời sống con người; và tựu trung đều có một số nguyên tắc tương đồng.
Thời xưa, cổ nhân Trung quốc lấy bốn chữ lễ, nhạc, hình, chính làm căn bản cho đường lối trị
dân. Vì vậy, khi học chữ, cổ nhân phải học ca, học đàn, và học thẩm âm - xem xét lời ca hòa với
tiếng đàn nặng, nhẹ, đục, trong như thế nào. Trong Kinh Lễ, thiên Nhạc Ký chép: nhạc tức là
hòa hợp với lẽ phải quấy thông thường; vì thế xét kỹ tiếng thì biết điệu; xét kỹ điệu thì biết nhạc;
xét kỹ nhạc thì biết việc chánh trị13. Thể chế chánh trị thời xưa là quân chủ, vua quan cai trị và
dạy bảo dân chúng về phong tục, tập quán, kể cả nhạc; nhạc phải hòa vào và hợp với các quan
niệm phải quấy được đặt ra, nếu không sẽ bị đào thải. Do đó, xét nhạc mà biết chuyện chánh trị,
biết dân tình và biết các đặc điểm văn hóa - thường được nhạc biểu hiện một cách sống động và
trung thực. Thời nay, nhạc có thể bị chống đối vào thời điểm này nhưng lại được ưa chuộng vào
thời điểm khác - điều này tùy thuộc hoàn toàn vào đại chúng. Trong buổi nói chuyện tại quán
cà-phê, một người bạn của tôi nhận xét:14
"Khiêu vũ cũng thể hiện nét văn hóa đặc trưng, cũng như tình trạng xã hội của một dân tộc.
Ví dụ, những điệu vũ của người Da Đỏ thể hiện tính chiến đấu, hiếu động, ý chí sinh tồn trước
thiên nhiên khắc nghiệt, được hình thành trong lịch sử cam go của họ. Điệu vũ của Việt Nam thể
hiện tính bình dị, mềm mại và hòa bình. Điệu vũ Trung quốc thể hiện nét khéo léo, tinh xảo
trong nghệ thuật. Điệu vũ Lào, Thái Lan, Cambodia, chú trọng những nét cong và tròn của tứ
chi lẫn các ngón tay, không khác gì những nét cong tròn trong chữ viết của họ, thể hiện một xã
hội khép kín, nhưng khi "bung ra" thì luôn luôn đi tới một trạng thái quá độ, không thể kiểm soát
được. Trong khi đó, khiêu vũ Tây phương hiện đại thể hiện nét lịch lãm, hào hoa và tươi tắn.
Những bước nhảy trong khiêu vũ Tây phương cổ điển lại biểu tượng cho giai cấp thượng lưu,
màu mè và đạo đức giả! Những năm gần đây, điệu nhảy New Wave thể hiện tính thác loạn và
mất định hướng của tuổi trẻ đương thời."

Nói chung, tuy khiêu vũ cá nhân có tính chất đại chúng, dễ dàng học và tập nhưng không nên
xem thường. Nếu có quan niệm nghề chơi có lắm công phu thì mới có thể tìm hiểu và cố gắng
để trở thành một người sành điệu - bằng không người ta chơi thì chơi đó nhưng chẳng khác gì
thực bất tri kỳ vị15, ăn cao lương mà cứ tưởng là giẻ rách!
Phạm Văn Bân, 5/2006.
13 Hán Việt: nhạc giả thông luân lí giả dã; thị cố thẩm thanh dĩ tri âm; thẩm âm dĩ tri nhạc; thẩm nhạc dĩ tri chính.
Pinyin (Bính âm): yue zhe tong lun li zhe ye; shi gu shen sheng yi zhi yin; shen yin yi zhi yue; shen yue yi zhi
zheng. Hán tự: 樂 者 桶 倫 理 者 也 ; 是 故 審 聲 以 知 音 ; 聲 音 以 知 樂 ; 聲 樂 以 知 政. Theo Ngũ kinh
thông nghĩa 五 經 通 義, nhạc gồm có ngũ âm, bát thanh. Âm là tiếng kêu, ban đầu có năm âm: cung, thương, giốc,
chủy và vũ nhưng về sau thêm thiếu cung và thiếu thương, tức là bảy bậc đàn: hợp, xự, xừ, xàng, xê, cống, phàn
tương đương với đồ, rê, mi, pha, xôn, la, xi (do, ré, mi, fa, sol, la, si). Bát thanh: tiếng đồng (kim), đá (thạch), tơ
(ti), tre (trúc), kèn (bào), đất (thổ), tiếng trống (cách), và gỗ (mộc).
14Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, tại quán cà-phê Picasso, 5/3/2006.
15 Nhân mạc bất ẩm thực dã, tiển năng tri vị dã (Trung Dung): Con người không ai không ăn uống, nhưng ít ai biết
nỗi mùi vị 人 莫 不 飲 食 也, 鮮 能 知 味 也.

TaTango
August 8th, 2011, 08:26 AM
VĂN HÓA VĂN NGHỆ



(SGGPO).- Đêm qua, 31-8, tại Buenos Aires, Argentina, cặp đôi người Nhật đã xuất sắc qua mặt đôi đối thủ nặng ký người Argentina, đoạt ngôi vị vô địch khiêu vũ Tango thế giới.


http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2009/09/images303855_4.jpg

Vô địch Khiêu vũ Tango Thế giới lần 7


Tango Salon là thể loại Tango nhảy trong phòng – thể loại phổ biến của người Argentina, kết hợp điệu Tango cổ điển pha chút vũ điệu ballet và aerobic.


http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2009/09/images303851_1.jpg

Hiroshi Yamao (phải) và Kyoko Yamao (trái) trong màn trình diễn giành giải Vô địch


Giải thưởng quý giá mà cặp đôi này nhận được ở thể loại Tango Salon là “Đôi giày vàng” và 3.800 USD tiền mặt.

Ở thể loại Tango Salon, cặp đôi người Colombia - Edwin Leon Medellin và Jennifer Arango Agudelo đoạt giải nhì; cặp đôi người Argentina là Jorge Marino và Sara Parnigoni đoạt giải 3.

Đối với thể loại Tango Stage – Tango trên sân khấu, cặp đôi người Argentina Jonathan Spitel và Betsabet Flowers đã đánh bại 20 cặp khác và giành giải nhất. Cặp đôi người Argentina Cristian David Correa - Manuela Rossi giải nhì. Cặp đôi Cristian Andres Lopez (Argentina) và Nao Tsutsumishita (Nhật Bản) đoạt giải ba.


http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2009/09/images303849_3.jpg

Cặp đôi người Argentina Jonathan Spitel (phải) và Betsabet Flowers (trái).


Vũ điệu Tango có xuất xứ từ các quán bar và nhà thổ ở Buenos Aires trong thế kỷ 19. Nó đã phát triển trở thành một trong những vũ điệu biến hóa nhất khiến cả thế giới mê đắm.

Giải đấu năm nay đã thu hút đông đảo nghệ sĩ khiêu vũ đến từ hơn 100 nước.


Theo SGGP

TaTango
August 8th, 2011, 08:28 AM
http://www.youtube.com/watch?v=e9KMzyT9JI4


http://www.youtube.com/watch?v=W4WsjL_mlAU&feature=related

TaTango
March 19th, 2012, 03:54 PM
Xin giới thiệu với các bạn nhật ký của một Tango dancer vừa mới trở về từ Buenos Aires, Argentina

Lần đầu tiên đi Buenos Airest, chuyến bay từ Sài Gòn tới kuala lumpur lúc 10 giờ tối. Lấy hành lý (nặng trịch- có gì đâu mà nặng thế nhỉ). Leo lên tầng 5 check in vào chuyến bay của Emirates. Sân bay kl rộng mênh mông đi phê luôn.
So với sân bay làng ở sg thì sân bay ở kl phúc tạp hơn. Nghĩ bụng ông già bà cả không biết tiếng Anh tiếng em gì mà đi kiểu này thì chỉ có khóc ra tiếng mán! Làm thủ tục xong còn lên thác xuống ghềnh leo trèo qua một nhà ga khác bằng tàu điện. 11.30 Local time! Còn 2 tiếng nữa mới tới chuyến bay kế tiếp đi Dubai. Mua một tuýp sữa rửa mặt, Không muốn lang thang shopping gì nữu, có mua cũng không xách nổi nữa. Balo của mình có điện thoại, máy ảnh, iPad, laptop... Ối giời cũng đến gãy xương còng lưng vì công nghệ mất!!
Chuyến bay kế tiếp đi Dubai, chưa từng tới xứ sở này bao giờ! Phải hết sức dòm ngó xem có gì lạ không? Nhưng chắc cũng không hy vọng gì nhiều vì trong sân bay nào chẳng giống sân bay nào nhỉ? Nhớ trước đây dân tiếp viên hàng không ở VN hay buôn lậu đồ điện tử và xa sỉ phẩm từ Du bai về. Không hiểu thời nay các bạn ấy buôn gì từ Du bai nhỉ ...

Qua một đêm trên máy bay Emirates, máy bay tốt, dịch vụ lịch sự tử tế, cứ tưởng giá rẻ thì không trông chờ gì nhiều hoá ra còn tốt hơn chán vạn những hãng khác. Chẳng trách gì nghe nói các hãng hàng không khác lỗ lên lỗ xuống thì Emirates vẫn cứ tăng trưởng đều đều....
Giờ này ở Dubai là 5 giờ sáng thì sg là 8 giờ sáng, 3 giờ chênh lệch ...
7 giờ boarding.... Sẽ là một ngày dài trên máy bay... Trạm dừng chân kế tiếp sẽ là Rio de Janeiro ở Brazil gần tp Sao Paulo.
Chuyến bay 17 tiếng đi Rio de Janeiro hoá ra cũng dễ chịu. Đồ ăn tuyệt Hảo, phục vụ tuyệt vời, ghế kế bên trống nên có thể ngả lưng nằm ngủ. Hihi đúng là may hơn khôn. Bụng bảo dạ mua một vé ngồi được một vé nằm!! Thêm tiện ích cũng giống như giảm giá thành!
Transit o brazil, có Internet mà không hiểu sao không vào fb được. Hmmm chỉ có CHXHCN VN chặn fb chứ chẳng lẽ brazil cũng là CHXHCN brazil hay sao :-) Giờ này ở đây là 4pm sg là 2 am- kể ra cũng hơi buồn ngủ. Để xem tình hình jetlag nó ra làm sao, Hì Hì

TaTango
March 19th, 2012, 03:55 PM
Xin giới thiệu với các bạn nhật ký của một Tango dancer vừa mới trở về từ Buenos Aires, Argentina

Lần đầu tiên đi Buenos Airest, chuyến bay từ Sài Gòn tới kuala lumpur lúc 10 giờ tối. Lấy hành lý (nặng trịch- có gì đâu mà nặng thế nhỉ). Leo lên tầng 5 check in vào chuyến bay của Emirates. Sân bay kl rộng mênh mông đi phê luôn.
So với sân bay làng ở sg thì sân bay ở kl phúc tạp hơn. Nghĩ bụng ông già bà cả không biết tiếng Anh tiếng em gì mà đi kiểu này thì chỉ có khóc ra tiếng mán! Làm thủ tục xong còn lên thác xuống ghềnh leo trèo qua một nhà ga khác bằng tàu điện. 11.30 Local time! Còn 2 tiếng nữa mới tới chuyến bay kế tiếp đi Dubai. Mua một tuýp sữa rửa mặt, Không muốn lang thang shopping gì nữu, có mua cũng không xách nổi nữa. Balo của mình có điện thoại, máy ảnh, iPad, laptop... Ối giời cũng đến gãy xương còng lưng vì công nghệ mất!!
Chuyến bay kế tiếp đi Dubai, chưa từng tới xứ sở này bao giờ! Phải hết sức dòm ngó xem có gì lạ không? Nhưng chắc cũng không hy vọng gì nhiều vì trong sân bay nào chẳng giống sân bay nào nhỉ? Nhớ trước đây dân tiếp viên hàng không ở VN hay buôn lậu đồ điện tử và xa sỉ phẩm từ Du bai về. Không hiểu thời nay các bạn ấy buôn gì từ Du bai nhỉ ...

tiachop
May 19th, 2012, 12:43 PM
Người viết: ruby31

Người ta gọi một bữa tiệc Tango là một Milonga. Tango có thể nhảy mọi nơi: trên đường phố, trong vũ trường, quán café. Tuy nhiên một không gian Milonga đặc trưng thường trầm, lãng mạn, nhẹ nhàng chứ không ồn ào như các điệu nhảy khác. Những người tham gia Milonga sẽ nhảy theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Trước kia, các chân nam khi muốn mời chân nữ thường dùng ánh mắt để dò hỏi trước. Tuy nhiên, bây giờ có nhiều cách thể hiện khác nhau, miễn là lịch sự.

Màu sắc đặc trưng của Tango thường là màu đỏ và đen. Các chân nam vận trang phục màu đen và nhảy Tango với sắc mặt lạnh lùng nhưng say đắm là một hình ảnh rất đẹp và cuốn hút của Tango. Các chân nữ có thể sử dụng màu sắc đa dạng hơn nhưng đẹp nhất vẫn là màu đỏ. Tuy nhiên trang phục lịch sự là đủ với một Milonga.

Trong Milonga, người chơi thường sử dụng các vũ hình đơn giản và âm nhạc là nguồn cảm hứng chính của người nhảy. Nhạc Tango trong Milonga được soạn bao gồm nhiều tanda, mỗi tanda thường có 3 bài hát tango được lựa chọn cùng một thể loại nhạc. Xen giữa các tanda là một đoạn nhạc nghỉ được gọi là cortina. Kết thúc Milonga bao giờ cũng là bài Lacumparsita.

Chân nam lịch sự thông thường sẽ nhảy với một chân nữ hết một tanda. Bài đầu tiên của Tanda là để làm quen với phong cách nhảy của nhau, bài thứ 2 là cảm giác hưng phấn và bài thứ 3 là sự hoà quyện của đôi nhảy. Muốn dừng bài nhảy, chỉ cần nói “cám ơn” là bạn nhảy đủ hiểu.